Từ ngày 1/7/2016, 14 Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành về các lĩnh vực như kinh tế, xã hội. |
1. Luật điều ước quốc tế
Luật điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành từ 1/7 gồm 10 chương với 84 điều. Luật này nhằm làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực điều ước quốc tế.
2. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế
Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Luật cũng quy định chi tiết các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong các ngành nghề. Đáng chú ý là việc bổ sung quy định dịch vụ chăm sóc người cao tuổi sẽ không chịu thuế giá trị gia tăng.
3. Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
Luật quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng có hiệu lực từ 1/7 quy định về hạn tuổi phục vụ của quân nhân.
Cụ thể, hạn tuổi cao nhất phục vụ trong quân ngũ theo cấp bậc là: Cấp úy QNCN: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá QNCN, Trung tá QNCN: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
4. Luật Tố tụng hành chính
Luật Tố tụng hành chính gồm 23 chương với 372 điều. Luật quy định các nguyên tắc trong tố tụng hành chính cũng như nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng...
5. Luật Trưng cầu ý dân
Luật Trưng cầu ý dân quy định: "Công dân nước CHXHCN Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này”.
6. Bộ luật tố tụng dân sự
bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực từ 1/7 quy định việc tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng
Cụ thể, tại Điều 4, Khoản 2 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định.
7. Luật khí tượng thủy văn
Đây là lần đầu tiên hoạt động khí tượng thủy văn của Việt Nam được điều chỉnh bằng Luật khí tượng thủy văn. Luật sẽ tạo bước đột phá trong công tác quản lý, đảm bảo điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển.
Đặc biệt, Luật khí tượng thủy văn cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…
8. Luật thống kê
Luật thống kê có hiệu lực sẽ giúp quy định rõ các hệ thống thông tin thống kê ở nước ta như: Hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện...
9. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định rõ về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân...
Đáng chú ý là Luật có quy định về việc người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ và không được ủy quyền cho người khác trả lời thay.
10. Luật an toàn thông tin mạng
Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 chương với 54 điều. Luật quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng cũng như quyền và trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.
11. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có nội dung đáng chú ý là các nguyên tắc quản lý, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo. Đặc biệt là bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển...
12. Luật an toàn, vệ sinh lao động
Luật an toàn, vệ sinh lao động bao quát và cụ thể các hoạt động về ATVSLĐ và quy định về tổ chức công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế độ bồi thường, trợ cấp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
13. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 17 chương với 173 điều nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia xây dựng văn bản pháp luật.
14. Luật thú y
Luật Thú y gồm 7 chương với 116 điều. Đáng chú ý là Luật đã đưa ra các yêu cầu đối với giết mổ động vật để kinh doanh như: Động vật phải khỏe mạnh; có trong Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát theo quy trình...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận