Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt |
Tuần qua, việc doanh nghiệp (DN) tặng 2 xe sang cho tỉnh Cà Mau và DN khác tặng 8 xe cho Đà Nẵng đã làm nóng dư luận. Việc nhận quà tặng của địa phương như vậy đúng hay sai? Giải thích của lãnh đạo địa phương đã thấu lý, đạt tình? Báo Giao thông phỏng vấn Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt xung quanh vấn đề này.
Đúng luật, đúng lý, nhưng chưa thấu tình
Vài ngày qua, dư luận rất quan tâm đến việc tại một số địa phương, có những DN tặng nhiều xe ô tô đắt tiền cho cấp ủy, chính quyền, trong đó có những chiếc xe giá trị tới vài tỷ đồng. Theo ông, việc nhận quà tặng như thế có trái với các quy định?
Tôi là người trực tiếp cầm điện thoại các đường dây nóng tiếp nhận tin nhắn phản ánh về các biểu hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, tôi cũng nhận được không ít thông tin “tố” việc DN tặng quà hay xe sang cho địa phương.
Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng khi cơ quan, đơn vị và cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý. Tuy nhiên, có trường hợp vẫn được phép nhận quà với điều kiện phải làm đúng thủ tục, quy trình: Khi nhận phải thông báo cho cơ quan thẩm quyền việc nhận quà, động cơ, mục đích của việc nhận quà.
Nếu có doanh nghiệp ngỏ ý tặng Cục Chống tham nhũng một chiếc xe trị giá vài tỷ đồng, ông có quyết định nhận hay không? Như tôi đã phân tích ở trên, phải thỏa đáng mọi lý lẽ và quy định của pháp luật thì mới có thể nhận. Hiện nay, Cục Chống tham nhũng chưa được cấp xe riêng mà vẫn dùng chung với tiêu chuẩn xe của Thanh tra Chính phủ nên nhiều khi ảnh hưởng tới tính kịp thời và bí mật. Nếu mọi điều kiện cho phép thì có thể nhận xe, nhưng làm theo đúng quy trình là phải báo cáo lên và xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng cái quan trọng nhất là doanh nghiệp tặng xe phải hoàn toàn không liên quan đến hoạt động công vụ của Cục Chống tham nhũng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, có nhiều vấn đề hoặc đang, có thể sẽ phải tiến hành hoạt động thanh tra thì tuyệt đối không nhận, vì rõ ràng như thế là xung đột lợi ích. |
Cùng với đó, phải xác định giá trị quà tặng và công khai đưa vào phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, phải báo cáo cấp trên, ví dụ Chủ tịch tỉnh phải báo cáo lên Chính phủ để Chính phủ quyết định… Nếu tất cả các thủ tục ấy được hoàn thành, việc nhận quà tặng là đúng luật.
Việc tỉnh Cà Mau và TP Đà Nẵng nhận ô tô tặng của các DN cần phải xem động cơ, mục đích của việc này. Để xác định, cần kiểm tra lợi nhuận của DN, xem DN hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước thế nào, làm ăn lỗ, lãi ra sao mà tặng xe vài tỷ đồng như thế? Và sau khi tặng xe, DN có được địa phương ưu đãi gì không… Việc làm rõ động cơ, mục đích này không dễ, nhưng nó là việc làm cần thiết để xóa tan nghi ngờ trong dư luận.
Rõ ràng việc DN tặng xe sang cho địa phương, dù đúng luật cũng khó mà thấu tình, bởi dư luận có lý khi cho rằng, nếu đã muốn đóng góp, muốn tặng quà cho địa phương thì có nhiều cách ý nghĩa hơn rất nhiều, như: Xây nhà tình nghĩa, xây bệnh viện, trường học, đóng góp vào công tác xóa đói giảm nghèo… Khi ấy, cái lợi tất cả mọi người đều thấy. Còn tặng xe thì chỉ phục vụ cho rất ít người thôi nên dư luận người ta đặt câu hỏi là tất nhiên.
Như vụ DN tặng 2 xe Lexus trị giá hơn 6 tỷ đồng ở Cà Mau vừa qua. Cà Mau không phải vùng đất giàu có gì, tại sao DN không đóng góp bằng cách đầu tư vào những cái cấp thiết khác lại cứ phải tặng xe? Hoặc nếu tặng xe để lãnh đạo đi thị sát đê điều thì sao không dùng số tiền 6 tỷ đồng đó để mua chục chiếc xe bán tải? Xét cho cùng, tiền của DN cũng là tiền của xã hội, mà tiền của xã hội cũng là tiền do nhân dân đóng góp mà ra, nên mọi thứ phải minh bạch, rõ ràng.
Xe Lexus màu trắng được một doanh nghiệp tặng UBND tỉnh Cà Mau - Ảnh: Zing |
Xung đột lợi ích, tuyệt đối không được nhận quà
Theo ông, khi nhận quà rồi, liệu có xảy ra chuyện địa phương sẽ dành những ưu ái nhất định cho DN đã tặng quà?
Luật đã quy định, nhưng chắc chắn tới đây chúng ta cần sửa các quy định này cho phù hợp thực tiễn, đặc biệt về chuyện tặng quà và trả lại quà tặng. Chúng ta phải định nghĩa rõ ràng “quà là cái gì?”, nó không chỉ là tiền mặt mà còn là nhiều cái khác như ô tô, nhưng có những cái định giá được, có những cái lại không thể định giá được nên cần có quy định rõ ràng, mức độ được tặng và nhận quà đến đâu và như thế nào được coi là quà tặng…
Trước kia chúng ta quy định tặng và nhận quà trên 500 nghìn đồng được coi là vi phạm pháp luật, nhưng tới đây sửa đổi phải thay đổi, vì mức 500 nghìn đồng giờ lạc hậu rồi, không phù hợp thực tiễn nữa.
Lại nói về câu chuyện DN tặng xe sang cho địa phương, chúng ta không thể vội vàng kết luận điều gì, vì dù sao những chiếc xe đó đều được đưa vào tài sản công và dùng vì mục đích chung của chính quyền. Vì thế, cần có giai đoạn xác minh, làm rõ động cơ, mục đích, xem sau khi nhận quà chính quyền có cho DN dự án, ưu ái gì không, hay tặng quà rồi sau này DN đó sai phạm, chính quyền có dám nặng tay xử lý không… Tôi chắc chắn khi hỏi họ đều trả lời dám kiên quyết xử lý và không có ưu ái gì, nhưng thực tế thì khó lắm, vì nó liên quan đến câu chuyện xung đột lợi ích. Và nó sẽ trở thành câu chuyện phản cảm nếu có sự “phân biệt đối xử” địa phương dành cho DN tặng quà và DN không tặng quà.
Quyết định 64 nói rõ, cấm tặng, nhận quà mà liên quan đến hoạt động công vụ. Nhưng chuyện DN tặng xe cho địa phương thì rõ ràng có liên quan đến nhau trong hoạt động công vụ, bởi một bên nắm vai trò quyết định các thủ tục hành chính, cấp phép dự án, còn một bên thì lại đi làm những thủ tục ấy… Như vậy là xung đột lợi ích, nhưng luật lại chưa tính cái đó. Ở góc độ khác, luật cũng quy định rất rõ cán bộ lãnh đạo cấp nào thì được đi xe tiêu chuẩn gì, vượt quá tiêu chuẩn thì không được. Dù có là xe DN tặng mà vượt quá tiêu chuẩn, lãnh đạo địa phương cũng không nên đi. Nhiều anh cứ nói phải đi tiếp khách, đi nước ngoài hay phục vụ kiểm tra của đoàn T.Ư, nhưng đâu ai cần cái đó, lý giải thế không có sức thuyết phục dư luận.
Đã có ý kiến lo ngại, việc hối lộ, tặng quà với mục đích vụ lợi không trong sáng cho cá nhân vốn đã và đang nhức nhối chưa giải quyết được, thì việc tặng quà cho cả chính quyền địa phương sẽ đem lại hệ lụy lớn hơn?
Nếu thực sự không bị xung đột lợi ích thì việc DN tặng quà cho địa phương để sử dụng vào mục đích chung và có lợi cho xã hội, cho nhân dân ở đó thì rất tốt, nhưng phải hết sức minh bạch, làm sao để mọi người cùng biết và giám sát chứ không thể giấu giếm mấy “ông” văn phòng biết với nhau. Nếu làm được như thế thì tốt quá, quý quá chứ. Nhưng ngược lại, nếu xung đột lợi ích và vẫn nhận quà thì gây nhiều hệ lụy, mất uy tín và để lại dư luận không hay. Kể cả chuyện nhỏ như nhận xe được tặng đúng quy trình rồi, mà lãnh đạo đi xe ấy vượt tiêu chuẩn cho phép cũng là cái phản cảm trong mắt người dân. Người cán bộ lãnh đạo khiến nhân dân yêu mến, tin tưởng không phải vì chiếc xe họ đi, mà cách điều hành, giải quyết công việc, cái tâm và tầm của bản thân người đó mới là điều quyết định.
Vậy theo ông, có nên cấm việc DN tặng quà chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước?
Những điều cấm trong Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ. Tôi cho rằng, không nên nhận quà như xe sang, vì nếu DN làm ăn có lãi, thực tâm muốn ủng hộ địa phương, tự tâm tự nguyện muốn đóng góp làm phúc lợi xã hội, cho nhân dân qua Nhà nước thì có rất nhiều cách hay và ý nghĩa. Còn việc trực tiếp tặng xe cho chính quyền thì dù thế nào cũng khiến người ta hiểu có chuyện lợi ích nhóm ở đây. Phải xét cho cặn kẽ vì biết đâu kiểu tặng quà này cũng là một hình thức biến tướng của hối lộ, tham nhũng. Hôm nay họ tặng xe, mai họ xin tạo điều kiện cho cái này, cái kia thì “không thể không ưu ái” được.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận