Làm báo cùng Giao thông

Cấm phát ngôn tùy tiện, phiến diện được không?

06/10/2017, 07:43

Sở Văn hóa và Thể thao vừa trình UBND TP Hà Nội dự thảo quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn...

9

Dự thảo cấm phát ngôn tuỳ tiện và phiến diện gây tranh cãi. Hình minh họa

Trong dự thảo này, có một mục nhận được nhiều phản ứng từ dư luận, đó là nghiêm cấm phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.

Thực ra, vấn đề này không mới. Lâu nay, trong từng cơ quan đã có quy định hoặc quy ước về việc phát ngôn, hầu hết đều có một điểm giống nhau là không được nói trái với quan điểm của cơ quan đó đưa ra. Còn các vấn đề khác thì theo chế tài của pháp luật

The Thinh

Nhà báo Thế Thịnh

Có cơ quan yêu cầu nhân viên không bàn luận tới các vấn đề chính trị nhưng cũng có cơ quan chỉ nhấn mạnh việc không bàn luận, đưa thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội tiết lộ đến bí mật kinh doanh, chiến lược phát triển, các số liệu kế toán, thậm chí cả thu nhập cá nhân của đơn vị.

Phải khẳng định, Hà Nội đưa ra quy định nhằm định hướng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuẩn mực văn hóa phát ngôn, xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh là một ý tưởng tích cực.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hiểu cho đúng thế nào là tùy tiện và thế nào là phiến diện? Nếu không làm rõ và có định lượng về hai từ này thì nó sẽ trở thành một cuộc “khẩu chiến” bất phân thắng bại giữa người quản lý và nhân viên thuộc quyền.

Cá nhân tôi ủng hộ mọi ý kiến phản ánh trước hết phải được bày tỏ với tổ chức quản lý. Tôi cũng rất không đồng tình với việc “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”. Nhưng không ít trường hợp, tổ chức không chịu lắng nghe, không giải thích thỏa đáng lại có lời thách thức. Lúc đó rất khó để ngăn họ nói ra vì quá bức xúc như người bị kìm nén muốn hét lên một tiếng, đôi khi chưa chắc đã để làm gì. Bao nhiêu chuyện báo chí phanh phui cũng từ trên trang cá nhân của mạng xã hội. 

Phiến diện cũng là một khái niệm mơ hồ. Có thể phiến diện với ý người này nhưng lại đúng với ý người kia mà sự hiểu biết, vốn văn hóa để phân định nó là vô cùng khó. Khó là vì một lẽ nữa, tại thời điểm đó anh cho là phiến diện nhưng ở thời điểm khác lại không.

Quy định này có vẻ sẽ áp dụng được với những cán bộ được cơ quan giao quyền phát ngôn nhưng sẽ rất khó khi áp cho những đối tượng khác, nhất là người lao động.

Ở một khía cạnh khác, mọi người đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình. Những phát ngôn của họ không vi phạm pháp luật thì một quy định dưới luật rất khó để chế tài họ nếu vấn đề được đưa ra tòa.

Sếp bảo phải đi xe buýt đi làm, chi tiền quà biếu, ai không đồng ý, ai chống lại điều đó mà ý kiến không được lắng nghe, buộc họ phải nói ra thì có tùy tiện và phiến diện không?

Tôi cho rằng, vấn đề này nên đưa thành một cuộc vận động, từ đó các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình, đặc điểm cụ thể hóa thành quy ước thì tốt hơn là một quy định do thành phố ban hành rồi yêu cầu “Thủ trưởng các cơ quan thuộc thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, quán triệt quy định này đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị; kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ sai phạm”.

Có cái gì đó như bố mẹ muốn quản lý cả suy nghĩ của con cái hoặc vợ muốn quản lý suy nghĩ của chồng và ngược lại.

Nguyễn Thế Thịnh

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.