Một trong những banner quảng bá du lịch Việt Nam xuất hiện tại LHP Cannes 2017 |
Trong khi thực tế, các nước khu vực đã coi việc quảng bá du lịch qua điện ảnh là một chiến lược quan trọng, có đầu tư dài hạn và khoa học.
Tại Thái Lan, không chỉ có việc Chính phủ nước này áp dụng những chính sách ưu đãi hấp dẫn cho các đoàn làm phim nước ngoài, mà từ rất lâu Thái Lan đã rất cởi mở với giới làm phim quốc tế. Hơn 40 năm trước, Hollywood đã đặt chân tới đây để quay bộ phim “007: The man with the golden gun”.
Hiệu quả kinh tế rất rõ ràng, đảo Tapu và vịnh Phuket, nơi quay “007: The man with the golden gun” đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thậm chí còn được đặt tên là đảo James Bond. Một hòn đảo khác có tên Phi phi, cũng trở nên nổi tiếng nhờ là phim trường của các bộ phim “Mission Impossible: Rougue Nation” và “The Beach”. Theo nhu cầu của các đoàn quốc tế, dịch vụ kĩ thuật và nhiều đội làm phim tại chỗ được thành lập, tạo ra hơn 100.000 việc làm, góp 2,8 tỷ USD vào ngân sách địa phương.
Không chỉ Thái Lan, các nước trong khu vực đều đã có những động thái tương tự. Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ 20% kinh phí cho các phim nước ngoài đến làm việc, website Bộ Du lịch nước này có sẵn hướng dẫn đến những địa danh nổi tiếng trong 60 bộ phim truyền hình Hàn Quốc ăn khách. Trung Quốc thậm chí còn thực hiện những thỏa thuận ràng buộc với nhiều nhà sản xuất Hollywood: muốn phát hành tại Đại lục, phải có cảnh quay, diễn viên và thương hiệu vật phẩm bản địa (bộ phim “Transformer 4” là một điển hình).
Tuy nhiên, Việt Nam nắm bắt xu thế này một cách chậm chạp. Tới năm 1991 mới có bộ phim quốc tế đầu tiên gửi gắm ở Việt Nam - “L’Amant”. Tới nay, số phim nước ngoài có cảnh quay tại nước ta đếm trên đầu ngón tay, các phim bom tấn hút khách còn ít hơn thế.
Không thể đổ do cảnh quan Việt Nam không đẹp. Phim “Kong: Skull Island” đã chứng minh những vịnh Hạ Long, đầm Vân Long, Ninh Bình dưới bàn tay người Mỹ hiện lên hoành tráng và kỳ vĩ ra sao.
Vấn đề nằm ở độ nhạy cảm của việc đầu tư cho du lịch. Theo tạp chí Forbes, chi phí quảng bá du lịch Việt Nam đến quốc tế chỉ có 2 triệu USD năm 2016, tương đương 2,9% số tiền Thái Lan chi cùng mục đích đó. Hiển nhiên, mức đầu tư vào điện ảnh quảng bá du lịch cũng thấp hơn nước bạn.
Các LHP là cơ hội tốt để giới thiệu về du lịch Việt Nam, nhưng chưa được tận dụng. Trong công văn hoạch định năm 2017 của Bộ VH, TT&DL hoàn toàn không đề cập đến chiến lược quảng bá tại Cannes lần thứ 70, một LHP lớn trên thế giới mà Việt Nam vẫn có đại diện tham gia hàng năm. Ở sự kiện này, kinh phí phục vụ các hoạt động quảng bá phải lấy từ nguồn vốn xã hội hóa. Công ty của cựu Đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ phải bỏ tiền túi ra (1 triệu euro) hỗ trợ cho việc bảng quảng cáo, tổ chức tiệc riêng. Bộ VH, TT&DL chỉ thẩm định và cấp phép vỏn vẹn 3 clip, 4 bộ phim quảng bá du lịch.
Sau nhiều năm siết chặt về giấy phép hoạt động, bộ phim “Kong: Skull Island” là phim quốc tế đầu tiên được vận chuyển khí tài chiến tranh từ nước ngoài vào phim trường Việt Nam. Trước đây, nhiều dự án phim lớn định tới nước ta như: “Heaven & Stone, 007: Tomorrow never dies” từng bị đình lại do yếu tố này. Tuy nhiên, đoàn làm phim “Kong: Skull Island” vẫn phải tự lực chi phí chứ chưa nhận được sự hỗ trợ nào về ngân sách từ ban, ngành quản lý du lịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận