Việc nâng hạng GPLX chỉ phải bổ túc tay nghề gây lo ngại không đảm bảo chất lượng và kỹ năng người điều khiển phương tiện (Thực hành lái xe khách tại Trung tâm Sát hạch lái xe Đông Đô, tỉnh Bắc Ninh) - Ảnh: Khánh Linh |
Trước thực trạng nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe chở khách gây ra thời gian gần đây mà phần lớn nguyên nhân do lỗi chủ quan của tài xế, Bộ GTVT yêu cầu nghiên cứu bổ sung quy định nhằm nâng cao tiêu chuẩn và siết chặt đào tạo cấp GPLX cho đối tượng là lái xe kinh doanh vận tải khách.
Đào tạo lái xe nhưng lại “lái tàu”
Theo phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn liên quan đến xe khách của cơ quan chức năng, lỗi chủ quan của lái xe chiếm đến hơn 70%. Minh chứng cho điều này là hàng loạt các vụ TNGT nghiêm trọng gần đây có nguyên nhân trực tiếp từ lái xe. Chẳng hạn như vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ngày 6/10 khi xe khách đang di chuyển trên QL91 (Cần Thơ), lái xe không làm chủ được tay lái gây tai nạn làm 2 người chết, 14 người bị thương. Trước đó, ngày 2/10 cũng xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Tây Ninh giữa hai xe khách làm 6 người tử vong tại chỗ, 8 người nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định do lái xe buồn ngủ dẫn đến mất lái. Hay vụ tai nạn giữa xe tải và xe khách tại Gia Lai tháng 5/2017 làm 13 người chết, 32 người bị thương do lái xe chạy quá tốc độ, lấn làn đường.
Nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng bằng lái và đạo đức nghề nghiệp của lái xe. Là người có trên 30 năm kinh nghiệm trong kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho rằng, việc tuân thủ chương trình, nội dung đào tạo lái xe, đặc biệt các giờ học về đạo đức người lái xe chưa được các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc. Công tác đào tạo lái xe, nhất là đối với lái xe khách chưa phù hợp với thực tiễn. Giáo trình hiện nay đào tạo chỉ phù hợp với loại xe khách phổ thông có chiều dài cơ sở 7,8m.
"Học lái xe là liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nhưng hiện chưa có cơ chế để giám sát tính trung thực của lái xe. Trong xã hội còn tâm lý không học nhưng khi thi vẫn muốn đỗ, vẫn muốn dễ dàng có bằng, lấy bằng làm mục tiêu chứ không phải lấy thực học, kỹ năng thực làm mục tiêu. Điều này dẫn đến yếu cả hiểu biết pháp luật và yếu cả về kỹ năng thực hành." Ông Khuất Việt Hùng |
“Đào tạo lái xe khách đang theo kiểu “xóa mù”, chưa thực sự là đào tạo nghề. Xe khách giường nằm dài gần 13m với nguyên lý hoạt động khác so với xe học trong trường và so với xe khách thông thường được xem như “con tàu”. Bản thân các trung tâm đào tạo cũng không có xe khách giường nằm để học viên thực hành”, ông Mạnh khẳng định.
Nêu nhiều tồn tại trong nâng hạng lái xe, ông Mạnh cho rằng, lái xe từ hạng B đến hạng C được đào tạo bài bản, chặt chẽ nhưng khi nâng lên hạng cao hơn để lái xe chở khách theo quy định lại bị buông lỏng. Sau khi đủ tuổi, người học bổ túc mấy buổi là được nâng lên hạng D (lái xe dưới 30 chỗ ngồi), hạng E (lái xe trên 30 chỗ ngồi).
“Điều kiện để trở thành một lái xe kinh doanh vận tải khách chỉ là phụ đạo mà không được đào tạo bài bản, có kỹ năng lái xe chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Phương tiện ngày càng hiện đại, lớn và dài hơn nhưng chương trình đào tạo vẫn vậy, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp không được bổ sung rèn giũa thêm thì sao không xảy ra tai nạn”, ông Mạnh nói thêm.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, nội dung, thời lượng chương trình đào tạo lái xe hiện nay được Bộ GTVT quy định tại Thông tư 12/2016. “Để được lái xe khách, lái xe phải có GPLX hạng D trở lên. Bằng lái xe hạng D có thể điều khiển xe ở các hạng B và C và xe chở người 10-30 chỗ ngồi. Bằng lái xe hạng E quy định quyền điều khiển xe ở các hạng B và C và xe chở người trên 30 chỗ ngồi. Để được cấp GPLX hạng D, E, người học phải có số kilomet lái xe an toàn và kinh nghiệm từ 3-5 năm. Do đó, không được học trực tiếp mà đào tạo nâng hạng bằng lái từ hạng B hoặc C lên hạng D và E. Người lái xe khách hạng D, E phải có trình độ tốt nghiệp THCS trở lên và phải đủ 24 tuổi”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, chương trình đào tạo lái xe, ngoài các môn học về Luật GTĐB, kỹ thuật sửa chữa xe, thực hành lái xe, còn có môn học đạo đức người lái xe. “Thực tế kiểm tra quá trình đào tạo, một số nội dung lý thuyết tại một số cơ sở còn thực hiện theo kiểu hình thức, sơ sài, chưa có giáo viên có kinh nghiệm và tâm huyết giảng dạy. Người học cũng chưa thực sự quan tâm đến môn học về đạo đức lái xe nên kết quả vẫn hạn chế”, ông Quân cho biết.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm giữa hai xe khách làm 6 người chết ở Tây Ninh hồi đầu tháng 10 - Ảnh: Tân Phạm |
Cần có chương trình riêng đào tạo lái xe khách
Trước thực trạng trên, mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu bổ sung quy định nhằm nâng cao tiêu chuẩn, yêu cầu đối với người được cấp GPLX điều khiển xe khách, xe container.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng, trên cơ sở giáo trình đã có, cần sớm bổ sung, sửa đổi, siết chặt những quy định một cách chặt chẽ hơn, trở thành bộ giáo trình dành riêng cho đào tạo lái xe kinh doanh vận tải với quy trình đào tạo tương tự như đào tạo bằng C thay vì chỉ đào tạo nâng hạng. “Cần cụ thể hóa bằng quy định mang tính pháp quy vai trò, đạo đức của lái xe trong đảm bảo ATGT, trong đào tạo, sát hạch cấp GPLX và xử lý lái xe vi phạm”, ông Mạnh nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Hội ATGT Việt Nam Nguyễn Hồng Trường cho rằng, chương trình đào tạo, sát hạch cấp GPLX cần tập trung nhiều hơn nữa đối với đối tượng lái xe khách như kéo thời gian thực hành, giáo dục đạo đức, ý thức nghề nghiệp, tuân thủ Luật GTĐB. Nếu ý thức tuân thủ pháp luật của lái xe tốt hơn sẽ giảm được đáng kể tình trạng mất ATGT. “Phải có chế tài nghiêm minh đối với những lái xe vi phạm, khi lái xe vi phạm ở mức độ nào đó thì phải học lại, sát hạch lại mới được tiếp tục lái xe”, ông Trường nói.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục đã tăng cường kiểm tra đột xuất công tác đào tạo, các kỳ sát hạch để kiểm tra việc thực hiện nội dung, quy trình đào tạo, sát hạch, xử lý nghiêm các trường hợp nếu vi phạm. “Quy định tiêu chuẩn đào tạo, sát hạch lái xe khách, xe container được quy định trong Luật GTĐB. Muốn thay đổi tiêu chuẩn phải chờ sửa luật, khi chưa sửa thì vẫn thực hiện theo quy định hiện nay”, bà Hiền nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận