Bạn cần biết

Cảnh giác vòng xoắn bệnh lý của con trẻ

27/12/2017, 06:50

Theo các chuyên gia y tế, không chỉ trẻ suy dinh dưỡng mà trẻ béo phì cũng rất dễ rơi vào vòng xoắn...

15

Trẻ thiếu vi chất thiết yếu dễ ốm vặt, chán ăn

Mệt mỏi vì con hay ốm

Từ ngày sinh bé Tu, chị Nguyễn Tú A. (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) luôn cảm thấy mệt mỏi vì tháng nào cũng phải đưa con đi viện. Khi thì viêm tiểu phế quản, lúc lại tiêu chảy đến gầy cả người. Hơn thế, cứ thuốc vào nhiều, bé Tu lại càng lười ăn. Mặc dù đã 18 tháng nhưng bé Tu chỉ cân nặng bằng trẻ 12 tháng, khoảng 11kg. “Cứ đến bữa ăn là hai mẹ con lại "đánh vật". Chị cũng cho đi khám dinh dưỡng, thuốc vào chỉ thời gian ngắn đâu lại hoàn đấy. Các đợt ốm vặt cứ liên tiếp nên lúc nào con cũng mệt mỏi, lại càng không chịu ăn uống gì”, chị Tú A. phàn nàn.

Khác với bé Tu, con chị Hoàng Diệu T. (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) lại đau đầu vì cậu con trai “quá tải, quá khổ”. Mới 3 tuổi, cân nặng của bé Tùng ở mức báo động 26kg. Kết quả lần khám mới đây cho thấy bé có dấu hiệu của tiền đái tháo đường. Tại tọa đàm trực tuyến về phòng tránh vòng xoắn bệnh lý ở trẻ nhỏ do báo Sức khỏe và đời sống tổ chức vừa qua, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, ĐH Y Hà Nội nhìn nhận: “Vòng xoắn bệnh lý là khái niệm còn chưa rõ ràng với cộng đồng. Bệnh là một quá trình, từ nguyên nhân - kết quả, rồi hậu quả lại tác động lại nguyên nhân. Ví dụ như, trẻ ốm đau, bệnh tật thì hay chán ăn, khi mệt mỏi không muốn ăn, lượng thức ăn giảm đi, dẫn đến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng so với bình thường. Vì cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng nên khả năng bảo vệ kém đi, cho nên việc điều trị bệnh cần cả dinh dưỡng, môi trường kèm theo”.

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng, trong 30 năm qua, ở nước ta, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng (SDD) giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ SDD thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%. Nguyên nhân do khẩu phần ăn của trẻ hiện chưa bảo đảm đa dạng, cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng (như vitamin A, Vitamin D, canxi, Fe, kẽm…).

Cùng quan điểm, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, những cháu suy dinh dưỡng thiếu vi chất thiết yếu thường hay mắc bệnh hay ốm vặt, thậm chí cả bệnh nặng phải nhập viện. Những cháu suy dinh dưỡng từ nhỏ, từ trong bụng mẹ thì hậu quả đến cả trưởng thành, chiều cao trung bình thấp, thiếu hụt chiều cao, chiều cao suy giảm từ 5-10cm so với tiềm năng di truyền; khi trưởng thành dễ mắc bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường... Nghiên cứu cho thấy các bệnh này gia tăng ở những người mà hồi nhỏ bị suy dinh dưỡng.

“Đối với các trẻ béo phì hơi khác một chút nhưng vẫn mắc vào vòng xoắn bệnh lý. Gần đây vào mùa hè chúng tôi gặp nhiều trẻ đi khám mà không khám về béo phì mà lại khám các biểu hiện khác: Kháng insullin (tiền đái tháo đường) thâm, chai sạn vùng gáy, nách. Thậm chí, có trường hợp 7-8 tuổi gặp vấn đề về huyết áp. Với trẻ béo phì gặp chứng ngừng thở khi ngủ ảnh hưởng đến học tập…”, TS.BS. Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Trung tâm Bệnh hiếm và sàng lọc sơ sinh, BV Nhi T.Ư cho biết.

Cần lưu ý cân nặng, chiều cao 2 năm đầu đời của trẻ

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, vòng xoắn bệnh lý có ngắn hạn, dài hạn, trong mối tương quan bệnh tật, môi trường sống và dinh dưỡng. Vòng xoắn bệnh lý là một quá trình từ nguyên nhân gây hậu quả và hậu quả ảnh hưởng trở lại. Ví như, trẻ bị tiêu chảy, viêm phổi sẽ ăn kém, hấp thu dưỡng chất, vitamin, muối khoáng kém, không có khả năng sinh ra kháng thể để bảo bệ cơ thể, không sinh ra enzim để hấp thu tốt thức ăn. Một khi hệ thống miễn dịch kém thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn, tần suất nhiều hơn các trẻ khác. Một thực tế là lúc trẻ ốm, cha mẹ nghĩ càng cho ăn nhiều càng tốt nhưng trẻ lại sợ ăn, cố đưa thức ăn vào nhưng không ăn được, trẻ mệt mỏi, suy dinh dưỡng, sút cân tạo thành vòng luẩn quẩn làm trẻ không phát triển được.

Với một trẻ bị các vấn đề mạn tính thiếu vi chất, vitamin sẽ chậm phát triển chiều cao, cân nặng; thiếu hụt DHA chậm thông minh, hoạt động không nhanh nhẹn. Đây là vấn đề ảnh hưởng về sau, lâu dài đến khi trưởng thành. Cần chú ý, cân nặng, chiều cao ở trẻ trong 2 năm đầu đời có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển thể chất lâu dài đến 18-20 tuổi sau này. Do đó, cần để ý vấn đề này từ khi mang thai đến trẻ 2 năm đầu đời, nuôi dưỡng tốt làm giảm nguy cơ bị bệnh, làm giảm vòng xoắn bệnh lý.

Còn theo bà Lâm, có rất nhiều vi chất dinh dưỡng liên quan tới khả năng miễn dịch của trẻ. Để phá vỡ vòng xoắn bệnh lý ở các cháu có nguy cơ cao, việc đảm bảo dinh dưỡng rất quan trọng. Các vi chất như: Vitamin D, kẽm tham gia vào miễn dịch cơ thể. Hay, sản phẩm từ sữa non cũng bao gồm yếu tố miễn dịch giúp cơ thể nâng cao khả năng miễn dịch. Gần đây, các nhà khoa học quan tâm đến vi chất chiết tách từ nấm men kích thích miễn dịch trong nước bọt giúp tăng cường khả năng miễn dịch ở cả trẻ em và người già… Hoặc, lợi khuẩn prebiotic cũng giúp hệ miễn dịch khỏe của trẻ mạnh hơn và giúp diệt virus, vi khuẩn có hại; giúp các cháu thoát ra khỏi vòng xoắn bệnh lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.