Anh minh họa. Nguồn: VOV |
Liên tiếp các kết luận về vi phạm trong công tác cán bộ, thậm chí là cán bộ chủ chốt ở một số địa phương được Uỷ ban Kiểm tra T.Ư làm rõ và công bố.
Công tác cán bộ là gốc rễ của mọi vấn đề, quyết định sự thành công hay thất bại, nhưng điều khiến chúng ta lo ngại là hiện nay lợi ích nhóm đã len lỏi cả vào công tác cán bộ. Thực tế đau xót là vẫn còn tình trạng lãnh đạo cố tình cài cắm con em, người thân, họ hàng vào những vị trí béo bở, dễ kiếm lợi để nắm quyền, sinh ra vụ lợi. Bổ nhiệm người nhà cũng chính là do dân chủ chưa tốt, để người có quyền chi phối quá lớn, lợi dụng vị trí lãnh đạo cài cắm người thân, không bổ nhiệm dựa trên sự tín nhiệm của quần chúng.
Lâu nay ta thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng vì sao lợi ích nhóm vẫn len lỏi vào được? Đó là vì tính dân chủ chưa được phát huy tốt ở các cơ quan, địa phương, thể hiện qua việc nhận xét, đánh giá cán bộ chỉ do cấp ủy quyết định; tính dân chủ trong dân cũng chưa tốt, tiếng nói của các cán bộ đảng viên trung thực không được lắng nghe, tiếng nói của quần chúng nhân dân, hoạt động giám sát của nhân dân đối với các tổ chức, cá nhân chưa có sức ảnh hưởng. Đó là kẽ hở, mà ta phải bịt được thì mới mong xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn.
Những vi phạm về cán bộ thời gian qua không phải do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, mà là do quá trình áp dụng pháp luật và thực hiện các quy định của pháp luật chưa tốt.
Để làm tốt hơn việc này, chúng ta cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường, bất minh nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sự hình thành lợi ích nhóm, để không còn những “ngoại lệ” trong công tác cán bộ.
Việc dân chủ hóa gắn với công khai hóa công tác cán bộ cũng sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân có thể thực hiện chức năng giám sát vì thực tế quyền lực không được giám sát sẽ gây ra nhiều tiêu cực. Công khai hóa trong công tác cán bộ bằng việc thông tin rộng rãi các quy định về công tác cán bộ, từ nhu cầu tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đến khen thưởng, kỷ luật cán bộ để mọi người dễ biết, dễ kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, cũng cần tạo ra sự cạnh tranh trong cán bộ, chọn đúng người có đức, có tài, tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền, đề bạt người thân quen dẫn đến sử dụng cán bộ không đủ tiêu chuẩn, uy tín thấp, làm việc kém hiệu quả.
Lê Quang Thưởng Nguyên
Phó ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận