Chuẩn bị bốc dỡ hàng hóa tại một bến thủy nội địa trên sông Công |
Lúng túng cấp phép gia hạn
Hiện nay, ở nhiều địa phương, số lượng cảng, bến thủy hàng hóa hoạt động không phép diễn ra rất phổ biến. Thậm chí, có thời điểm bến không phép còn nhiều hơn số lượng bến được cấp phép. Điều này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý phương tiện, thuyền viên. Đáng nói nhất là nhiều bến từng thuộc diện có phép, nhưng sau khi hết thời hạn giấy phép, cơ quan chức năng không thể tiếp tục cấp phép gia hạn.
Đơn cử tại các tỉnh, thành phía Bắc, theo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II (Cục ĐTNĐ Việt Nam), nửa đầu năm 2016 có đến hơn 700 bến thủy hoạt động không phép. Con số này tương đương với số lượng cảng, bến đã được cấp phép. Tuy nhiên, trong số cảng bến đã được cấp phép, lại có gần một nửa đã hết thời hạn hoạt động và chưa được Sở GTVT địa phương cấp phép gia hạn hoạt động.
"ĐTNĐ đang thiếu sự quản lý theo quy hoạch thống nhất cũng như quy trình chung về quản lý cảng, bến thủy. Việc quản lý, phát triển cảng, bến theo quy hoạch giúp kết nối giữa vận tải đường thủy với đường bộ và phương thức vận tải khác, tạo mối liên kết trong vận tải”. Thứ trưởng Bộ GTVT |
Về nguyên tắc, cảng bến chưa được cấp phép gia hạn sẽ phải ngưng hoạt động, nhưng trên thực tế, các cảng này vẫn hoạt động bình thường và hồ sơ đã được gửi cơ quan chức năng để chờ cấp phép. Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, hoạt động của bến thủy nội địa liên quan chặt chẽ với vấn đề mặt bằng, đất đai, để tạo thuận lợi hơn cho chủ cảng bến làm thủ tục và công tác quản lý của địa phương, Bộ GTVT có quy định từ 1/1/2015 phân cấp cho Sở GTVT các địa phương cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trên phạm các tuyến đường thủy thuộc địa bàn, kể cả tuyến đường thủy quốc gia (trước đây do Cảng vụ ĐTNĐ khu vực cấp).
“Sau hơn một năm phân cấp, nhiều bến thủy nội địa từng được cấp phép nhưng sau khi hết hạn không được cấp phép gia hạn. Nguyên nhân chủ yếu do địa phương chưa có quy hoạch bến thủy nội địa hoặc vướng mắc về việc cho thuê, giao đất làm mặt bằng bến, trong khi điều kiện cơ bản để đủ điều kiện cấp phép là phải theo quy hoạch”, ông Cường nói.
Việc chậm thiết lập quy hoạch bến thủy không chỉ khiến Sở GTVT lúng túng trong việc gia hạn hoạt động cho những bến thủy nằm trên tuyến ĐTNĐ quốc gia (được cảng vụ bàn giao lại) mà còn cả với bến nằm trên luồng tuyến đường thủy địa phương. Một đại diện của Sở GTVT Phú Thọ cho biết, trên sông Chảy có nhiều bến thủy (chủ yếu cung cấp cát, sỏi) hoạt động nhưng đến nay chưa thể cấp phép vì luồng, tuyến chưa được công bố là luồng đường thủy địa phương và cũng chưa có quy hoạch cảng, bến thủy.
Đốc thúc địa phương lập quy hoạch
Trong cuộc họp mới đây của Bộ GTVT với các Sở GTVT địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, yếu kém hiện nay trong công tác quản lý ĐTNĐ là thiếu đồng bộ về quy hoạch mạng lưới bến thủy nội địa Việt Nam. Sau khi Luật Giao thông ĐTNĐ được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ năm 2005), Bộ GTVT đã ban hành quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa theo thẩm quyền, tuy nhiên nhiều địa phương đến nay vẫn chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy, cũng như ít quan tâm đến đầu tư phát triển GTVT đường thủy. Đó cũng là lý do cảng, bến thủy nội địa bị manh mún, mỗi địa phương phát triển một kiểu, thiếu sự kết nối với vận tải đường bộ.
“Việc phân cấp quản lý đường thủy, cảng bến thủy rất quan trọng. Thế nhưng việc phân cấp cần rõ ràng, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Cục ĐTNĐ Việt Nam và việc cấp phép, quản lý cảng, bến phải theo Luật Giao thông ĐTNĐ, căn cứ vào quy hoạch được phê duyệt. Khi quản lý cảng, bến theo quy hoạch mới có thể tính đến chuyện kết nối vận tải đường thủy với đường bộ và phương thức vận tải khác”, Thứ trưởng Thọ nói.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng, vấn đề chất lượng của quy hoạch cảng, bến thủy cũng cần được các địa phương quan tâm, không thể để xảy ra tình trạng dọc một tuyến sông hai bên đều là bến bốc xếp hàng hóa và bến nào cũng thuộc diện quy hoạch phát triển. Thay vào đó, phân định rõ loại bến được bốc xếp hàng hóa quy mô lớn và có sự đầu tư phát triển, bến hoạt động theo thời vụ và phục vụ bốc xếp nhỏ lẻ, dân sinh.
Ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho biết, trong số hơn 40 địa phương có hoạt động giao thông đường thủy đến nay mới có hơn 10 địa phương ban hành quy hoạch mạng lưới bến thủy. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc tồn tại nhiều cảng, bến thủy nội địa không phép hoặc không được gia hạn phép hoạt động.
Trong khi đó, theo Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn, việc lập quy hoạch cần sát thực tiễn để tránh trường hợp có quy hoạch nhưng bất cập dẫn đến cản trở đầu tư phát triển cảng, bến và phải chờ điều chỉnh quy hoạch mới có thể đầu tư xây dựng cảng, bến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận