Chốn linh thiêng ghi dấu những người mở đường

24/07/2017, 08:25

Chưa nơi nào trên mảnh đất hình chữ S lại quy tập nhiều nghĩa trang liệt sỹ như dải đất miền Trung.

8

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng đoàn công tác Bộ GTVT dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ Đường 9 (Chụp tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9, Quảng Trị ngày 20/7/2017)

Chưa nơi nào trên mảnh đất hình chữ S lại quy tập nhiều nghĩa trang liệt sỹ như dải đất miền Trung. Và cũng ít có bộ, ngành nào lại có nhiều nghĩa trang riêng như GTVT. Những nghĩa trang đó không chỉ là nơi thờ tự, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, mà còn là nơi ghi dấu chiến công của những người anh hùng ngành GTVT đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Nghĩa trang những người anh hùng ngành GTVT

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta và đạo lý đó sẽ tiếp tục được duy trì cho đến mai sau. Tháng 7 về, tập thể lãnh đạo, CBCNV Bộ GTVT và các đơn vị trong ngành cùng tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) và 72 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2017). Trong đó, không thể không nhắc đến hành trình dâng hương, viếng mộ các anh hùng liệt sỹ ngành GTVT đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là tỉnh Nghệ An - cái nôi của phong trào Cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh. Nơi đây có hàng ngàn, hàng vạn người con đã ngã xuống để giành lại nền độc lập, tự do của dân tộc. Một phần không nhỏ trong số đó là những cán bộ công nhân, thanh niên xung phong. Họ là những chàng trai, cô gái hừng hực tuổi xuân, khắc ghi lời thề sắt đá trên những cung đường máu lửa với ý chí “tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”. Họ đã “sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm” với tinh thần, quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ đã lấy “tiếng hát át tiếng bom” để giữ vững những con đường cho từng đoàn xe ra trận.

"Là thế hệ tiếp bước, ngoài hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Bộ GTVT còn có nhiều chủ trương, chính sách, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Điển hình như: Giao Công đoàn ngành thành lập quỹ từ thiện; chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng; dâng hương viếng các anh hùng liệt sỹ ngành GTVT tại các khu di tích, nghĩa trang; thăm hỏi các gia đình chính sách; tôn tạo, trùng tu, bảo dưỡng các nghĩa trang ngành GTVT như tu bổ, nâng cấp Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, cầu Thành cổ...”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Lê Đình Thọ

Trong không khí trang nghiêm, đoàn công tác Bộ GTVT đã dâng những nén hương thơm và những vòng hoa tươi thắm lên phần mộ những anh hùng liệt sỹ ở nghĩa trang Truông Kè - đường 7 (thuộc địa phận xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành) và Khu di tích Lịch sử quốc gia Truông Bồn (ở địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương). Trước anh linh của các anh hùng, liệt sỹ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dặn dò thế hệ trẻ: “Ngoài lực lượng quân đội và công an, ở nước ta ít có ngành nào như ngành GTVT là có những nghĩa trang riêng. Những nghĩa trang đó nằm dọc theo chiều dài đất nước - đó là nơi an nghỉ của hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, công nhân ngành GTVT, TNXP đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thế hệ chúng ta hôm nay phải khắc ghi, trân trọng và tự hào vì được đứng trong hàng ngũ những người trong ngành GTVT, tiếp bước truyền thống cha anh. Từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, làm sao xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ đi trước”.

Tiếp tục hành trình, đoàn công tác của Bộ GTVT đã dâng huơng, viếng các anh hùng liệt sỹ ở các nghĩa trang liệt sỹ ngành GTVT của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Từ QL1, đoàn đi theo QL15, đường mòn Hồ Chí Minh, đường 12, đường 9 - Đó là những cung đường lịch sử, chứng kiến những trận đánh huyền thoại, chứng kiến sự hy sinh của bao lớp người mở đường, giữ đường và nâng cấp những tuyến đường đó. Nằm dọc các cung đường là hàng chục khu di tích, nghĩa trang với hàng trăm ngàn ngôi mộ. “Có tên, không tên”, “một mình, tập thể”, “mộ mới, mộ cũ”..., những ngôi mộ nằm sừng sững giữa bốn bề cây xanh che bóng mát, được các CBCNV ngành GTVT ngày ngày chăm sóc.

Tại các địa điểm như: Đài tưởng niệm Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); Nghĩa trang Tân Ấp, Thọ Lộc, Long Đại, Vạn Ninh (Quảng Bình); Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Đường 9, Thành Cổ (Quảng Trị)…, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng các đại biểu đã ôn lại truyền thống vẻ vang của cách mạng trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập. Thứ trưởng Thọ nói: “Giao thông là mạch máu, người làm giao thông luôn phải đi đầu để giữ mạch máu thông suốt. Trong chiến tranh, đó là nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm nhưng rất đỗi cao cả và tự hào. Ở cả hai cuộc chiến, lực lượng ngành GTVT trải dài từ Bắc vào Nam, cả đường sắt, đường bộ lẫn đường sông, đường biển. Rồi còn tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia. Các anh, các chị đã ngã xuống hoặc chấp nhận mất đi một phần máu thịt để chúng ta có được cuộc sống hôm nay”.

9
Thứ trưởng Lê Đình Thọ thăm hỏi sức khỏe, tặng quà bệnh binh quản trang Lê Văn Cư

Ấm tình đồng đội

Trong hành trình về nguồn cùng đoàn, chúng tôi đã được chứng kiến, ghi nhận rất nhiều câu chuyện cảm động về tình đồng đội, đồng chí của những người còn sống với những người đã khuất. Đó là câu chuyện của những người đồng đội cũ, nay trở lại làm công việc quản trang tại các nghĩa trang liệt sỹ của ngành.

Từng là TNXP tham gia mở đường ở nước bạn Lào trở về, ông Nguyễn Văn Thức (81 tuổi) cùng vợ là bà Phan Thị Nghĩa (75 tuổi), không ngại tuổi già, chuyển nhà về sống ngay trước Nghĩa trang liệt sỹ Cục Công trình (thuộc xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để tiện chăm sóc, hương khói cho hơn 200 phần mộ đồng chí, đồng đội của mình.

Ông Thức chia sẻ: “Ngày xưa, anh em kề vai sát cánh chiến đầu, sẻ chia từng củ mì, chén nước. Chiến tranh kết thúc, nhiều anh em phải nằm xuống mãi mãi nên tôi muốn được về lại bên cạnh chăm sóc, hương khói để anh em được ấm áp nơi cõi vĩnh hằng”.

Hay như câu chuyện của người lính Lê Văn Cư (SN 1942), hiện là quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Thọ Lộc (thuộc xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Ông Cư vốn là lính lái xe của Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn. Sau 8 năm ngồi sau vô lăng, ông đã cùng đồng đội thực hiện hàng trăm chuyến xe vận chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược, lương thực vào chiến trường. Năm 1976, ông rời quân ngũ, trở về quê hương Cự Nẫm thì gặp bà Trương Thị Lệ, TNXP mới từ chiến trường ra. Cảm mến, yêu thương nhau rồi họ thành vợ chồng. Cuộc đời ông bà đi qua chiến tranh, cảm nhận hết sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn, mất mát, hy sinh… Bản thân ông Cư cũng bị thương, bị nhiễm chất độc da cam, nay hưởng chế độ bệnh binh. Bà Lệ cũng bị mảnh bom găm vào người khi làm việc tuyến đường 16 - Thống Nhất.

Vượt qua bệnh tật, 27 năm qua, ông bà tình nguyện làm quản trang canh giấc cho những người đồng đội, đồng nghiệp đang yên nghỉ tại quê nhà. Ông Cư kể, năm 1990, nghĩa trang liệt sỹ TNXP Thọ Lộc còn hoang sơ lắm, bốn bề rừng rậm, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại rất khó khăn. Trước đó, nghĩa trang vẫn có quản trang, nhưng chế độ đãi ngộ thấp, sống quạnh quẽ nên họ không làm nữa. Thấy vậy, bà nhà tôi nói với tôi: “Các anh, các chị ấy hy sinh cho dân, cho nước, giờ an nghỉ trên quê hương mình, lại không ai chăm sóc, lo hương khói. Hay vợ chồng mình lên đó chăm sóc cho các anh, các chị, để các anh chị bớt phần cô quạnh”.

Ông Cư lúc bấy giờ tuy sức khỏe yếu nhưng nghĩ “mình là người lính, có việc chi mà chẳng làm được”. Vậy là hôm sau ông cùng vợ chính thức lên nhận công việc này. Và “chớp mắt một cái” đã gần 30 năm vợ chồng ông gắn bó với những anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang Thọ Lộc.

“563 anh hùng liệt sỹ nằm đây, có người cùng quê, có người quê mãi tận trên Lạng Sơn, Yên Bái; có người đã gặp, nhưng cũng nhiều người chưa. Nhưng với tôi, tất cả đều là đồng đội, đồng chí một thời lửa đạn. Đã là đồng chí, đồng đội, tôi lại may mắn hơn, còn sống trở về, sao tôi nỡ để anh em mình nằm lạnh lẽo giữa rừng”, ông Cư chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.