Các hãng hàng không đều đã có văn bản đề xuất điều chỉnh mức giá phù hợp với thực tế (Trong ảnh: Khách lên tàu bay của VNA) - Ảnh: K.Linh |
Theo Luật Hàng không, giá vé máy bay phải báo cáo, đăng ký lên cơ quan quản lý và không được vượt mức giá trần quy định. Vì thế, không được tăng giá vé nếu quy định về khung giá vé chưa điều chỉnh. Hay nói cách khác, sẽ không có chuyện xăng tăng, giá vé máy bay sẽ “nhảy múa” theo.
Thị trường hàng không Việt Nam thuộc diện năng động và phát triển nhanh nhất trong khu vực và thế giới. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hàng không luôn ở mức hai con số. Doanh thu và lợi nhuận của các hãng hàng không cũng ở mức khá khả quan so với mặt bằng chung của doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế, Vietjet đã công bố đạt mức lợi nhuận năm 2018 tới 5.800 tỷ đồng, tăng gần 9,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dù ước giảm 30% so với thực hiện năm 2017, mức lợi nhuận của Vietnam Airlines 2018 cũng đạt 1.917 tỷ đồng, trong khi mục tiêu doanh thu hợp nhất dự kiến tăng trưởng 14% lên 97.000 tỷ đồng.
Chính vì vậy, câu chuyện liệu giá vé máy bay có tăng hay không khi giá nhiên liệu tăng trong thời gian qua thực sự nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của đại bộ phận người dân chưa cao, các cơ quan quản lý nhà nước và các hãng hàng không nên cân nhắc kỹ lưỡng chuyện tăng giá vé, để chia sẻ khó khăn với hành khách; Nhất là khi doanh thu và lợi nhuận của các hãng hàng không vẫn khả quan.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, một số người, nhất là các chuyên gia lại cho rằng, thị trường hàng không năm 2018 dự báo sẽ có nhiều thách thức, trong đó giá nhiên liệu tăng mạnh là vấn đề đang làm “đau đầu” các hãng hàng không. Thực tế, xăng dầu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất, mang tính quyết định đối với hiệu quả kinh doanh.
Theo các chuyên gia, giá xăng dầu giảm, các hãng có điều kiện giảm giá vé, thêm khuyến mại để hút khách. Tuy nhiên, khi giá dầu tăng, hãng muốn tăng giá vé cũng phải cân nhắc bài toán cung cầu của thị trường. Giá đắt quá, lượng khách sẽ giảm, khách sẽ chọn đi hãng khác.
Hơn thế nữa, đặc thù của các hãng hàng không là chính sách nhiều giá, khác với các ngành vận tải khác như đường sắt, đường bộ, taxi... chỉ có chính sách một giá. Ngồi cùng một máy bay sẽ có những người đi giá vé cao thấp khác nhau. Có người đi vé 0 đồng, có người đi vé vài trăm nghìn đồng, cũng có người đi giá vé tới hàng triệu.
Theo Luật Hàng không, giá vé máy bay vẫn bị kiểm soát bởi các cơ quan Nhà nước. Toàn bộ giá đều phải báo cáo, đăng ký lên cơ quan quản lý và đều không được vượt mức giá trần quy định. Khi có biến động về giá xăng dầu, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm tính toán xem các hãng hàng không có thực hiện nghiêm các quy định về giá hay không? Vì thế, sẽ không có chuyện hãng hàng không tăng giá vé nếu quy định về khung giá vé chưa điều chỉnh. Hay nói cách khác, sẽ không có chuyện xăng tăng, giá vé máy bay sẽ “nhảy múa” theo.
Cả hai luồng quan điểm trên xét về lý đều không sai. Điều quan trọng lúc này với cả các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải tìm được tiếng nói chung và có cơ chế giá hợp lý nhất để vừa tạo điều kiện cho các hãng hàng không phát triển, vừa chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về giá để người dân được tiếp cận nhiều hơn với lĩnh vực hàng không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận