Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ thông tin tín hiệu tự động vận hành và bảo vệ đoàn tàu theo tiêu chuẩn châu Âu hiện nay |
Rất nhiều người kỳ vọng tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của cả nước này sẽ giúp Hà Nội nhanh chóng giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị.
Theo đánh giá, công nghệ tuyến Cát Linh - Hà Đông thuộc nhóm tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay về đường sắt đô thị trên cao, khi đưa vào vận hành, khai thác với nhiều tính năng vượt trội sẽ góp phần thay đổi thói quen đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng cho người dân, đồng thời kéo giảm ùn tắc. Kỳ vọng là vậy, thế nhưng “một cánh én nhỏ khó làm nên mùa xuân”. Nếu một mình tuyến Cát Linh - Hà Đông đơn độc vận hành, chắc chắn để đạt được những mục tiêu đó là rất khó khăn và cần một quá trình dài.
Theo các chuyên gia, vận tải khách công cộng là loại hình giao thông đặc thù đòi hỏi tính liên kết mạng rất cao. Chỉ riêng tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, dù công nghệ có hiện đại đến đâu cũng chỉ có thể thu hút một lượng khách nhất định. Số hành khách này chỉ có thể đạt tối đa khi có thêm “những cánh tay nối dài” cho tuyến đường sắt có chiều dài 13,1km này. Cụ thể, cần tổ chức lại mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để kết nối hợp lý với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, với tuyến buýt nhanh BRT theo nguyên tắc xe buýt sẽ giúp gom, cung cấp khách và giải toả tối đa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị. Toàn bộ nhà ga của tuyến đường sắt phải được kết nối với hệ thống xe buýt của thành phố.
Việc kết nối giữa xe buýt với tuyến đường sắt và tuyến BRT cần ưu tiên tổ chức theo hình thức kết nối dọc, phát huy năng lực vận chuyển của đường sắt đô thị, tính cơ động của xe buýt để rút ngắn thời gian đi bộ của hành khách khi trung chuyển giữa các phương thức vận tải. Cùng đó, cần tính chuyện tiếp cận cho taxi và các phương tiện cá nhân khác như xe đạp, xe máy, ô tô bằng cách có điểm đỗ xe, gửi xe để đi đường sắt.
Một vấn đề quan trọng không kém là ngay từ bây giờ, Hà Nội cần nhanh chóng tính đến chuyện kết nối về thẻ vé, cụ thể là có khung quy định chung về tiêu chuẩn thẻ vé, đảm bảo vé đi metro, xe buýt phải cùng một khung công nghệ để có thể kết nối được với nhau. Việc liên thông và kết nối cần tính đến cả dùng cả cho đỗ xe và các phương tiện giao thông công cộng khác, tránh tình trạng khách cần nhiều vé để di chuyển trên các tuyến, các loại hình giao thông công cộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận