Người dân Catalonia phản ứng khi Nghị viện thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập |
Tương lai Catalonia đang chìm đắm trong màn sương mông lung bất định sau ba ngày kể từ khi Nghị viện Catalonia nhất trí độc lập, ly khai khỏi Tây Ban Nha. Số phận của Catalonia chưa rõ sẽ đi về đâu, nhưng có thể chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng tới tương lai của khu vực này.
Phản ứng từ nội bộ công chức Catalonia
Nghị viện Catalonia âm thầm bỏ phiếu và thông qua nghị quyết cho Chính phủ Catalonia hoàn toàn ly khai khỏi Chính phủ Tây Ban Nha vào cuối tuần qua. Vì hành động này, Chính phủ Madrid đã tuyên bố giải tán cơ quan Nghị viện Catalonia, rút lại quyền tự trị, nhanh chóng cách chức Thủ hiến Carles Puigdemont và Cảnh sát trưởng khu vực từng được quyền tự trị, tổ chức bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21/12 tới. Điều này đồng nghĩa Catalonia đã bước qua ranh giới không thể quay trở lại, dấn thân vào cuộc phiêu lưu đầy rủi ro về chính trị, kinh tế và xã hội.
Trang Bloomberg dẫn nhận định của bà Elisa de la Nuez, luật sư về Luật Công tại Madrid cho biết: “Điều quan trọng nhất lúc này (quyết định việc chuyển tiếp chính trị diễn ra êm thấm hay rối loạn) đó là: Liệu các quan chức công vụ sẽ phản ứng như thế nào? Họ sẽ khăng khăng phản đối hay nghe theo chỉ đạo của ban lãnh đạo mới?”.
“Chắc chắn, giới công chức sẽ phân vân: Tại sao phải làm rối lên khi cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức chỉ trong 2 tháng nữa?”, luật sư Elisa nhận định. Thực tế, ngày 29/10, khi Cảnh sát trưởng Catalonia, Josep Lluis Trapero chính thức từ chức sau yêu cầu từ chính quyền Madrid, trong bức thư từ chức dài 2 trang, vị Tư lệnh lực lượng Mossos d’Esquadra của khu vực tự trị giàu có này kêu gọi các đồng nghiệp hãy thể hiện lòng trung thành với ông Ferran Lopez, lãnh đạo mới mà Chính phủ Trung ương bổ nhiệm, theo hãng tin RT.
Có sự ủng hộ nào từ nước ngoài?
Từ nay đến khi bầu cử mới, chính quyền Catalonia vẫn tiếp tục chức năng nhưng mọi quyền quyết định các hành động đã thuộc về Madrid. Các vấn đề kinh tế, tài chính, thuế và ngân sách sẽ trực tiếp do Chính phủ Madrid chỉ đạo nhằm “đảm bảo ổn định ngân sách và tài chính bền vững”. An ninh thông tin và truyền thông kỹ thuật số của chính quyền Catalonia cũng buộc phải giao lại cho các cơ quan Trung ương. Nghị viện vẫn tiếp tục công việc đại diện cho dân, nhưng các nghị sĩ không thể tuyên thệ nhận nhiệm vụ mới cho đến khi tổ chức xong các cuộc bầu cử dưới chính quyền mới của Catalonia. Chính quyền Tây Ban Nha vẫn hoan nghênh Thủ hiến Carles Puigdemont tham gia vào cuộc bầu cử sắp tới.
Những thay đổi trên sẽ được thực hiện từ từ và hợp lý để “tái xác lập trật tự hiến pháp”.
Dù vậy, những thay đổi từ Trung ương Tây Ban Nha chắc chắn có thể dẫn đến các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người trên đường phố Barcelona, nơi đặt trụ sở Chính phủ và Nghị viện Catalonia. Và cũng hoàn toàn có thể xuất hiện nguy cơ xung đột giữa hai luồng quan điểm: Ủng hộ và phản đối độc lập. Thực tế, chỉ có 47% dân Catalonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu độc lập ngày 1/10. Phần lớn người tẩy chay bỏ phiếu là theo quan điểm phản đối ly khai. Vị luật sư Madrid nhận định: “Đường phố luôn là nơi khó đoán nhất”.
Barcelona chắc chắn mong mỏi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế về sự tồn tại của một đất nước Catalonia độc lập. Nhưng đến nay, giới chức châu Âu phần lớn ủng hộ quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Tây Ban Nha MarianoRajoy.
Trên Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố sẽ không có gì thay đổi trong chính sách của EU đối với Catalonia và Tây Ban Nha vẫn là bên đối thoại duy nhất. Ông bày tỏ hy vọng, Chính phủ Tây Ban Nha “hãy ưu tiên đàm phán chứ không nên sử dụng bạo lực”.
Trước đó, các nước châu Âu như: Pháp, Anh, Italia, Đức khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập của khu tự trị giàu có Catalonia. Nhiều nước khác như: Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện quan điểm ủng hộ Tây Ban Nha và duy trì chính sách coi Catalonia là một phần của Tây Ban Nha.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận