Cùng với hàng loạt tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc tăng cường gây hấn trên Biển Đông khiến các nước trong khu vực cũng như thế giới e ngại |
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc dẫn phát biểu của ông Hor Namhong sau buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, cho biết: "Tôi đã nói với phía Trung Quốc rằng những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Hoa Nam cần phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp".
Hơn nữa, đề cập tới nỗ lực đơn phương của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở La Lay (Hà Lan) liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, ông Hor Namhong cho hay Bắc Kinh đủ cơ sở pháp lý để không chấp nhận và cũng không tham gia vụ kiện này.
Lời kêu gọi đàm phán giữa các nước có liên quan trực tiếp trên Biển Đông của Phó Thủ tướng Campuchia đã đi ngược lại các tuyên bố chung của ASEAN, cùng nhiều tổ chức khác và cộng đồng quốc tế. Mới đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á (Shangri-La 2016), bà Bonnie Glaser - Cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) Bonnie Glaser cho rằng: “Có rất nhiều tài liệu Trung Quốc công bố về Biển Đông vốn không hoàn toàn là sự thật. Nên cần phải dựa vào các học giả và chính phủ các nước xem Trung Quốc có bóp méo sự thật hay không”.
Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong cho rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông cần được giải quyết bằng đàm phán trực tiếp |
Cũng theo bà Bonnie Glaser, đàm phán song phương cũng chỉ là một cách giải quyết; chỉ có thể áp dụng nếu 2 bên cùng đồng ý. Đồng thời, các học giả Philippines tại Đối thoại Shangri-La chỉ ra rằng các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc suốt 20 năm qua không mang lại kết quả nào, buộc nước này phải thúc đẩy vụ kiện Trung Quốc về tuyên bố "đường lưỡi bò" trên Biển Đông lên Tòa trọng tài quốc tế (PCA).
Hơn nữa, theo Chuyên gia Greg Raymond, thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Australia): Nếu bác phán quyết của PCA - đồng nghĩa với việc không tôn trọng luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với việc có thể bị đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét. Khi đó, Hội đồng Bảo an có thể kiến nghị/ quyết định buộc bên không tuân thủ phải thi hành phán quyết và có thể xem Biển Đông như một tranh chấp gây xung đột quốc tế thuộc thẩm quyền của cơ quan này.
Trước đó, sau Hội nghị thượng đỉnh G7, lãnh đạo các cường quốc thế giới đã ra tuyên bố chung kêu gọi "tất cả các nước cần tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, khẳng định mọi tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời thúc giục các nước liên quan trong tranh chấp không thực hiện "những hành động đơn phương có thể khiến căng thẳng gia tăng", không sử dụng "vũ lực hoặc cưỡng ép" nhằm thúc đẩy, củng cố các tuyên bố chủ quyền".
Tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ được tổ chức ở Sunnylands hồi tháng 2 vừa qua, Hội nghị cũng ra tuyên bố chung trong đó "tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc khu vực đang định hình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương". Ngoài ra, trong tuyên bố chung, các lãnh đạo còn "cùng cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); Cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không và các mục đích sử dụng biển hợp pháp khác, và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở và như đã được nêu trong Công ước 1982 của LHQ về Luật biển (UNCLOS); cũng như phi quân sự hoá và tự kiềm chế trong các hoạt động. Đặc biệt, các bên cùng cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức chung trong lĩnh vực biển.
Tranh chấp trên Biển Đông nằm trong phạm vi an ninh, an toàn hàng hải mà các nước trong khu vực và các nước có lợi ích quốc gia trên Biển Đông cùng phải quan tâm, theo sát và giải quyết. Vì Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. Hơn nữa, việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp, cải tạo các đảo đá nhân tạo và xây đường băng quân sự, đưa máy bay quân sự ra khu vực này ... có thể đe dọa an ninh trong khu vực. Bản thân Mỹ từng nhiều lần khẳng định "Mỹ có lợi ích quốc gia" trên Biển Đông. Điều này đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố.
Tháng Tư vừa rồi, Trung Quốc từng tuyên bố đã đạt “một sự đồng thuận quan trọng” với Brunei, Lào và Campuchia về Biển Đông, trong đó khẳng định, vấn đề Biển Đông không phải là tranh chấp giữa Bắc Kinh với ASEAN mà là giữa từng quốc gia với Bắc Kinh. Song, ngay ngày hôm sau, bản thân phát ngôn viên chính phủ Campuchia - Phay Siphan khẳng định: Không hề có sự đồng thuận nào đạt được giữa ba nước. “Không có thỏa thuận hay thảo luận nào, đó chỉ là một chuyến viếng thăm bình thường của Ngoại trưởng Trung Quốc mà thôi” - đề cập tới chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương tới Phnom Penh hôm 22/4. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận