Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm các bệnh viện trên toàn quốc tiến hành hơn 448 triệu xét nghiệm, trong đó các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện hơn 90 triệu xét nghiệm, bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố thực hiện hơn 242 triệu xét nghiệm… Đáng chú ý, hiện nay cả nước có 48 phòng xét nghiệm (thuộc các sở y tế, bệnh viện) đạt chuẩn ISO 15189: 2012 về chất lượng và năng lực của phòng xét nghiệm y tế. Nhờ đó, đã tăng được việc sử dụng các dịch vụ tại các bệnh viện, góp phần giảm số ca chuyển, gửi người bệnh lên tuyến trên.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, lĩnh vực xét nghiệm y học là một trong những lĩnh vực không thể thiếu được và ngày càng có vai trò quan trọng giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh, xác định căn nguyên để quyết định phương pháp điều trị, tiên lượng và phòng bệnh phù hợp, vậy có thể nói chất lượng xét nghiệm đã gắn liền với chất lượng chẩn đoán, điều trị, tiên lượng bệnh, phòng bệnh qua đó gắn liền với chất lượng dịch vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong những năm qua lĩnh vực xét nghiệm y học đã đóng góp rất lớn vào thành tựu chung của ngành y tế.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, theo quy định, các cơ sở thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm hằng năm và kế hoạch 5 năm về thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm. Đồng thời, phải tham gia các chương trình ngoại kiểm nhằm kiểm soát chất lượng, đối chiếu và so sánh kết quả xét nghiệm của đơn vị với kết quả xét nghiệm của nhiều phòng xét nghiệm khác trên cùng một mẫu, cung cấp bằng chứng công nhận phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của GS.TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, hiện mới chỉ có 1/3 số cơ sở y tế tiến hành ngoại kiểm. Tín hiệu mừng là đơn vị nào tham gia ngoại kiểm thì chất lượng xét nghiệm đều khởi sắc, khắc phục được những sai sót liên quan đến vấn đề nhân lực, máy móc... hoặc đôi khi chỉ do nguồn nước chưa đảm bảo.
“Đáng nói, bệnh viện tư nhân tham gia chương trình ngoại kiểm nhiều hơn, chất lượng cũng tốt các bệnh viện công lập. Cơ bản, họ nhận thức được có kiểm soát chất lượng, xây dựng được thương hiệu thì mới thu hút bệnh nhân; còn bệnh viện công thì đã được bao cấp”, GS.TS Tạ Thành Văn chia sẻ.
Thực hiện Quyết định số 316/TTg – 27/12/2016 của Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực để chậm nhất đến 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương; chậm nhất đến 2020 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng trong phạm vi thuộc mỗi tỉnh, thành phố.
Ngày y tế đặt muc tiêu đến năm 2025 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận