Góc nhìn

Chính biến, chuyển giao quyền lực ở Zimbabwe: Không bạo lực, đổ máu

23/11/2017, 07:40

Cuộc chính biến và chuyển giao quyền lực của Tổng thống Zimbabwe cho Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa diễn ra trong hòa bình.

29

Người dân Zimbabwe ăn mừng sau khi Tổng thống Mugabe từ chức - Ảnh: AP

Sau 37 năm liên tục cầm quyền, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, nhà lãnh đạo từng có công lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước đã buộc phải tuyên bố từ chức để bảo toàn danh dự và sự an toàn tại đất nước có ít ảnh hưởng và gây nhiều tranh cãi nhất châu Phi. Dù di sản mà ông Mugabe để lại cho Zimbabwe là một nền kinh tế đang gặp khó khăn nhưng mặt tích cực sau sự kiện ông từ chức là một cuộc chuyển giao quyền lực không có cảnh đổ máu, bạo lực.

Những toan tính sai lầm

Theo hãng tin AP, trong gần 40 năm qua, không có đối thủ chính trị nào có thể vượt qua được ảnh hưởng và quyền lực của Tổng thống Mugabe. Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần cuối cùng trước khi nhà lãnh đạo này phải tuyên bố từ bỏ quyền lực, ông Mugabe đã có những tính toán sai lầm và kết quả là hai vợ chồng ông đã bị quản thúc tại gia và bị ép buộc chuyển giao Chính phủ cho người khác.

Trước khi xảy ra cuộc chính biến chỉ vài hôm, Tổng thống Mugabe đã tuyên bố cách chức “cánh tay phải” của ông là Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa. Quyết định này là sai lầm lớn nhất của nhà lãnh đạo Mugabe bởi rất nhiều quan chức trong chính quyền của ông, đặc biệt là giới chỉ huy quân sự cho rằng, Tổng thống có ý định đưa vợ (bà Grace) lên thế quyền.

Báo cáo của AP cho rằng, ông Mugabe đã không lường trước được rằng chính người mà ông vừa tuyên bố cách chức đã quay ngược lại tấn công và hạ bệ ông một cách “nhanh chóng và đầy kỹ năng”. Bởi chính Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa là người đã học được ở cấp trên của mình (Tổng thống Mugabe) những sách lược và chiêu thức để giành và nắm chính quyền trong tay.

Theo giới quan sát, trong những năm cuối cùng trước khi bị buộc phải từ chức, Tổng thống Zimbabwe Mugabe đã sử dụng nhiều chiến thuật, trong đó có cả thao túng hiến pháp để củng cố và duy trì quyền uy bất chấp vấn đề sức khỏe đi xuống và tuổi tác ngày càng cao.

Tất cả những đối thủ chính trị của ông Mugabe trong hơn 30 năm qua gần như chưa có ai có thể vượt qua ông. Quyền lực trong tay nhà lãnh đạo đã 93 tuổi dường như sẽ kéo dài thêm ít nhất một nhiệm kỳ nữa trước khi được chuyển giao cho người vợ 52 tuổi - Grace Mugabe thì bất ngờ gặp trắc trở.

30
Tổng thống Zimbabwe 93 tuổi Robert Mugabe

Mảnh đất cằn cỗi và giận dữ

Tổng thống Mugabe bắt đầu bị nhiều người phản đối, trong đó phần đông là tầng lớp lao động kể từ khi chính quyền của ông bắt đầu thâu tóm các trang trại do người da trắng sở hữu.

Ngoài ra, các chính sách xây dựng và phát triển đất nước do Tổng thống Mugabe khởi xướng đã không đem lại nhiều kết quả như mong muốn trong khi nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của quốc gia châu Phi này ngày càng xấu đi nghiêm trọng, biến Zimbabwe - một quốc gia từng được ví như chiếc “rổ bánh mỳ” của châu Phi - trở thành “vùng đất cằn cỗi và đầy những người giận dữ”.

Phần lớn ruộng đất, nông trại ở Zimbabwe lẽ ra phải được chia sẻ với những người nông dân da đen nghèo khó thì những tài sản quan trọng này lại chủ yếu được chuyển về tay các tướng lĩnh, bộ trưởng trong nội các, vợ con và những người thân hữu với Tổng thống Mugabe.

Dưới sự quản lý của chính quyền của ông Mugabe, hơn 1 thập kỷ trở lại đây, Zimbabwe đã bắt đầu chuyển từ một quốc gia có nhiều cơ hội việc làm tốt so với nước khác ở cùng châu lục sang một quốc gia với dân số có tỷ lệ thất học và thiếu việc làm tỷ lệ rất cao.

Ít nhất đã có đến 3 triệu người Zimbabwe đang phải chuyển sang Nam Phi sinh sống và kiếm việc làm với hy vọng sẽ có cơ hội để mưu sinh và điều kiện tốt hơn cho con cái và các thế hệ sau.

Tình cảnh của dân Zimbabwe ở Nam Phi cũng rất khó khăn khi công việc phù hợp và phổ biến nhất đối với trình độ của họ là bồi bàn trong các quán bar, nhà hàng ở Thủ đô Johannesburg.

Trong khi đó, tại Anh (Zimbabwe từng là thuộc địa của Vương quốc Anh), nhà chức trách nước này cũng đã ghi nhận ở “xứ sở sương mù” cũng đang có ít nhất 10 nghìn người Zimbabwe sinh sống. Những người này buộc phải rời bỏ quê hương vì đời sống ngày càng khó khăn, khổ ải.

Trong khi đó, ngay trong lòng lãnh thổ Zimbabwe cũng có ít nhất 13 triệu người đang phải vật vã đối mặt với nghèo đói, thất nghiệp và thất học. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở Zimbabwe hiện nay, theo đánh giá của AP là cao hơn 80%.

Cuộc chính biến không đổ máu

Ngày 21/11 (theo giờ Zimbabwe), sau đúng 37 năm cầm quyền, Tổng thống Robert Mugabe đã có thư tuyên bố từ chức. Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe Jacob Mudenda đã thay mặt nhà lãnh đạo 93 tuổi đọc nội dung thư trước toàn thể các thành viên Hạ viện nước này.

Sau khoảng một tuần gánh chịu sức ép từ lực lượng quân đội, người đứng đầu Chính phủ Zimbabwe đã chính thức tuyên bố từ bỏ quyền lực. Theo báo chí quốc tế, trước đó, Tổng thống Mugabe có thể đã đồng ý từ bỏ Chính phủ với điều kiện là từ nay về sau ông sẽ không bị truy tố và giữ nguyên tài sản. Tuy nhiên, những tài sản có giá trị nào mà gia đình ông sẽ được giữ lại hiện chưa được công khai.

Trong thư gửi đến Hạ viện Zimbabwe, ông Mugabe nói rằng, quyết định từ chức của mình là tự nguyện và tuân thủ yêu cầu của đông đảo dân chúng. Ông Mugabe cũng bày tỏ mong muốn một sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ, hòa bình, không bạo lực.

Như vậy, tính tới thời điểm này, cuộc chính biến và chuyển giao quyền lực của Tổng thống Zimbabwe cho Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa diễn ra trong hòa bình, gần như hoàn toàn không có thương vong nào được ghi nhận.

Không giống như các cuộc binh biến, nội chiến và xung đột quyền lực ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Phi, cuộc chính biến và chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước ở Zimbabwe đã không để xảy ra cảnh “đầu rơi máu chảy”. Đây được xem là điểm sáng và cũng rất may mắn và cần thiết đối với tình cảnh của Zimbabwe hiện nay, theo đánh giá của các nhà bình luận quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.