Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo số mới nhất sau vụ thảm sát |
“Tha thứ tất cả”
Trên trang nhất của Charlie Hebdo đăng bức tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammad đang khóc, tay cầm tấm biển ghi “Tôi là Charlie”, khẩu hiệu đang được sử dụng để bày tỏ tình đoàn kết với nước Pháp và Tạp chí Charlie Hebdo. Phía trên có dòng chữ “Tha thứ tất cả”.
Số báo này, Charlie Hebdo phát hành ba triệu bản tại 25 nước, 8 trang và bằng 16 ngôn ngữ. Sau đó, Charlie Hebdo đã phải in thêm hai triệu bản nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Trước đó, tạp chí này chỉ in 60 nghìn bản mỗi tuần. Các thành viên biên tập cho biết, thông điệp của số mới sau thảm sát là hòa giải, tránh hận thù hay bài ngoại.
"Rất khó vượt qua nỗi đau nhưng chúng tôi vẫn cố gắng. Vượt trên tất cả, chúng tôi muốn Charlie Hebdo đem lại tiếng cười châm biếm cho mọi người. Chúng tôi hy vọng làm cả thế giới bật cười”. Gérard Biard tân Tổng biên tập tờ Charlie Hebdo |
Tuy nhiên, Al-Azhar - Trung tâm đào tạo của người Hồi giáo dòng Sunni, cảnh báo bức biếm họa mới chỉ có tác dụng kích động sự hận thù, không khuyến khích sự cùng tồn tại hòa bình giữa các dân tộc và cản trở người Hồi giáo hội nhập xã hội châu Âu và phương Tây.
Còn Dar al-Ifta - Tổ chức Hồi giáo Ai Cập nhận xét: Trang bìa mới nhất của Charlie Hebdo kích động cảm xúc của 1,5 triệu người Hồi giáo và sẽ dẫn đến làn sóng hận thù mới ở Pháp cũng như phương Tây và không khuyến khích đối thoại văn hóa.
Giới chức Pháp phải tăng cường các lực lượng tại các quận có đông người Hồi giáo sinh sống và tại các cửa hiệu, quán ăn, trường học, đầu mối giao thông. Hội đồng Hồi giáo và Hiệp hội người Hồi giáo Pháp kêu gọi các tín đồ cần bình tĩnh và tránh mọi phản ứng thái quá.
Trước đó, có thông tin tạp chí biếm họa lớn nhất của Pháp - Le Canard Enchaine nhận được email đe dọa khủng bố sau vụ thảm sát tại trụ sở Tạp chí Charlie Hebdo. Hiện, an ninh đã được tăng cường tại trụ sở Le Canard Enchaine và giới chức an ninh đang điều tra. Tạp chí biếm họa Le Canard Enchaine được ưa thích nhất ở Pháp với gần 500 nghìn bản mỗi kỳ. Nội dung liên quan giới chính trị và kinh doanh cũng như những phóng sự điều tra hài hước về các vụ bê bối đang diễn ra, theo AP.
Nguy cơ khủng bố bao trùm
Hiện, những đối tượng bị truy bắt gắt gao nhất là bạn gái Amedy Coulibaly (kẻ bắt cóc con tin hồi tuần trước), đang được cho là ở Syria và những kẻ đã tung lên mạng video Coulibaly thừa nhận nổ súng ở Montrouge, khiến một nữ cảnh sát thiệt mạng. Có ít nhất 6 đồng phạm của anh em Kouachi và Coulibaly đang bị truy nã.
Năm 2001, sau vụ khủng bố ngày 11/9, nước Mỹ thay đổi hoàn toàn chính sách đối nội và đối ngoại của mình, đưa vào thực hiện “Patriot Act” (Đạo luật Ái quốc), tiến hành chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, tuyên chiến với thế giới Hồi giáo cực đoan. Tác động và hậu quả của những chính sách đó còn kéo dài đến tận ngày nay. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, Pháp khó có thể đơn phương tiến hành những cuộc chiến quy mô ở Trung Cận Đông và châu Phi như nước Mỹ để tiêu diệt tận hang ổ chủ nghĩa khủng bố. |
Hôm qua, trước Quốc hội, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đề nghị kéo dài sự can dự của quân đội Pháp tại Iraq trong cuộc chiến chống IS và khẳng định hơn 122 nghìn nhân viên an ninh đang túc trực tại những điểm nhạy cảm và công cộng.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố, IS là một đội quân khủng bố với các tay súng được tuyển mộ từ khắp nơi trên thế giới. Đội quân này cần phải bị xóa sổ và đó là lý do tại sao Pháp trở thành một phần của liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Hôm qua, Giám đốc Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) Rob Wainwright cho biết, hiện có đến 5 nghìn công dân EU đã gia nhập phiến quân thánh chiến và một số lượng lớn trong đó sẽ trở lại châu Âu, có năng lực thực hiện những vụ tấn công như ở Paris.
Liên quan đến vấn đề này, ông Gilles de Kerchove, Điều phối viên chống khủng bố của EU cho rằng: Bắt giữ các phần tử thánh chiến hồi hương không phải cách tốt nhất, bởi nhà tù đã trở thành một trong những “cái nôi” của sự cực đoan hóa.
Thanh Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận