ĐB Nguyễn Minh Sơn - Tiền Giang góp ý vào báo cáo phòng, chống tham nhũng |
Ngày 13/11, sau khi nghe các báo cáo, ĐBQH thảo luận trên hội trường về báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Chưa rõ ai tặng ai, tặng quà gì
Góp ý vào báo cáo phòng chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, không phải ai có chức, có quyền cũng tham nhũng, nên chức quyền dù to hay nhỏ, cao hay thấp chỉ là điều kiện, còn lương tâm, phẩm chất đạo đức con người là cái quyết định. “Muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức con người cán bộ là quan trọng hàng đầu. Làm nhiều luật, sửa nhiều luật cũng chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng, nhưng con người tham thì họ tìm đủ mọi cách”, ông Sơn nói.
Đồng ý pháp luật công bằng cho tất cả mọi người, nhưng theo ông Sơn, người biết luật, người cầm cân nảy mực, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn.
Không đồng tình với nhận định tham nhũng có “chiều hướng thuyên giảm”, ông Sơn đánh giá, năm 2018 công tác phòng, chống tham nhũng tốt hơn, mạnh hơn mấy năm trước, được nhân dân tin tưởng hơn, nhưng thuyên giảm hơn thì chưa rõ.
Đề cập về việc tặng quà và nộp lại quà tặng mà trong báo cáo của Chính phủ chỉ nêu tên 9 tỉnh, ông Sơn băn khoăn: “Chẳng lẽ chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà, nhận quà, nộp lại quà? Tỉnh ít nhất có 1 người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng. Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không, hay là không có ai tặng quà nên không có dịp nộp lại quà tặng?”, ông Sơn đặt vấn đề và cho rằng, báo cáo còn chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi tặng quà cấp trên không?
ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Còn việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.
Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học nhìn nhận, vừa qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai, đương chức hay nghỉ hưu. Làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, không cầu toàn, không chờ đợi, sau đó điều tra, xử lý tiếp. Tuy nhiên, theo ông Học, đây mới chỉ là kết quả bước đầu và còn nhiều việc phải làm.
“Đừng như con lươn, con chạch mà leo cao”
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn tại sao “lò nóng rực” như vậy mà tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng? Theo ông Trí, bên cạnh việc quyết liệt và nghiêm khắc hơn thì cần nhấn mạnh tính gương mẫu, tự giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên, người đứng đầu, thực hiện theo quy định của Trung ương là chủ động từ chức. “Nhân dân chờ đợi sự chủ động của người “tay đã nhúng chàm”. Còn hơn một năm nữa là phải chuẩn bị cho được đội ngũ cán bộ chiến lược nên nhân dân mong những người không đủ uy tín, thiếu trách nhiệm chủ động từ chức, đừng như “con lươn”, “con chạch” mà leo cao”, ông Trí nhấn mạnh và đề nghị xây dựng Luật Từ chức để luật hóa vấn đề này.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhìn nhận, việc các báo cáo đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như tình trạng “bôi trơn”, “sân sau”, “lợi ích nhóm”, “bảo kê”… cho thấy thái độ kiên quyết, không né tránh. Nữ ĐB cũng bày tỏ quan tâm đến tình trạng tham nhũng vặt đang gây nhức nhối. “Nếu tham nhũng trục lợi chính sách, tham nhũng lớn làm suy kiệt nền kinh tế thì “tham nhũng vặt” cũng có sức tàn phá rất lớn đối với đời sống trong xã hội, đặc biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền”, bà Hoa nhấn mạnh và cho rằng, xử lý loại tội phạm này không dễ do nó diễn ra mọi lúc, mọi nơi, đến mức hành vi đưa phong bì, lót tay, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành “thói quen” và thực sự trở “thành nét văn hóa xấu xí” của người Việt.
Vì thế, bà Hoa đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá tổng thể nguyên nhân, tác hại và có giải pháp ngăn chặn loại tội phạm này, cần công phá tư tưởng lợi “ích nhóm”, có những quy định cụ thể dễ nhận diện tội phạm “tham nhũng vặt” trong cơ quan công quyền. Đồng thời đẩy nhanh cải cách hành chính, hạn chế tiếp xúc trực tiếp của người dân với cán bộ cơ quan công quyền.
Sai phạm trong công an chủ yếu do công an “tự phát hiện”
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu một số thành tựu nổi bật trong công tác đảm bảo ANTT, song nghiêm khắc nhìn nhận lại, ông Cầu cũng nêu lại một số sự việc gần đây khi có một số cán bộ cao cấp của lực lượng CAND có nhiều sai phạm, gây bất bình trong dư luận. Nhưng ông Cầu nhấn mạnh, các sai phạm của một số tướng lĩnh và các cá nhân trong lực lượng CAND đã được phát hiện kịp thời, điều tra xử lý nghiêm minh, công bằng cho dù họ là ai. Quan trọng hơn, ông Cầu nhấn mạnh, các sai phạm trong nội bộ lực lượng công an phần lớn là do CAND tự phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý để làm trong sạch nội bộ, không bao che, không giấu giếm.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng nhấn mạnh, không ai có thể phủ nhận rằng, cơ quan điều tra nói chung, trong đó có cơ quan điều tra CAND nói riêng đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho hoạt động tố tụng, đã khám phá hàng triệu vụ án lớn nhỏ, đem lại sự bình yên cho xã hội.
Nhưng ông Nhưỡng cũng nêu điều đáng tiếc là trong quá trình điều tra vẫn còn có những con người không xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân, thậm chí có những kẻ dám dùng trang phục và bộ quân hàm cao quý, nghiệp vụ chuyên môn Nhà nước trang bị để “lội ngược dòng đạo lý”. Ông Nhưỡng cũng nhắc đến hàng loạt vụ án oan sai “đình đám” và cho rằng, các vụ án oan đều khởi nguồn từ hoạt động điều tra có sai sót, vi phạm rất nghiêm trọng pháp luật tố tụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận