Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã được thông luồng cho tàu từ 10.000 - 20.000 tấn - Ảnh: Phan Tư |
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong thời gian hơn 20 năm nay, câu chuyện phát triển vùng ĐBSCL và phát triển gắn với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được đặt ra. Về chiến lược phát triển vùng ĐBSCL, Chính phủ đã quyết định đầu tư nhiều chương trình, dự án liên quan như: Dự án thoát lũ ra phía Tây, chương trình kiểm soát lũ, nhiều chương trình thủy lợi cho thủy sản, cho lúa 3 vụ, chương trình xây dựng các cụm dân cư vượt lũ... Từ đó, chủ trương thoát lũ nhanh và ngăn lũ bằng đê bao đã được hình thành với hệ thống đê được đánh giá là phức tạp hơn cả hệ thống đê sông Hồng.
Trước mắt, hệ thống đê bao đã cho thấy sự phá vỡ hoàn toàn hệ sinh thái ngập nước gắn với lũ vốn có ở ĐBSCL, nhưng giải pháp đê bao cũng mang lại hệ quả tốt là phát triển được lúa, nuôi trồng thủy sản và tạo được cuộc sống bình ổn tại các khu dân cư. Một hiện tượng tiêu cực khác là mực nước ngầm đang bị giảm đáng kể do khai thác nước ngầm quá mức tại các đô thị và phục vụ nuôi trồng thủy sản. Phát triển nuôi trồng thủy sản cũng có biểu hiện không bền vững do chưa có giải pháp đồng bộ về nước và ô nhiễm môi trường. Việc khai thác cát không được kiểm soát cũng là một nguyên nhân làm mất cân bằng hệ sinh thái sông ngòi. Cả việc sụt giảm nước ngầm và khai thác cát không được kiểm soát đang gây sạt lở, sụt lún ở nhiều khu vực, gây nguy hiểm và tổn thất cho nhiều khu dân cư.
Có thể thấy, hệ sinh thái nguyên thủy của ĐBSCL đã mất dần. Con người đã tạo ra một hệ sinh thái mới với đặc trưng là hệ thống đê ngăn nước lũ. Chế độ nước mặt, nước ngầm đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Tình trạng này bắt nguồn từ bài toán quy hoạch được đặt dưới góc nhìn cục bộ của ngành, lĩnh vực hay địa phương cấp tỉnh.
Tính cục bộ trong quy hoạch đã tạo ra nhiều lời giải không phù hợp với bài toán phân tích chi phí - lợi ích trên toàn vùng. Đây chính là thách thức lớn khi không thiết lập được hệ thống quản lý phát triển tích hợp vùng cho ĐBSCL.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, về phương pháp quy hoạch tích hợp trên một phương án quy hoạch không phải là một bài toán khó. Ở Việt Nam, có 3 khó khăn phải đối mặt và phải vượt qua để xây dựng quy hoạch tích hợp. Thứ nhất, tập quán quản lý thiếu sự liên kết trong quyết định phát triển giữa các bộ, ngành và các địa phương. Thứ hai, tính cát cứ thông tin của các bộ, ngành đã không tạo được một cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất phục vụ quy hoạch. Thứ ba, việc áp dụng hệ thống thông tin địa lý vào quy hoạch còn chưa đủ rộng rãi để mang lại hiệu quả cao trong lập phương án quy hoạch.
Cách tiếp cận để giải quyết các thách thức, cần phải sử dụng hệ thống giám sát và đánh giá (M&E - monitoring and evaluation) để điều chỉnh kịp thời quy hoạch và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải pháp là sử dụng quản lý tích hợp trên toàn vùng để loại bỏ tính cục bộ theo ngành, theo địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, có thể đưa ra 2 giải pháp: Giải pháp thứ nhất, phục vụ cho giai đoạn trước mắt là tiếp nhận tất cả các định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển bền vững của các ngành, các địa phương để tính toán điều chỉnh lại thành một quy hoạch tích hợp cho vùng. Giải pháp thứ hai cho tương lai xa hơn, là xác định chiến lược và lập quy hoạch tích hợp phát triển bền vững cho toàn vùng, từ đó tách thành các quy hoạch tích hợp theo ngành và theo địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận