Các ĐBQH nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự" |
Chiều 26/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết về Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và đảm bảo bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Hơn 90% ĐBQH thông qua Nghị quyết về phòng chống oan sai
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết có nhiều ĐBQH đã đóng góp ý kiến về nội dung này.
Cụ thể, trước các ý kiến đề nghị cần nêu cụ thể thời hạn giải quyết các vụ án đã kéo dài trên 5 năm, một số vụ án có dấu hiệu oan, sai và thời hạn giải quyết xong các trường hợp đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp cho rằng, do tính chất phức tạp của từng vụ án kéo dài trên 5 năm, vụ án có dấu hiệu oan, sai và từng trường hợp đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại rất khác nhau, nên khó xác định cụ thể thời hạn giải quyết chung cho tất cả các trường hợp. Theo đó, dự thảo Nghị quyết yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các vụ, việc trên là phù hợp. Vì vậy, UBTVQH xin được giữ như dự thảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu; đồng thời rà soát, chỉnh lý về văn phong, kỹ thuật của dự thảo Nghị quyết.
Sau khi biểu quyết, với 455/460 ĐBQH tham gia bỏ phiếu thuận (chiếm 92,11%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và đảm bảo bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về Phòng, chống oan sai |
Chính phủ đầu tư kinh phí
Dự thảo Nghị quyết về Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và đảm bảo bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày nêu rõ: “Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, tích cực của Cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; về cơ bản đã bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ oan, sai, có vụ nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; có một số trường hợp còn chậm bồi thường cho người bị thiệt hại. So với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì việc phòng, chống oan, sai còn hạn chế, bất cập”.
Để tạo chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt một số nhiệm vụ, biện pháp như chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp chủ động, tích cực điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm; áp dụng các biện pháp ngăn chặn chính xác để giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình; không để xảy ra các trường hợp chết do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại cơ sở giam giữ và làm rõ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý và người đứng đầu cơ sở này.
Quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải tuân thủ đúng pháp luật, thu thập, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật vụ án; khắc phục việc làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định pháp luật; Chỉ đạo các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nghiêm thẩm quyền tố tụng do luật định; khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm do hành chính hóa các quan hệ hình sự, nâng cao chất lượng điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền, bảo đảm không để xảy ra oan, sai.
Yêu cầu Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử lại đối với các vụ án mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy bản án có hiệu lực pháp luật để điều tra lại; khẩn trương giải quyết các vụ án đã quá hạn luật định, xử lý dứt điểm những vụ án đã kéo dài trên 05 năm và một số vụ án khác dư luận cử tri quan tâm; minh oan và giải quyết bồi thường kịp thời cho người bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại…
Đặc biệt, để phòng chống oan sai, Chính phủ sẽ đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra, khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp, nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ, chống bức cung, dùng nhục hình; có lộ trình, kế hoạch cụ thể để nâng cấp kịp thời các cơ sở giam giữ đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc quá tải về giam giữ; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, trước hết tại các nơi vẫn đang phải thuê, mượn trụ sở làm việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận