Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các ĐBQH |
Ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện là hai thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH. Hàng chục câu hỏi liên quan đến những vấn đề dân sinh bức xúc đã được các ĐB chuyển tới hai Bộ trưởng.
Sản xuất nhiều, thị trường không được mở rộng
Là người đăng đàn đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến quy hoạch ngành chăn nuôi, trong đó “nóng” nhất là vấn đề đang được dư luận quan tâm: Khủng hoảng thừa thịt lợn. “Theo quyết định mà Thủ tướng đã phê duyệt, tổng đàn lợn đến năm 2015 là trên 32,2 triệu con, năm 2020 là 34,4 triệu con nhưng theo số liệu thống kê thì tháng 10/2015 mới đạt hơn 27,7 triệu con, tháng 10/2016 mới đạt 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch nhưng thị trường đã dư thừa đến hàng chục triệu con, giá cả giảm sút thảm hại, người chăn nuôi thua lỗ nặng, lúng túng trong giải pháp giải cứu. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của Bộ?”, ĐB Nguyễn Sơn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh chất vấn.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan, Bắc Ninh cũng nêu thực trạng tình hình ngành chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi đang đặc biệt khó khăn do cung vượt cầu, lượng thịt dư thừa quá lớn khiến giá thịt lợn lao dốc không phanh: “Đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại quá lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh - xã hội. Vậy, đâu là giải pháp căn cơ?”, bà Lan đặt câu hỏi.
Chia sẻ với bà con nông dân chăn nuôi lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, khủng hoảng thừa thịt lợn thời gian qua là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Trong hơn 10 năm qua, riêng thực phẩm thịt lợn nói chung tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn. “Trước bữa cơm có 75% là thịt lợn thì bây giờ có nhiều thực phẩm khác để người dân lựa chọn như sữa, trứng, thịt gà, thịt bò… làm cho dư thừa tạm thời, gây mất cân đối, sức cung lớn hơn sức cầu rất nhiều”, Bộ trưởng Cường giải thích, đồng thời cho rằng, khâu tổ chức thị trường cũng được đánh giá là khâu yếu nhất trong 3 khâu sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường.
Tuy nhiên, phần trả lời này được một số ĐB đánh giá là chưa rõ vai trò quản lý. ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, cử tri sẽ không hài lòng với câu trả lời như vậy.
Làm rõ thêm vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta có dư địa để sản xuất rất nhiều sản phẩm, trong đó có thịt lợn. Nhưng còn hàng rào kỹ thuật là vấn đề cơ bản thì lại chưa bảo đảm theo quy chuẩn của các nước nhập khẩu, cụ thể như Trung Quốc. Do đó, công tác quy hoạch phải tính toán lại và tổ chức sản xuất phải bảo đảm chất lượng, giá thành.
Cán bộ quản lý văn hóa mắc sai sót sơ đẳng
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện là người đăng đàn tiếp theo và nhận được tổng cộng 54 câu hỏi chất vấn, trong đó tập trung vào các vấn đề như quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; năng lực, trình độ cán bộ quản lý văn hóa... và quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Là một trong những đại biểu chất vấn đầu tiên, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu câu hỏi: “Việc lập quy hoạch khu du lịch Sơn Trà đã đúng chưa? Quan điểm của bộ đối với các dự án trên bán đảo Sơn Trà?”. ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) băn khoăn vì sao trong các giải pháp mà bộ đề ra trong lĩnh vực bộ đảm trách, không có việc “thanh lọc con người”, trong khi ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn về năng lực, trình độ cán bộ của một số đơn vị thuộc Bộ qua những sự việc lùm xùm gây bức xúc dư luận.
Trả lời câu hỏi của các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận trách nhiệm cá nhân đối với những vụ việc như cấp phép ca khúc ở Cục Nghệ thuật biểu diễn và sự việc ở Tổng cục Du lịch. Theo Bộ trưởng Thiện, nếu trình độ cán bộ không có vấn đề thì đã không xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy. Theo ông, đó là những lỗi sơ đẳng trong quản lý Nhà nước.
“Sự việc xảy ra vừa rồi liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là do năng lực cán bộ. Tôi xin khẳng định nếu năng lực cán bộ tốt thì không xảy ra việc như vậy. Như thu hồi 5 bài hát, sau đó cho lưu hành lại hay cập nhật hơn 300 bài hát lên website khi không có yêu cầu. Đó là những cái sai về mặt nghiệp vụ không đáng có. Sai nghiệp vụ sơ đẳng về quản lý nhà nước. Hay sự việc liên quan đến Tổng cục Du lịch vừa qua cũng vậy. Chúng tôi đã nhận trách nhiệm và đề ra giải pháp, đồng thời tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, xác định nguyên nhân. Từ đó, sẽ có biện pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực, thuyên chuyển cán bộ. Hiện nay chúng tôi đang làm”, Bộ trưởng Thiện nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Hoan nghênh nếu Đà Nẵng giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà
Trả lời câu hỏi về bán đảo Sơn Trà, Bộ trưởng Thiện cho biết, quy hoạch bán đảo Sơn Trà là sự việc nóng. Năm 2014, Bộ đã lập quy hoạch, đến năm 2016 trình Chính phủ phê duyệt. Nội dung quy hoạch là 1.056ha trong số 4.439ha bán đảo, trước khi bộ lập quy hoạch thì Đà Nẵng đã cấp 25 dự án trong đó có 18 dự án du lịch. 11 dự án được cấp phép với số lượng hơn 5.049 phòng. Khi làm quy hoạch, chuyên gia yêu cầu cắt từ hơn 5.000 xuống 1.600 phòng. “Vừa rồi có ý kiến của nhân dân, chỉ đạo của Thủ tướng, tôi luôn trăn trở. Chúng tôi cầu thị lắng nghe tất cả các ý kiến. Quan điểm của chúng tôi là phát triển bền vững, có trách nhiệm, ưu tiên bảo tồn”, ông Thiện cho biết.
"Ngay sau đó có ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch. Thủ tướng và tôi đã yêu cầu trực tiếp bằng văn bản phải xem xét tiếp thu ý kiến cầu thị, khoa học, công khai. Tôi đã trực tiếp đến tận nơi, nhìn tận mắt những gì đã, đang và cần phải xây dựng. Tôi cũng đọc mấy trăm trang tài liệu, mời kiến trúc sư đồ án lên hỏi. Từ đó, tôi đã đưa ra quyết định tạm dừng quy hoạch cho đến khi các bên tiếp thu ý kiến. Quy hoạch này chưa hề được triển khai”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Phát biểu làm rõ thêm về quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề Sơn Trà được dư luận và các ĐBQH rất quan tâm, tuy nhiên, chưa có lúc nào các cơ quan Nhà nước có phát biểu đầy đủ chính thức. Về điểm này, Bộ VH,TT&DL và TP Đà Nẵng phải rút kinh nghiệm, khi làm việc gì mà xã hội quan tâm thì phải có thông tin chính thức, kịp thời.
Phó Thủ tướng cho biết, quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà căn cứ vào Luật Du lịch. Theo đó, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể du lịch cả nước, trong đó có các khu vực có khả năng thành lập khu du lịch quốc gia. Đà Nẵng được công nhận là đô thị du lịch, có hai khu du lịch quốc gia là Sơn Trà và Bà Nà. Quy hoạch được xây dựng cuối năm 2013, cuối năm 2016 trình phê duyệt và mới công bố gần đây tại Đà Nẵng.
Ngay sau khi quy hoạch công bố thì có ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng có ý kiến chính thức. Sau đó UBND TP Đà Nẵng có ý kiến không đồng ý với kiến nghị giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. “Tuy nhiên, tôi vẫn yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục rà soát dự án trên cơ sở phát triển bền vững. Sơn Trà chỉ đóng góp một phần nhỏ cho du lịch cả nước. Vì thế, phát triển Sơn Trà chủ yếu phục vụ người dân và TP Đà Nẵng. Tôi cũng đã yêu cầu UBND TP Đà Nẵng làm việc với Hiệp hội Du lịch để đi đến đồng thuận. Nếu kết quả làm việc đi đến thống nhất giảm quy mô đầu tư xuống thì Chính phủ sẽ đồng ý. Nếu Đà Nẵng thống nhất thấy chưa cần phải làm du lịch ở bán đảo Sơn Trà thì Chính phủ cũng hoan nghênh”, Phó Thủ tướng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận