Bên lề

Câu chuyện bóng đá: Khi truyền thông bị xỏ mũi

27/11/2017, 14:28

Sau trận đấu giữa PSG và Celtic tại Champions League, Neymar đã nổi cáu khi cánh phóng viên hỏi về mối quan hệ...

neymar

Neymar đang thi đấu chói sáng trong màu áo PSG

Sau trận đấu giữa PSG và Celtic tại Champions League, Neymar đã nổi cáu khi cánh phóng viên hỏi về mối quan hệ giữa anh và Real Madrid, đội bóng được cho là muốn chiêu mộ anh ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2018.

Neymar đang là ngôi sao số 1 ở sân Công viên các Hoàng tử, hưởng nhiều đặc ân từ đội bóng Pháp nên việc anh nổi cáu cũng dễ hiểu. Thực tế, những thông tin như trên gần như không có cơ sở và phần lớn chỉ dừng lại trên mặt báo. Cũng như việc đồn thổi Lionel Messi tới Man City hay Griezmann đầu quân cho MU.

Trước đây, chỉ đến mùa chuyển nhượng, thông tin đi - ở của các cầu thủ mới rộ lên. Còn hiện tại, dạng thông tin này ngày nào cũng tràn ngập trên các mặt báo. Đương nhiên, thông tin như vậy không phải bỗng dưng xuất hiện. Báo chí cũng không thể tự bịa ra những câu chuyện để câu kéo độc giả. Tất cả đều phải bắt nguồn từ xuất phát điểm cụ thể, ở đây đa phần là những tay cò. Cò bóng đá và cả người đại diện cố tình tung ra thông tin, tạo hỏa mù nhằm vụ lợi.

Hãy thử tưởng tượng, Ban lãnh đạo Barca làm gì khi thông tin Messi tới Man City xuất hiện đúng thời điểm đôi bên đang đàm phán gia hạn hợp đồng? Chắc chắn phải có thêm đãi ngộ cho ngôi sao người Argentina và người đại diện. Cách đây vài năm, Real Madrid cũng phải cuống cuồng gia hạn hợp đồng với Ronaldo cùng mức lương hậu hĩnh khi xuất hiện thông tin MU muốn đón anh trở lại Old Trafford.

Trong quá khứ, từng có nhiều cầu thủ vì muốn gây sức ép với CLB nên công khai đòi ra đi và trở thành cái gai trong mắt CĐV. Wayne Rooney là một ví dụ điển hình nên ngay cả khi đã cống hiến quá nhiều cho đội bóng áo đỏ thành Manchester, anh vẫn chưa nhận được sự trọng vọng xứng đáng cho đến lúc phải tới Everton. Những bài học như vậy khiến cầu thủ, người đại diện trở nên khôn ngoan hơn. Họ tránh tiếp xúc trực diện với dư luận, mà dùng truyền thông để đăng tải các thông điệp. Hiệu quả chưa ai thống kê hay đo đếm được nhưng chắc chắn một điều, họ vẫn giữ được hình ảnh cho mình. Còn với báo chí, vì cố giải bài toán thu hút độc giả, dù vô tình hay hữu ý đều bị xỏ mũi, bị lợi dụng.

Muốn biết rõ thực hư, hãy nhìn vào kết quả của mỗi kỳ chuyển nhượng, có bao nhiêu thương vụ diễn ra đúng theo định hướng của truyền thông? Vì thế, người hâm mộ cũng nên chọn lọc thông tin để tiếp nhận, bằng không cũng bị dắt mũi như truyền thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.