Canada áp dụng thành công mô hình PPP để huy động nguồn vốn 544 triệu USD xây mới và nâng cấp đường cao tốc xuyên quốc gia |
Để kêu gọi vốn đầu tư nâng cấp, xây dựng đường cao tốc cùng hàng loạt cơ sở hạ tầng khác, Canada đã và đang áp dụng thành công mô hình hợp tác công tư (PPP), dù là nước triển khai hình thức này khá muộn.
PPP Canada
Hạ tầng giao thông Canada hầu hết từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, nên nước này có nhu cầu cao trong xây mới và nâng cấp, đặc biệt là đường cao tốc. Để có lượng vốn khủng đáp ứng nhu cầu cấp thiết, Canada tìm đến với PPP. Lần đầu tiên Canada áp dụng hình thức hợp tác công tư (PPP - P3) vào năm 1997 đối với dự án xây dựng cầu liên bang dài 13km, nối eo biển Northumberland. Sau thành công của dự án này, giới chức các tỉnh của Canada bắt đầu xem xét nghiêm túc mô hình PPP. Và chỉ trong vòng vài năm, PPP trở thành mô hình được áp dụng rộng rãi.
Một trong những ví dụ thành công của Canada trong việc áp dụng mô hình PPP trong huy động vốn xây dựng, nâng cấp đường cao tốc phải kể đến dự án đường cao tốc dài nhất thế giới xuyên Canada (TCH) 4 làn. Dự án nâng cấp, mở rộng đường cao tốc TCH hoàn thành vào ngày 1/11/2007 kịp tiến độ và tiết kiệm chi phí. Qua áp dụng PPP, chỉ trong 27 tháng, 98km đường cao tốc bốn làn mới được xây dựng và 128km trên tuyến TCH hiện có được nâng cấp với tổng chi phí lên tới 544 triệu USD. Theo thống kê từ Hội đồng PPP, từ khi áp dụng mô hình này đến năm 2015, Canada đã thực hiện được 49 dự án hạ tầng giao thông với số vốn lên tới 23,444 tỷ USD.
Ông Romeo Poitras, Giám đốc quản lý của Tập đoàn Brun-Way chịu trách nhiệm hoạt động, duy trì và tái thiết dự án đường cao tốc này cho biết: Với mô hình PPP, tập đoàn này có thể thiết lập quan hệ với đội ngũ chuyên nghiệp cao Bộ Giao thông Canada, qua đó hợp tác và thực hiện thành công dự án đường cao tốc được đánh giá là xương sống của nền kinh tế Canada.
Không riêng các dự án đường cao tốc, PPP đã được sử dụng để huy động vốn thực hiện hàng trăm dự án (cả điện, đường, trường, trạm) trên khắp các tỉnh thành và lãnh thổ. Trong quản lý và thực hiện PPP, có sự phân bổ trách nhiệm rõ rệt giữa Chính phủ liên bang và tỉnh, vì vậy kể cả dự án hạ tầng quy mô lớn đều thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, trừ các dự án hạ tầng giao thông như cầu vượt đường thủy.
Vì sao Canada thành công?
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Canada thành công trong việc áp dụng PPP, đó là các tỉnh đều thành lập cơ quan chuyên biệt để đánh giá, cơ cấu và thu mua các dự án PPP. Đây là nơi tập trung các chuyên gia, người có thẩm quyền của các cơ quan chịu trách nhiệm hầu hết các dự án PPP tại mỗi tỉnh.
Chính phủ Canada thành lập cơ quan PPP Canada vào tháng 2/2009. Ngoài vai trò giống như các cơ quan của tỉnh, cơ quan liên bang này chịu trách nhiệm nghiên cứu, đánh giá và cố vấn khả năng áp dụng mô hình PPP với các dự án hạ tầng và đầu tư được đề xuất lên Quỹ Xây dựng liên bang. PPP Canada còn quản lý quỹ PPP Canada trị giá 1,2 tỷ USD cung cấp lên tới 25% vốn cho các dự án hạ tầng mà các cơ quan (cấp thành phố, lãnh thổ, tỉnh) thực hiện thông qua hình thức PPP. Từ năm 2013, tất cả các dự án có vốn dự kiến hơn 100 triệu USD đều phải qua cơ quan PPP Canada rà soát, đánh giá tính khả thi nếu thực hiện bằng PPP. Nếu nhận thấy có khả năng thành công, các chủ dự án này tiếp tục phải làm việc với cơ quan PPP Canada để phân tích các lựa chọn thực hiện.
Là giám đốc điều hành cơ quan PPP Canada, ông John McBride cho rằng, có ba bài học mà các nước khác nên học hỏi từ Canada trong việc áp dụng mô hình PPP để kêu gọi vốn. Bài học thứ nhất: Không coi PPP là công cụ chỉ để kêu gọi vốn. “PPP không phải là nguồn tài chính tư nhân. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng cho cộng đồng, chính cộng đồng sẽ phải trả lại số tiền xây dựng thông qua trả phí hoặc đóng thuế. Không có bữa trưa nào miễn phí. Nhưng việc thu hút tư nhân đầu tư vốn sẽ giúp việc quản lý, sử dụng vốn có kỷ luật hơn”, ông McBride nhấn mạnh.
Vị CEO chia sẻ kinh nghiệm thứ hai là tạo môi trường cạnh tranh. Đây là yếu tố giúp giảm chi phí và thúc đẩy sáng tạo. Nhiều nước có xu hướng đóng cửa thị trường đối với các đối thủ nước ngoài; Còn Canada rất cởi mở trong việc cạnh tranh, tạo sân chơi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Rất nhiều công ty Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha… đang thực hiện các dự án hạ tầng của Canada theo PPP.
Theo ông McBride, bài học cuối cùng là xây dựng thị trường vốn. Canada đã phát triển thị trường tài chính trái phiếu dự án rất thành công để gọi vốn cho các dự án PPP. Thị trường này đã không hề biến động khi trải qua thời kỳ khủng hoảng tài chính trong khi nhiều nước như Australia và một số nước châu Âu vẫn chưa thể khôi phục.
Năm 2013, Ấn Độ nổi lên trên thị trường hợp tác công - tư với 900 dự án ở các giai đoạn phát triển khác nhau được áp dụng hình thức PPP. Tuy nhiên, hiện nay Ấn Độ ứ đọng số dự án hạ tầng trị giá 13,5 nghìn tỷ rupees (tương đương 225 tỷ USD) vì thiếu tiền. Vài năm trở lại đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu có những thay đổi chính sách đáng kể nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt khoảng 110 tỷ USD vào quỹ phát triển đô thị bao gồm các dự án hạ tầng giao thông. Từ giữa năm 2015, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch sử dụng nguồn vốn 200 tỷ rupees (3 tỷ USD) để thành lập Quỹ Hạ tầng và Đầu tư Quốc gia (NIIF) nhằm hút vốn đầu tư từ các tổ chức trên thế giới. Chính phủ và các tổ chức Nhà nước nắm giữ 49% cổ phần công ty, phần còn lại là các ngân hàng phát triển đa phương, quỹ đầu tư quốc gia, quỹ lương cùng các tổ chức khác. Công ty Tư vấn quản lý McKinsey cho biết, tại Ấn Độ, chỉ cần thúc đẩy đầu tư hạ tầng khoảng 1%, tổng thu nhập quốc nội sẽ tạo thêm được 3,4 triệu việc làm. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận