Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng 7 tháng đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: Tạ Tôn |
7 tháng, hệ thống ngân hàng lãi 41.000 tỷ đồng
Tại NH Sacombank, lũy kế 6 tháng đạt lãi trước thuế 427 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần và lợi nhuận sau thuế 294 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý II, lợi nhuận của ngân hàng này cao gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016. Sacombank cho biết, một trong những nguồn quan trọng giúp lợi nhuận tăng mạnh trong quý này đến từ thu nhập lãi thuần mà chủ yếu nhờ thu nhập từ lãi cho vay tăng. Cụ thể, trong quý II, dư nợ cho vay của Sacombank tăng thêm hơn 19.600 tỷ đồng, thu từ lãi tăng thêm hơn 1.111 tỷ đồng. Ngoài ra, các hoạt động khác cũng mang về cho Sacombank kết quả kinh doanh lạc quan hơn, trong đó thu từ hoạt động dịch vụ tăng 27%.
Sacombank là một ví dụ điển hình ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nhờ tín dụng khởi sắc, đặc biệt trên địa bàn TP.HCM. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, tính đến tháng 8/2017, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt hơn 1.634 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với tháng cùng kỳ và tăng 10,92% tính từ đầu năm đến nay. Trong đó, dư nợ của các NH TMCP đạt hơn 887.000 tỷ đồng, chiếm 54,28% tổng dư nợ, tăng 16,62% so tháng cùng kỳ. Huy động vốn cũng tăng khá 12,61% so với tháng cùng kỳ, đạt 1.890 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM lý giải, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng lên đáng kể từ đầu năm đến nay. Các chương trình kết nối giữa NH và doanh nghiệp cũng góp phần khơi thông dòng vốn.
Bức tranh tín dụng của cả nền kinh tế cũng khá lạc quan. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) 8 tháng đầu năm 2017 ước tăng 9,1% so với cuối năm 2016; tín dụng tăng 11,5%, cao nhất 8 năm qua.
Tín dụng bứt phá góp phần giúp lợi nhuận hệ thống NH khởi sắc. Tính đến tháng 7/2017, lợi nhuận sau thuế của các TCTD đạt 41 nghìn tỷ đồng, tăng 59.7% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ. Trong đó, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay vốn của hệ thống cũng tăng từ 2,7% (cùng kỳ) lên 2,9%.
Tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra rủi ro mới
Trước thực tiễn này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho NHNN xem xét nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất cho vay 0,5% để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành NH cao kỷ lục, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần cạn chỉ tiêu tín dụng (room) được NHNN giao đầu năm nay (từ 14-16%). Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM xác nhận, một số NH đang trình NHNN nới room tăng trưởng tín dụng và đang được cơ quan này xem xét, căn cứ theo quy mô hoạt động, chất lượng tín dụng.
Theo đại diện NH Quốc tế VIB, hiện đã dùng gần hết room tín dụng cả năm ở mức 16% từ cuối tháng 6/2017. Dư nợ tín dụng của NH đạt 75.686 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2017, tăng 15,7% so với cuối năm 2016; Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 69.205 tỷ đồng. Vì thế, NH đã trình NHNN để xin nới room tín dụng, với kỳ vọng có thêm dư địa để cho vay trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm.
Tại VPBank, tính đến ngày 31/7, dư nợ cho vay tăng trưởng 13,3% so với đầu năm. Như vậy, nếu so với room tín dụng được giao ở mức 16%, 6 tháng còn lại của năm 2017, VPBank chỉ còn dư địa cho vay 2,7%. Hay như tại ACB trong 6 tháng đầu năm đã dùng hết hơn một nửa room tín dụng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm nhu cầu vốn tăng mạnh vì thế NH này cũng trình xin nới room.
Với mức tăng trưởng như hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH năm nay có khả năng trên mức 20%. Các điều kiện kinh tế vĩ mô đang tương đối thuận lợi để NHNN có thể xem xét tăng cung tiền tệ và trên cơ sở đó giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 9/2017 vừa công bố, ngân hàng HSBC đánh giá Việt Nam có thể dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng do Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, ngân hàng này lưu ý, tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Bên cạnh đó, những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng, các doanh nghiệp Nhà nước đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận