Trong nước

Cần thêm những “cú đấm thép” dẹp vấn nạn trọng tài Việt

14/05/2018, 08:30

Đến hẹn lại lên, những sai sót của trọng tài đang khiến V-League 2018 dậy sóng.

25

Trọng tài Nguyễn Văn Kiên không được VPF mời làm nhiệm vụ ở các giải bóng đá chuyên nghiệp - Ảnh: Hải Đăng

Sai sót có hệ thống

Vài mùa giải trở lại đây, không mùa nào công tác trọng tài ở V-League không để lại “sạn”. Có những sai sót nhỏ, nhưng cũng có những sai sót lớn, ảnh hưởng tới cục diện, kết quả trận đấu. Nhiều quyết định thiếu chính xác từ các trọng tài gây bức xúc cho các đội bóng và người hâm mộ. Đến hẹn lại lên, V-League 2018 mới trôi qua được 7 vòng đấu nhưng trọng tài một lần nữa trở thành tâm điểm.

Vụ việc nổi cộm nhất là pha thổi phạt đền tưởng tượng của trọng tài Nguyễn Văn Kiên trong trận HAGL gặp Sanna Khánh Hòa ở vòng 7. Dù Văn Hạnh (HAGL) không hề tranh chấp cùng Zarour trước khi cầu thủ của Sanna Khánh Hòa ngã nhưng trọng tài Kiên vẫn chỉ tay vào chấm 11m. Bên cạnh đó, trọng tài Nguyễn Trọng Thư, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trung Kiên B hay Nguyễn Phương Nam... đều có những pha cắt còi thiếu cơ sở khiến cầu thủ, CĐV phản ứng gay gắt.

Sai sót của giới trọng tài là điều khó tránh khỏi, ngay cả những trọng tài hàng đầu thế giới cũng mắc lỗi. Tuy nhiên, khi cái sai của trọng tài V-League cứ tích tụ, duy trì từ năm này qua năm khác, giải này qua giải khác thì rõ ràng công tác trọng tài buộc phải để dấu hỏi. Khó hiểu ở chỗ, khi tất cả đều nhìn thấy trọng tài V-League yếu kém, Trưởng Ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi lại khẳng định, trọng tài đang làm tốt, chỉ có vài sai sót nhỏ không đáng kể.

Theo cựu còi vàng Việt Nam Dương Mạnh Hùng, cái sai của trọng tài xuất phát từ hai yếu tố năng lực và tư tưởng. Năng lực là khả năng chuyên môn còn tư tưởng là làm theo chỉ đạo, theo lợi ích. “Cao hơn, Ban Trọng tài phải chịu trách nhiệm vì anh là người dạy trọng tài, anh phải hiểu từng người để phân công cho hợp lý. Đằng này anh phân công dựa trên quan hệ, phe cánh, vùng miền. Cao hơn nữa là các bộ phận chuyên môn của VFF, họ chưa làm hết trách nhiệm quản lý trọng tài, thả nổi công tác trọng tài”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng, trọng tài ở Việt Nam chứ không riêng V-League do một tay Ban Trọng tài tuyển dụng, đào tạo, phân công. “Họ độc quyền, họ bảo không ai dám động đến họ, như thế khác nào là vua. Đây là nguồn gốc dẫn tới tiêu cực, chạy dây, bè cánh. Người tốt chuyên môn, sạch sẽ có khi không được bắt còn người kém, nhiều sai phạm vẫn cứ ra sân đều đặn. Trên thế giới, Ban Trọng tài chỉ làm nhiệm vụ đào tạo, còn phân công như nào là do Ban Tổ chức và Liên đoàn Bóng đá thực hiện”.

Phải mạnh tay hơn nữa

Tuần trước, VPF đã phần nào lấy lại niềm tin của người hâm mộ khi kiên quyết không mời Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền; hai trọng tài Nguyễn Trọng Thư, Nguyễn Văn Kiên làm nhiệm vụ tại các giải bóng chuyên nghiệp gồm V-League và Cúp Quốc gia. Cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng rất ủng hộ việc này và cho rằng, VPF cần tung ra những “cú đấm thép” mạnh hơn nữa để xây dựng lại hình ảnh giải đấu.

“Mỗi giải đấu, trọng tài là yếu tố quan trọng, đóng vai trò then chốt tạo nên thành công của giải. Nhưng trọng tài Việt Nam thời gian qua chỉ làm cho người hâm mộ chán đến sân. Tôi rất mong anh Tú (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF - PV) làm mạnh tay hơn nữa, loại bỏ hết những trọng tài yếu kém, có vấn đề tư tưởng để làm sạch công tác trọng tài”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Dương Mạnh Hùng, một mình VPF rất khó làm nên chuyện nếu không có sự chung tay của VFF và các CLB. “Tất cả phải xác định hướng tới cái chung, để xây dựng bóng đá Việt Nam. VPF đang làm tốt rồi nhưng VFF với vai trò quản lý, điều hành nền bóng đá phải gạt bỏ tư tưởng phe cánh, chấn chỉnh trọng tài một cách quyết liệt. Các CLB kiên quyết không đi đêm với trọng tài, cùng lên tiếng đấu tranh trước cái sai của trọng tài. Có như vậy, trọng tài Việt Nam mới không trở thành nỗi ám ảnh mỗi mùa bóng”.

Ở góc nhìn rộng hơn, chuyên gia Trịnh Minh Huế khẳng định: Tất cả những sai sót, mâu thuẫn liên quan tới trọng tài đều do bộ quy chế bóng đá chuyên nghiệp lạc hậu, không bắt kịp xu thế trên thế giới. Chính vì vậy, muốn loại bỏ “ung nhọt” trọng tài thì cần sửa quy chế cho phù hợp. Đơn cử như việc phân chia quyền hạn của Ban Trọng tài và Ban Điều hành giải. Nếu rõ ràng thì không có chuyện Ban Điều hành bảo không thuê nhưng trọng tài lại nói cứ làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.