Thị trường

Cần giáo dục, truyền thông kiến thức tài chính cho người tiêu dùng

23/05/2018, 07:05

Đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV.

33300384_10209343806470620_685924264494235648_n

TS. Cấn Văn Lực 

Tiến sĩ Lực cho rằng ở thời điểm hiện tại kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao. Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt; điều này cũng có ảnh hướng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Điều này làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính, cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua.

“Giáo dục tài chính là điều rất quan trọng trong thời gian tới”, ông Lực nói.

Một vấn đề nữa, theo ông Lực, thông tin mà các công ty tài chính cung cấp cho người tiêu dùng đôi khi chưa hoàn toàn minh bạch, rõ ràng.

Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, đã có nhiều khiếu nại của khách hàng với các công ty tài chính, trong đó phần lớn là những phản ánh việc các công ty này đã không giải thích rõ ràng điều khoản của hợp đồng như lãi suất, thời hạn, các mức phạt, hoặc các nhân viên tư vấn cung cấp thông tin không chính xác, chưa đầy đủ… Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phản ánh trên các diễn đàn về tình trạng bị đòi nợ liên tục, trong khi thái độ của một số nhân viên đòi nợ chưa đúng mực, dẫn đến mâu thuẫn, thiếu hợp tác từ phía người vay vốn.

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh của những công ty tài chính này sẽ có khó có thể giữ được mức như hiện tại trong tương lai. Trong dài hạn, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thiếu bền vững do tập trung nhiều vào một phân khúc khách hàng, không có tài sản thế chấp, thẩm định khách hàng chưa kỹ lưỡng…, trong khi hoạt động này lại nhạy cảm với điều kiện kinh tế vĩ mô (kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi nền kinh tế khó khăn, nợ quá hạn từ thẻ tín dụng và cho vay tiêu dùng thường tăng nhanh).

33116247_10209343802950532_254090269526327296_n

TBT Báo Đầu Tư Lê Trọng Minh điều phối Toạ đàm "Tài chính tiêu dùng an toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng" sáng 22/5/2018.

"Cuối cùng, thiếu hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng và các TCTD nói chung", ông Lực nói.

Kinh nghiệm còn non trẻ

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, NHNN nhấn mạnh: “Sự phát triển mạnh của cho vay tiêu dùng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hệ thống các TCTD. Một mặt lĩnh vực cho vay tiêu dùng mới phát triển, dư địa tăng trưởng còn lớn do đó đây là thị trường đầy tiềm năng cho các TCTD. Mặt khác, cũng vì đây là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam, nên kinh nghiệm cho vay, kinh nghiệm quản lý rủi ro của cả các TCTD và người đi vay còn non trẻ. Do đó sự phát triển nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý rủi ro đối với các TCTD, với cơ quan quản lý nhà nước và đối với cả khách hàng.” 

Về phía khách hàng, các sáng kiến và giải pháp công nghệ sẽ giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại trong toàn bộ quá trình vay tiêu dùng, từ khi tìm hiểu thông tin, ký hợp đồng đến khi hoàn tất thanh toán.

Đặc biệt, các giải pháp công nghệ được kỳ vọng sẽ “khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin của người vay hiện nay” – vốn là mấu chốt của nhiều khúc mắc giữa khách hàng và các CTTC trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, TS Đỗ Hoài Linh, Giảng viên tài chính tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội nhấn mạnh về vai trò của chính khách hàng trong việc thực hiện các giao dịch vay tiêu dùng: “Người đi vay cần hiểu rõ về tài chính tiêu dùng, có kế hoạch tài chính cá nhân thật tốt để tối ưu giá trị của những khoản vay. Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ”.

Về phía các CTTC,bà Thùy Dương cho rằng, “Nền tảng công nghệ sẽ giúp các CTTC tiêu dùng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước), nhằm nâng cao thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng. Hiện tại, độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp. Tuy nhiên, để có thể cung cấp tín dụng tiêu dùng đến các vùng nông thôn, các CTTC cần có những sáng kiến công nghệ mới mẻ mang tính đột phá”.

Còn theo ông Đỗ Hoàng Phong, TGĐ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thì công nghệ phát triển mạnh mẽ cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức mới cho các CTTC. Vì vậy, để tránh được các rủi ro thì việc quản lý thông tin hệ thống dữ liệu công dân nói chung và dữ liệu tài chính cá nhân nói riêng cần phải phát triển và ổn định, hỗ trợ cho các hoạt động tín dụng tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn cho các CTTC.

Như vậy, có thể thấy, khi khung pháp lý của hoạt động cho vay tiêu dùng đã cơ bản hoàn thiện, tiềm năng phát triển của các CTTC còn rất lớn cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nền tảng công nghệ kỹ thuật số thì sự phát triển của thị trường này trong tương lai là đầy khả thi và mang tính bền vững, lâu dài.

“Tọa đàm tài chính tiêu dùng an toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng” diễn ra sáng 22/5 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp cùng hơn 30 cơ quan báo chí.

Các diễn giả của tọa đàm gồm có ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Giám sát Tổng hợp, Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia; ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nhiều chuyên gia kinh tế uy tín và đại diện các công ty tài chính (CTTC).

Các vấn đề chính được thảo luận tại tọa đàm khá đa dạng, trong đó tập trung chủ yếu vào thực trạng, tiềm năng và vai trò của TCTD nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng với sự phát triển kinh tế xã hội và các giải pháp cần thực hiện để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững, đảm bảo an toàn cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.