Chuyện dọc đường

Chỉ giá rẻ chưa đủ

15/11/2018, 07:31

Làm sao để các cảng thủy container có thể phát huy hiệu quả, cạnh tranh sòng phẳng với đường bộ?

2

Cảng thủy container Tri Phương (Bắc Ninh) đang gấp rút thi công để trở thành cảng thủy đầu tiên ở phía Bắc làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng - Ảnh: Huy Lộc

Đây là lời than phiền của người đại diện cảng thủy chuyên bốc dỡ container Hải Linh (sông Lô, Phú Thọ) khi nói chuyện với PV qua điện thoại.

Vị này cho biết, cách đây vài tháng cũng từng xin phép nạo vét cảng nhưng khi bắt tay vào làm lại đến mùa lũ nên không thể triển khai, còn bây giờ vào mùa cạn xin cấp phép lại chưa được.

Sẽ không đáng nói nếu cảng trên không phải là cảng chuyên bốc xếp container đầu tiên của tuyến hành lang vận tải thủy số 1 Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói riêng, của phía Bắc nói chung.

Cụ thể, cách đây hơn một năm, cảng container này được đưa vào hoạt động, với thiết bị xếp dỡ hiện đại, bãi chứa container hàng chục hec-ta, đội sà lan chuyên chở container từ Việt Trì đến cảng biển Hải Phòng. Đại diện cảng cho biết, đơn vị trực tiếp gom hàng từ các nhà máy rồi đưa đến cảng, chuyển xuống sà lan đưa ra cảng biển; giá vận chuyển mỗi container từ cảng đến kho thông qua cảng thủy hiện chỉ rẻ bằng 60% so với đường bộ trên cùng chặng. Một tín hiệu mừng đối với vận tải thủy trong giai đoạn tái cơ cấu vận tải, thúc đẩy vận tải thủy để giảm tải đường bộ, hạ giá thành vận tải. Trong khi trước đó, một dự án cảng thủy container quốc tế khác tại Hà Nội đã trầy trật làm các thủ tục nhưng gần chục năm nay vẫn chưa thể khởi công xây dựng.

Sau khi cảng thủy container hoạt động, những tưởng lợi thế giá thành sẽ khiến hàng hóa tấp nập nhưng đến nay lại khá vắng vẻ. Bởi theo đại diện cảng và đơn vị quản lý cảng vụ, có tuần chỉ có một vài chuyến tàu chở container, có tuần không có chuyến nào.

Nguyên nhân cảng này chưa “kéo” được hàng hóa từ đường bộ xuống đường thủy trước hết do chủ quan doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng đó, cũng không thể không kể đến sự cản trở, bất lợi của hạ tầng đường thủy, kết nối giữa cảng thủy với cảng biển, đường bộ khiến sức chở thấp, thời gian kéo dài. Cụ thể, cầu Đuống trên luồng có chiều cao khoang thông thuyền thấp khiến sà lan không thể xếp quá 2 lớp container, chưa kể trong mùa nước lũ thường xuyên phải nằm chờ nước xuống để qua cầu. Còn tại cảng biển Hải Phòng, theo đại diện cảng, sà lan lép vế trước tàu biển nên thường xuyên phải chờ 1-2 ngày mới đến lượt vào làm hàng. Vì thế, để hoàn thành một chuyến sà làn container từ Việt Trì đến cảng biển Hải Phòng mất khoảng 10 ngày, trong khi đường bộ chỉ mất 1 ngày. Lợi thế giá rẻ không thắng được bất lợi về thời gian vận chuyển.

Cũng cần nói thêm, hiện trên hành lang số 1 còn có thêm 2 cảng container khác đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay. Cảng này tuy không gặp vướng mắc cầu Đuống nhưng hạn chế là không vào sâu nội địa, có cảng đường dẫn vào cảng hẹp, không mấy thuận lợi cho xe vận chuyển container. Mặt khác, sẽ khó tránh được tình trạng chờ đợi lâu ở cảng biển như thực tế đang diễn ra.

Để các cảng thủy container có thể phát huy hiệu quả, cạnh tranh sòng phẳng với đường bộ, trước tiên cơ quan quản lý cần có sự khơi thông hạ tầng luồng tuyến. Chỉ có như vậy mới giải được bài toán “giá rẻ, nhưng quá chậm” của vận tải thủy hiện nay. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.