Bộ trưởng yêu cầu: Xã hội hóa đầu tư CSHT Hàng hải, cần phải được triển khai thực sự, không chỉ nằm trên giấy |
Công bố danh mục 41 dự án gọi vốn tư nhân 43.000 tỉ đồng
Chiều nay Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp triển khai Đề án xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng Hàng hải.
Trong tháng 1 này, Cục Hàng hải VN sẽ công bố danh mục dự án kêu gọi các nguồn vốn xã hội đầu tư hạ tầng Hàng hải, dự kiến lên tới 41 dự án cho giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư 43.000 tỉ đồng.
Theo Cục Hàng hải VN, giai đoạn 2015 - 2020 kế hoạch huy động vốn đã được Bộ GTVT phê duyệt trong Đề án xã hội hóa Hàng hải, trong đó, có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng hải, 19 dự án cảng biển, bến cảng, 3 dự án hệ thống hàng hải điện tử, 9 công trình neo đậu, tránh trú bảo.
Trong số này hiện đã có 7 dự án có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Có thể kể đến Dự án đầu tư, nâng cấp luồng vào cảng Hòn La cho tàu đến 20.000 DWT đầy tải, Dự án đầu tư xây dựng khu bến Minh Phú – cảng Hậu Giang, Dự án Đầu tư xây dựng khu bến Trà Cú – Trà Vinh, Dự án Đầu tư xây dựng khu bến tổng hợp và chuyên dùng Sơn Trà, Dự án đầu tư xây dựng bến 3 Vũng Áng, Dự án Đầu tư xây dựng cảng Tiên Sa – Đà Nẵng giai đoạn 2, Dự án Đầu tư xây dựng cảng khách quốc tế Dương Đông. Tổng số vốn đầu tư 7 dự án này là 6.800 tỉ đồng.
Trong kế hoạch 2015-2016, cũng đã có 3 dự án đang được triển khai bởi các nhà đầu tư tư nhân, gồm: Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (Giai đoạn 2) theo hình thức đối tác công tư, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến luồng Thọ Quang cho tàu đến 10.000 DWT và Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp tuyến luồng Nghi Sơn cho tàu đến 50.000 DWT đầy tải theo hình thức đối tác công tư.
Bộ trưởng cho rằng mời nhà đàu tư vào, thay đổi quản trị DN, tăng hiệu quả kinh doanh quan trọng hơn là thu tiền về từ bán cổ phần |
Lạch Huyện sẽ là dự án hạ tầng cuối cùng Nhà nước đầu tư vào hàng hải
Bộ trưởng quyết liệt yêu cầu thay đổi tư duy làm quản lý nhà nước. Trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư vào Hàng hải hiện nay cực kỳ lớn, trong khi vốn từ ngân sách tiếp tục rất hạn chế, thì quản lý nhà nước không phải là chỉ biết báo cáo lên trên là chỗ này chỗ kia thiếu thốn, mà phải tìm giải pháp, khơi thông dòng vốn đầu tư.
Bộ trưởng cũng cho rằng tư nhân đầu tư, quản lý rất hiệu quả. Các DN, các cảng biển, sau khi CPH nhà đầu tư tư nhân vào lợi nhuận tăng lên gấp 2,3,4 lần khi nhà nước còn sở hữu. Thay đổi sở hữu giúp thay đổi quản trị DN, năng suất lao động tăng lên, kinh doanh có hiệu quả hơn.
Do đó cùng với kêu gọi đầu tư dự án mới, thì cần đẩy nhanh CPH DN Nhà nước. DN nào không cần Nhà nước tham gia thì cho CPH 100%.
Bộ trưởng cũng không đồng tình với quan điểm tăng phí phí dịch vụ để hấp dẫn đầu tư tư nhân, mà thay vào đó phải tiết kiệm giúp giảm chi phí cho DN. Việc cần làm là cải cách triệt để thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu, nhũng nhiễu, phải công khai minh bạch các dự án, các thủ tục, quy trình đầu tư. Từ đó khiến dự án đầu tư tiết giảm được chi phí, tăng hiệu quả. Ông khẳng định dứt khoát phải sửa đổi quy chế đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, trải thảm đỏ là trải thảm đỏ thật sự.
Bộ trưởng quyết liệt nói: Lạch Huyện sẽ là dự án hạ tầng cuối cùng mà nhà nước đầu tư vào hàng hải. Từ nay toàn bộ các dự án cơ sở hạ tầng hàng hải sẽ do tư nhân đầu tư. Nhà nước chỉ đầu tư những dự án không hấp dẫn được nhà đầu tư tư nhân, những dự án có tính chất đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận