ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Quốc hội ngày 30/10 |
Kinh tế đang phục hồi
Khẳng định kinh tế nước ta phục hồi là có cơ sở khi tăng trưởng tăng dần, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đã đến lúc phải tăng trưởng cao trở lại, với điều kiện có quyết sách đúng. Ông Ngân hiến kế, phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. “Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao số lượng DN phá sản, giải thể nhiều; Cần hỗ trợ lãi suất để DN vay trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh...”, ông Ngân nói.
Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), năng suất lao động thấp hiện đang là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng. Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, đồng nghĩa với việc đang chuyển dần sang già hóa dân số, tương ứng là quy mô lao động không thể tăng thêm như giai đoạn 2005-2010.
“Vấn đề tăng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng, sống còn giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác”, ĐB Nguyễn Phi Thường nói và chỉ ra một số tồn tại khiến chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp như: Chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo; Hệ thống giáo dục đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng; Chưa nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường và những bất cập của hệ thống đào tạo hàng năm khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm...
ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Cạn) lại cho rằng, để trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu, cần ưu tiên phát triển công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ vì nó là cốt lõi của một nền kinh tế tự chủ. “Vì sao hàng của chúng ta không cạnh tranh được, giá trị thấp, bởi vì chúng ta chủ yếu là gia công. Trong khi đó, tài nguyên khai thác mãi cũng hết, nhưng có một thứ càng khai thác càng phát triển - đó là trí tuệ”, ông Trường đề nghị cần có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài làm cơ sở phát triển, ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Trách nhiệm giám sát ODA của QH chưa được coi trọng
Đề cập đến câu chuyện vay vốn ODA trong bối cảnh nợ công tăng cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, hiện nay pháp lý hiện hành về ODA bộc lộ hai điểm yếu cơ bản là: QH - người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân - chủ thể phải đóng thuế và trả nợ cuối cùng lại gần như đứng ngoài quy trình ODA. Theo bà Nga, trong vòng 20 năm qua, trung bình mỗi năm, Việt Nam thu hút ODA khoảng 3 tỷ USD. Mặc dù có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, cũng như làm mất uy tín của Việt Nam với nhà tài trợ.
“Với tư cách là một phần của nợ công và đầu tư công, lại tác động đến uy tín và vị thế quốc gia. Nhưng những năm qua, cả về pháp lý cũng như thực tiễn, trách nhiệm giám sát của QH về ODA chưa được coi trọng. Bất cứ quốc gia nào nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA thì đó là thất bại của chiến lược phát triển”, bà Nga đề nghị QH nên có giám sát tối cao về ODA. Đồng thời trên cơ sở phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA, trong đó có cả câu chuyện về bất cập trong chính sách hay những nhóm lợi ích liên quan, bà Nga đề nghị cần có chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến tới chấm dứt ODA.
Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), dự án ODA có hai loại là hỗ trợ không hoàn lại và vốn vay hoàn lại - liên quan nhiều đến nợ công. “Để hạn chế nợ công do vay ODA, chúng ta phải thực hiện nguyên tắc mà các nhà kinh tế gọi là “nguyên tắc vàng” - không vay ODA để chi thường xuyên. “Các khoản vay phải có ý kiến QH trước khi sử dụng nếu không nợ công tăng lên, tác động đến con cháu chúng ta sau này”, ĐB tỉnh Tiền Giang nói.
Đồng tình quan điểm không dùng tiền vay ODA để chi thường xuyên, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải xem lại khái niệm chi đầu tư và chi thường xuyên. “Vay ODA không phải là xấu. Rất nhiều nước vay ODA, nhưng họ vay để phục vụ đầu tư. Đối với Việt Nam, vấn đề là Luật Ngân sách phải làm rõ khái niệm thế nào là chi đầu tư, thế nào là chi thường xuyên. Nhầm lẫn hai khái niệm này, rất nguy hiểm”, ông Lịch nói.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận