Phương án kiến trúc nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng |
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về phương án kiến trúc nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành.
>>> BÌNH CHỌN CÁC PHƯƠNG ÁN KIẾN TRÚC NHÀ GA CHKQT LONG THÀNH <<<
Chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đã được Quốc hội khóa 13 thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015. Mục tiêu Dự án nhằm xây dựng Cảng HKQT Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), là Cảng HKQT quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Dự án Cảng HKQT Long Thành được chia thành 3 giai đoạn. - Giai đoạn I đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến năm 2025 đưa vào khai thác. - Giai đoạn II sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. - Giai đoạn III sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư và sử dụng vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty để tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn I của Dự án Cảng HKQT Long Thành.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP đã nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm triển khai dự án Cảng HKQT Long Thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, trong đó có việc tổ chức thi tuyển quốc tế phương án kiến trúc Nhà ga hành khách - Cảng HKQT Long Thành.
Cuộc thi nhằm lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc tốt nhất, đáp ứng tối đa các yêu cầu về công năng sử dụng, thẩm mỹ, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan; thể hiện được ý nghĩa, tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, có tính khả thi cao và phù hợp với quy hoạch Cảng HKQT Long Thành.
Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức, đơn vị tư vấn hàng không trong nước và thế giới. Đã có 16 đơn vị tư vấn vượt qua vòng sơ tuyển về năng lực kinh nghiệm, năng lực thực hiện các dự án tương tự...
Đến hạn chót nộp hồ sơ, Ban tổ chức đã nhận được 9 phương án kiến trúc nhà ga hành khách – Cảng HKQT Long Thành từ các đơn vị tư vấn thiết kế có uy tín, có kinh nghiệm thiết kế các nhà ga hàng không lớn trên thế giới. Các phương án kiến trúc dự thi đã được Hội đồng Đánh giá xếp hạng phương án thi tuyển kiến trúc Nhà ga hành khách – Cảng HKQT Long Thành đánh giá và chấm điểm từng phương án.
Hiện nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về phương án kiến trúc Nhà ga hành khách - Cảng HKQT Long Thành nhằm tham khảo thông tin đánh giá từ nhiều thành phần, tổ chức, cá nhân khác nhau, giúp Người quyết định đầu tư xem xét, lựa chọn phương án kiến trúc đạt hiệu quả cao nhất đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi để xây dựng công trình (FS).
Việc lấy ý kiến được tổ chức theo 3 hình thức gồm lấy ý kiến trực tiếp tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai và TP.HCM); Lấy ý kiến trên trang thông tin điện tử Bộ GTVT và lấy ý kiến của các Hội nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư VN, Hội Quy hoạch đô thị VN, Tổng hội Xây dựng VN, Hội Khoa học kỹ thuật hàng không VN…
Báo Giao thông trân trọng giới thiệu 9 phương án kiến trúc này để độc giả tìm hiểu và bình chọn (Tiêu đề các phương án do Báo Giao thông đặt):
PHƯƠNG ÁN 1 - HÌNH TƯỢNG CHIM SẺ
Phối cảnh |
Nội thất |
Ngoại thất |
1. Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Mặt bằng tổng thể nhà ga đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, sân đỗ ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các công trình tiện ích khác, đảm bảo khai thác đồng bộ và đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không.
2. Ý tưởng, giải pháp thiết kế công trình:
a) Ý tưởng thiết kế:
Tác giả lấy hình tượng chim sẻ để đưa vào thiết kế phần mái cho toàn bộ công trình; ngoài ra phương án nghiên cứu hình dạng đan kết của nón lá, tre để lấy cảm hứng đưa vào thiết kế phần trang trí họa tiết mái và cho phần nội thất trần nhà ga.
b) Giải pháp thiết kế:
- Giải pháp kết cấu:
- Kết cấu phần thân: Hệ khung cột, dầm, sàn BTCT; hệ kết cấu vách kính bao che: dùng hệ khung thép kết hợp dây căng để đỡ hệ vách kính/ô kính.
- Kết cấu mái: Hệ dàn mái kết cấu thép dạng giàn không gian và dạng dàn phẳng.
- Giải pháp sử dụng vật liệu:
Sử dụng chủng loại vật liệu phù hợp với kết cấu và với nhu cầu sử dụng cho các khu vực chức năng trong nhà ga.
3. Quy mô, mặt bằng nhà ga:
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh với 2 cao trình đi và đến tách biệt. Nhà ga gồm 4 tầng, chiều cao công trình tính đến đỉnh mái là 53m. Tổng diện tích sàn 446.182 m2, được thiết kế từ trên xuống như sau:
+ Tầng 4 (cao độ +17,5m): Có diện tích sàn 82.830m2;
+ Tầng 3 (cao độ +11,5m): Có diện tích sàn 106.711m2;
+ Tầng 2 (cao độ +5,5m): Có diện tích sàn 143.818m2;
+ Tầng 1 (cao độ +0m): Có diện tích sàn 100.056m2;
+ Ngoài ra phương án có đề xuất bố trí thêm khu dịch vụ kinh doanh tại tầng lửng cao độ +23,5m;
Phương án dự thi bố trí nhà để xe phía trước nhà ga, diện tích 243.293m2.
Mặt bằng nhà ga được bố trí tách biệt giữa quy trình khai thác quốc tế và quốc nội với tỷ lệ bố trí số lượng cầu ống dẫn khách quốc nội là 5 và quốc tế là 29.
Phương án dự thi thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) để đáp ứng công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm, với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Phương án bố trí các khu vực chức năng chính của nhà ga hàng không theo các quy chuẩn hiện hành (Khu vực kinh doanh dịch vụ thương mại, khu vực dịch vụ phòng chờ CIP/ VIP, khu vực phòng chờ Airlines).
PHƯƠNG ÁN 2 - THIÊN NHIÊN VIỆT NAM
Phối cảnh |
Nội thất |
Ngoại thất |
1. Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Thay đổi quy hoạch tổng mặt bằng nhà ga được nêu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đề xuất giai đoạn 2 chỉ mở rộng phần thân nhà ga của giai đoạn 1 và chỉ xây dựng thêm khu phòng chờ đế đáp ứng tổng công suất 50 triệu khách), cơ bản đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, sân đỗ ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các công trình lân cận, đảm bảo khai thác đồng bộ và đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không.
2. Ý tưởng, giải pháp thiết kế công trình:
a) Ý tưởng thiết kế:
Tác giả lấy ý tưởng cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam (ruộng bậc thang, hình thức nhấp nhô của những núi đá Vịnh Hạ Long) để đưa vào phương án thiết kế hình khối công trình (phần tạo hình mái, kiến trúc phần sảnh nhà ga).
b) Giải pháp thiết kế:
- Giải pháp kết cấu:
Phương án dự thi đề xuất hệ kết cấu chịu lực chính sử dụng vật liệu là BTCT và thép, giải pháp kết cấu như sau:
- Kết cấu phần thân:
- Sử dụng hệ nhóm cột BTCT/Thép và hệ dầm, sàn BTCT (đổ tại chỗ hoặc đúc sẵn).
- Hệ kết cấu vách kính bao che: Dùng hệ khung kết cấu thép chữ T để đỡ hệ vách kính, ô kính.
- Hệ kết cấu mái: Hệ dàn mái kết cấu thép dạng giàn không gian.
- Giải pháp sử dụng vật liệu:
Sử dụng chủng loại vật liệu phù hợp với từng khu vực chức năng của nhà ga.
Ngoài ra, phương án có đề cập đến các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu tiếng ồn của âm thanh để không ảnh hưởng đến quá trình khai thác, hoạt động của sân bay.
3. Quy mô, mặt bằng nhà ga:
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 4 cánh.Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt. Tổng diện tích sàn 399.744 m2, được thiết kế từ trên xuống như sau:
+ Tầng 5 (cao độ +23.5m): Có diện tích sàn 8.482m2;
+ Tầng 4 ( cao độ +19.5m):Có diện tích sàn 14.288m2;
+ Tầng 3 ( Cao độ +14.5m): Có diện tích 131.161m2;
+ Tầng 2 (cao độ +6m/8m): Có diện tích sàn 86.116m2;
+ Tầng 1 (cao độ -1.2m/+0.00m): Có diện tích sàn 102.048m2;
+ Tầng hầm (cao độ -6.0m): Có diện tích sàn 43.879m2;
Phân chia mặt bằng khai thác, bố trí số lượng cầu ống dẫn khách, phòng chờ đi/đến cho bến đậu xa theo tỷ lệ khách quốc tế 80% và khách quốc nội là 20%.
Phương án dự thi thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) để đáp ứng công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Phương án dự thi bố trí các khu vực chức năng chính của nhà ga hàng không theo đúng các quy chuẩn hiện hành (Khu vực dịch vụ kinh doanh dịch vụ/ cửa hàng miễn thuế; khu vực dịch vụ phòng chờ CIP/ VIPvà các khu vực cho thuê kinh doanh dịch vụ phía bên ngoài khu cách ly).
PHƯƠNG ÁN 3 - HOA SEN CÁCH ĐIỆU
Phối cảnh |
Nội thất |
Ngoại thất |
1. Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Quy hoạch mặt bằng tổng thể nhà ga để đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, nhà để xe ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các hạng mục tiện ích khác (ga hàng hóa, đường sắt, đài chỉ huy, đường lăn, giao thông đường bộ…), đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không và đảm bảo khai thác đồng bộ với các giai đoạn phát triển của dự án trong tương lai.
2. Ý tưởng, giải pháp thiết kế công trình:
a) Ý tưởng thiết kế:
Phương án kiến trúc lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục;
Hình khối khu vực nhà ga chính (mái) sử dụng ý tưởng là những cánh hoa sen. Bên cạnh đó khu vực nhà để xe ngoài trời, trên mái sử dụng làm công viên cây xanh kết hợp với hồ nước lớn tại vị trí trung tâm cũng lấy ý tưởng bông sen, làm điểm nhấn cho khu vực này.
Tác giả nghiên cứu, phân tích các yếu tố đặc trưng của thời tiết, khí hậu địa phương để đưa ra giải pháp kiến trúc phù hợp.
b) Giải pháp thiết kế: phương án có đề cập đến các thuận lợi, bất lợi của điều kiện tự nhiên ở địa phương để đưa ra giải pháp về kiến trúc, kết cấu và sử dụng vật liệu nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng cho công trình, thân thiện môi trường.
- Giải pháp kết cấu:
- Kết cấu phần thân: Hệ kết cấu khung cột, sàn BTCT; dầm BTCT/thép.
- Kết cấu mái: Hệ kết cấu thép giàn không gian dạng Latice Shell (hoặc dạng shell) và dạng dàn phẳng.
- Giải pháp sử dụng vật liệu:
Sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu, nhu cầu sử dụng cho các khu vực chức năng của nhà ga và phù hợp với xu hướng sử dụng cho các nhà ga hàng không trên thế giới, đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không. Vật liệu phổ biến, có sẵn trên thị trường, đảm bảo điều kiện cung cấp, sửa chữa, bảo trì thuận lợi.
3. Quy mô, mặt bằng nhà ga
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh; nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng, chiều cao đỉnh mái là 52,2m. Tổng diện tích sàn 399.987 m2 và được bố trí từ trên xuống như sau:
+ Tầng 4 (cao độ +15m): Có diện tích sàn 63.256m2;
+ Tầng 3 (cao độ +10m): Có diện tích sàn 87.604m2;
+ Tầng 2 (cao độ +5m): Có diện tích sàn 131.749m2;
+ Tầng 1 (cao độ +0m): Có diện tích sàn 117.377m2;
Bố trí nhà để xe phía trước nhà ga, gồm 4 cao trình, có tổng diện tích sàn khoảng 144.000m2.
Mặt bằng nhà ga được bố trí tách biệt giữa quy trình khai thác quốc tế và quốc nội, hợp lý với tỷ lệ khách quốc tế là 80% và khách quốc nội là 20%.
Phương án dự thi thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) để đáp ứng công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Đầy đủ các khu vực tiện ích của nhà ga hàng không theo đúng các quy chuẩn hiện hành (Khu vực kinh doanh hàng miễn thuế DFS, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; khu dịch vụ quá cảnh, khu vực dịch vụ phòng chờ CIP, VIP, văn phòng, kho…).
PHƯƠNG ÁN 4 - CÂY TRE VIỆT NAM
Phối cảnh |
Nội thất |
Ngoại thất |
1. Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Quy hoạch mặt bằng tổng thể nhà ga để đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, nhà để xe ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các hạng mục tiện ích khác (ga hàng hóa, đường sắt, đài chỉ huy, đường lăn, giao thông đường bộ,…), đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không và đảm bảo khai thác đồng bộ với các giai đoạn phát triển của dự án trong tương lai.
2. Ý tưởng, giải pháp thiết kế công trình:
a) Ý tưởng thiết kế:
Ý tưởng chính của tác giả là sử dụng vật liệu từ cây tre – một loại cây phổ biến của địa phương Việt Nam, được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính công cộng của nhà ga (sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến,…).
Sử dụng vật liệu kết cấu tre là một ý tưởng mới được đưa vào và thể hiện dưới hình thức trang trí đan kết thành không gian nội thất nhà ga để thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không mang tính đặc thù văn hóa địa phương.
b) Giải pháp thiết kế:
Phương án dự thi đưa ra giải pháp về kiến trúc, kết cấu và sử dụng vật liệu nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng cho công trình, thân thiện môi trường.
- Giải pháp kết cấu:
- Kết cấu phần thân: Hệ kết cấu khung cột (hoặc cột thép), dầm, sàn BTCT.
- Kết cấu mái: Hệ kết cấu giàn không gian bằng tre ép (LVB) 2 lớp; bề mặt LVB được xử lý và phủ lớp chống nhiệt để đảm bảo chống cháy theo quy định.
- Sử dụng lớp kết cấu tre bên trong để trang trí trần nên không cần lắp đặt hệ thống trần treo trên mái nhà ga và vách bao che.
- Giải pháp sử dụng vật liệu:
Sử dụng chủng loại vật liệu phù hợp với kết cấu và với nhu cầu sử dụng cho các khu vực chức năng của nhà ga. Vật liệu tre là phổ biến, có sẵn trong tự nhiên để khai thác.
3.Quy mô, mặt bằng bố trí nhà ga:
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh.Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng. Tổng diện tích sàn 381.005 m2, được thiết kế từ trên xuống như sau:
+ Tầng 4 (cao độ +15m): Có diện tích sàn 55.872m2;
+ Tầng 3 (cao độ +9m): Có diện tích sàn 89.937m2;
+ Tầng 2 (cao độ +5m): Có diện tích sàn 84.925m2;
+ Tầng 1 (cao độ +0m): Có diện tích sàn 118.653m2;
+ Ngoài ra phương án có đề xuất bổ sung thêm khu dịch vụ kinh doanh tại tầng lửng cao độ +20m và +24m;
Phương án bố trí nhà để xe phía trước nhà ga.
Mặt bằng nhà ga được bố trí tách biệt giữa quy trình khai thác quốc tế và quốc nội, hợp lý với tỷ lệ khách quốc tế là 80% và khách quốc nội là 20%.
Phương án dự thi thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) để đáp ứng công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Phương án dự thi bố trí đầy đủ các khu vực tiện ích của nhà ga hàng không theo đúng các quy chuẩn hiện hành (Khu vực kinh doanh hàng miễn thuế; khu dịch vụ quá cảnh, khu vực dịch vụ phòng chờ CIP/ VIP, phòng chờ Airlines Lounge,…).
PHƯƠNG ÁN 5 - CÁNH SEN
Phối cảnh |
Nội thất |
Ngoại thất |
1.Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Phương án đề xuất quy hoạch mặt bằng tổng thể nhà ga để đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, sân đỗ ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các công trình lân cận, đảm bảo khai thác đồng bộ và đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không.
2.Ý tưởng, giải pháp thiết kế:
a) Ý tưởng thiết kế:
Tác giả đưa ý tưởng là các cánh hoa sen vào kiến trúc mặt đứng công trình để tạo nên hình ảnh nhà ga mang nét thiên nhiên. Phương án dự thi còn lấy ý tưởng về vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa Việt Nam để đưa vào kiến trúc nội thất của nhà ga (thông qua cách điệu về tre, nan tre…) đồng thời nghiên cứu, phân tích một số yếu tố đặc trưng của thời tiết, khí hậu địa phương để đưa ra giải pháp kiến trúc.
b) Giải pháp thiết kế:
- Giải pháp kết cấu:
Phương án dự thi đề xuất hệ kết cấu chịu lực chính sử dụng vật liệu là BTCT và thép, giải pháp kết cấu như sau:
- Kết cấu phần thân: Cột BTCT/Thép; hệ dầm, sàn BTCT; hệ kết cấu vách kính bao che dùng hệ unitized.
- Kết cấu mái: Hệ dàn kết cấu thép theo module và được đỡ bằng hệ cột thép.
- Giải pháp sử dụng vật liệu:
Sử dụng các chủng loại vật liệu tương ứng với từng khu vực chức năng của nhà ga.Vật liệu đề xuất sử dụng là sản phẩm phổ biến, có sẵn trên thị trường.
Ngoài ra, phương án thiết kế có đề cập đến một số giải pháp tiết kiệm năng lượng: sử dụng mái kính lấy sáng, thông gió tự nhiên cho các khu vực không gian chính, công cộng. Bố trí cảnh quan, sân vườn để đảm bảo không gian xanh, thân thiện môi trường.
3.Quy mô, mặt bằng nhà ga:
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh. Nhà ga được hiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng và 1 tầng lửng. Tổng diện tích sàn 405.793 m2, được thiết kế từ trên xuống như sau:
+ Tầng lửng (cao độ +20m): Có diện tích sàn S=4.150m2;
+ Tầng 4 (cao độ +15m): Có diện tích sàn 45.840m2;
+ Tầng 3 (cao độ +10m): Có diện tích sàn 45.810m2;
+ Tầng 2 (cao độ +5m): Có diện tích sàn 168.653m2;
+ Tầng 1 (cao độ +0m): Có diện tích sàn 141.340m2;
- Phương án dự thi bố trí nhà để xe phía trước nhà ga, diện tích 163.410m2.
Mặt bằng nhà ga được bố trí tách biệt giữa quy trình khai thác quốc tế và quốc nội, hợp lý với tỷ lệ khách quốc tế là 80% và khách quốc nội là 20%.
Phương án dự thi thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Phương án dự thi bố trí các khu vực chức năng chính của nhà ga hàng không theo đúng các quy chuẩn hiện hành (Khu vực kinh doanh dịch vụ thương mại; khu vực dịch vụ phòng chờ CIP/ VIP, phòng chờ Airlines).
PHƯƠNG ÁN 6 - CÁNH BƯỚM
Phối cảnh |
Nội thất |
Ngoại thất |
1. Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Quy hoạch mặt bằng tổng thể nhà ga không thay đổi so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên phương án đề xuất giải pháp về kết nối giao thông (cụ thể là giao thông đường bộ/đường sắt) cơ bản thay đổi nhưng vẫn đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, sân đỗ ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các công trình lân cận, đảm bảo khai thác đồng bộ và đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không.
2. Ý tưởng, giải pháp thiết kế công trình:
a) Ý tưởng thiết kế:
Tác giả sử dụng hình ảnh cánh bướm (butterfly) để đưa vào thiết kế hình khối nhà ga trong tổng mặt bằng cảng hàng không. Ngoài ra hình ảnh nón lá Việt Nam cũng được đưa cách điệu tại các đỉnh cột trong nội thất của công trình. Các thiết kế hình nón lá này vừa mang tính trang trí vừa có chức năng tán xạ ánh sáng tự nhiên vào trong không gian nội thấtcông trình.
Tác giả thiết kế nhà ga theo phong cách hiện đại và nghiên cứu phát triển hình khối công trình theo từng giai đoạn để phù hợp với tổng mặt bằng cảng hàng không.
b) Giải pháp thiết kế:
- Giải pháp kết cấu: Phương án dự thi đề xuất hệ kết cấu chịu lực chính sử dụng vật liệu là BTCT và thép, giải pháp kết cấu như sau:
- Kết cấu phần thân: bê tông cốt thép; hệ vách kính bao chesử dụng hệ dàn phẳng kết hợp thanh căng ở giữa nhịp.
- Kết cấu mái: Hệ dàn kết cấu thép được đỡ bởi hệ cột cách điệu theo yêu cầu kiến trúc.
- Giải pháp sử dụng vật liệu:
Sử dụng chủng loại vật liệu tương ứng với từng khu vực chức năng của nhà ga. Vật liệu phổ biến, có sẵn trên thị trường, đảm bảo điều kiện cung cấp, sửa chữa, bảo trì thuận lợi.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng cho công trình và có thiết kế thân thiện với môi trường, phương án dự thi nghiên cứu, phân tích các yếu tố như: chiếu sáng tự nhiên, hướng gió, nhiệt độ, độ ẩm tác động đến công trình.
3.Quy mô, mặt bằng nhà ga:
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh. Nhà ga được hiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng, chiều cao đỉnh mái là 40m. Tổng diện tích sàn 415.348 m2, được thiết kế từ trên xuống như sau:
+ Tầng 3 (cao độ +10m): Có diện tích sàn 165.340m2;
+ Tầng 2 (cao độ +4m): Có diện tích sàn 85.828m2;
+ Tầng 1 (cao độ +0m): Có diện tích sàn 162.988m2;
+ Tầng hầm cao độ -6m, gồm các khu vực chức năng:Bãi đỗ xe; khu vực vận chuyển trung tâm (GTC); khu vực kinh doanh dịch vụ, quầy làm thủ tục (cho phát triển tương lai);
+ Tầng hầm cao độ -12m, gồm các khu vực chức năng:Khu vực xử lý hành lý; APM và đường sắt.
Mặt bằng nhà ga được bố trí tách biệt giữa quy trình khai thác quốc tế và quốc nội, hợp lý với tỷ lệ khách quốc tế là 80% và khách quốc nội là 20%.
Phương án dự thi thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Phương án dự thi bố trí các khu vực chức năng chính của nhà ga hàng không theo các quy chuẩn hiện hành.
PHƯƠNG ÁN 7 - LÁ CỌ
Phối cảnh |
Nội thất |
Ngoại thất |
1.Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Phương án đề xuất quy hoạch mặt bằng tổng thể nhà ga để đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, nhà để xe ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các hạng mục tiện ích khác (ga hàng hóa, đường sắt, đài chỉ huy, đường lăn, giao thông đường bộ,…), đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không và đảm bảo khai thác đồng bộ với các giai đoạn phát triển của dự án trong tương lai.
Phương án dự thi đề xuất điều chỉnh góc mở của 2 cánh nhà ga (từ 300 lên 600) đồng thời có thay đổi sơ đồ bố trí, vận hành sân đậu nhằm tăng tính hiệu quả, linh hoạt.
2. Ý tưởng, giải pháp thiết kế công trình:
a) Ý tưởng thiết kế:
Phương án kiến trúc nhà ga lấy ý tưởng từ hình ảnh lá cọ, dừa nước áp dụng vào thiết kế phần mái công trình. Tác giả muốn mang đến một hình ảnh nhà ga hàng không đậm chất văn hóa địa phương. Bố cục không gian khu vực nhà ga đi được thể hiện ý tưởng như những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam. Phương án thiết kế cũng sử dụng giải pháp lệch tầng để phân chia các khu vực chức năng nhằm tạo không gian sinh động cho nhà ga kết hợp việc sử dụng các mảng xanh, cảnh quan nội thất trong công trình có điểm nhấn thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không năng động và hiện đại.
b) Giải pháp thiết kế: Phương án đề cập đến các thuận lợi, bất lợi của điều kiện tự nhiên ở địa phương để đưa ra giải pháp về kiến trúc, kết cấu và sử dụng vật liệu nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng cho công trình, thân thiện môi trường.
- Giải pháp kết cấu:
- Kết cấu phần thân: Hệ kết cấu khung cột, dầm, sàn BTCT.
- Kết cấu mái: Hệ kết cấu giàn không gian hoặc hệ kết cấu dàn phẳng.
- Giải pháp sử dụng vật liệu:
Sử dụng chủng loại vật liệu phù hợp với kết cấu và phù hợp với nhu cầu sử dụng cho các khu vực công năng trong nhà ga. Chủng loại vật liệu ngoại thất và nội thất đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ, đặc tính kỹ thuật của nhà ga hàng không. Vật liệu phổ biến, có sẵn trên thị trường, đảm bảo điều kiện cung cấp, sửa chữa, bảo trì thuận lợi.
3.Quy mô, mặt bằng nhà ga:
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh.Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng và 1 tầng lửng, chiều cao đỉnh mái là 45m. Tổng diện tích sàn 398.622 m2, được thiết kế từ trên xuống như sau:
+ Tầng lửng (cao độ +19m): Có diện tích sàn 2.161m2;
+ Tầng 4 (cao độ +15m): Có diện tích sàn 52.578m2;
+ Tầng 3 (cao độ +8,5m/+10m): Có diện tích sàn 73.452m2;
+ Tầng 2 (cao độ +5m/+6m): Có diện tích sàn 92.632m2;
+ Tầng 1 (cao độ +0m): Có diện tích sàn124.893m2;
Phương án dự thi bố trí nhà để xe phía trước nhà ga gồm 3 cao trình, có tổng diện tích sàn khoảng 88.633m2.
Mặt bằng nhà ga được bố trí tách biệt giữa quy trình khai thác quốc tế và quốc nội, hợp lý với tỷ lệ khách quốc tế là 80% và khách quốc nội là 20%.
Phương án dự thi thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) để đáp ứng công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Phương án dự thi bố trí đầy đủ các khu vực tiện ích của nhà ga hàng không theo đúng các quy chuẩn hiện hành (Khu vực kinh doanh dịch vụ hàng miễn thuế DFS, khu vực ăn uống, giải khát; phòng CIP, VIP, văn phòng, kho,…).
PHƯƠNG ÁN 8 - HOA SEN, TRỐNG ĐỒNG
Phối cảnh |
Nội thất |
1. Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Phương án đề xuất quy hoạch mặt bằng tổng thể nhà ga để đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, sân đỗ ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các công trình lân cận, đảm bảo khai thác đồng bộ và đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không.
2. Ý tưởng, giải pháp thiết kế công trình:
a) Ý tưởng thiết kế:
Tác giả sử dụng hình ảnh hoa sen để đưa vào thiết kế các họa tiết công trình (phần đỉnh cột nhà ga).
Phương án kiến trúc thể hiện hình thức kiến trúc theo phong cách hiện đại (với các mô tuýt trang trí và cách phối màu với gam màu trầm, hồng nhạt của sen và màu nâu thể hiện ở chi tiết đỉnh cột).
b) Giải pháp thiết kế:
- Giải pháp kết cấu: Phương án dự thi đề xuất hệ kết cấu chịu lực chính sử dụng vật liệu là BTCT và thép, giải pháp kết cấu như sau:
- Kết cấu phần thân: Hệ khung chịu lực Bê tông cốt thép (hệ cột đỡ mái được cấu tạo bởi hai phần: phần dưới là BTCT và phần trên là thép); Kết cấu gỗ dạng vòm thiết kế cấu tạo bởi hai phần lắp ghép vào nhau được liên kết với đỉnh cột và treo vào hệ kết cấu mái bởi các sợi cáp mỏng.
- Kết cấu mái: Hệ dàn kết cấu thép nhiều lớp và hệ cột bê tông đỡ giàn mái.
- Giải pháp sử dụng vật liệu:
Sử dụng các chủng loại vật liệu chính cho công trình: hệ kết cấu BTCT, dàn thép, mái kim loại, vách kính bao che,… và đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng cho công trình và thiết kế thân thiện với môi trường.
3.Quy mô, mặt bằng nhà ga:
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh.Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 5 tầng và một tầng hầm. Chiều cao công trình đến đỉnh mái là +40.0m. Tổng diện tích sàn là 342.223 m2, được thiết kế từ trên xuống như sau:
+ Tầng 5 (cao độ +21m): Có diện tích sàn 6.587m2;
+ Tầng 4 (cao độ +17m): Có diện tích sàn 6.899m2;
+ Tầng 3 (cao độ +12m): Có diện tích sàn 89.257m2;
+ Tầng 2 (cao độ +6.0m): Có diện tích sàn 82.744m2;
+ Tầng 1 (cao độ +0m): Có diện tích sàn 64.799m2;
+ Tầng hầm (cao độ -6.0m): Có diện tích sàn 91.937;
Phương án dự thi thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Phương án bố trí các khu vực chức năng chính của nhà ga hàng không theo các quy chuẩn hiện hành (Khu vực kinh doanh hàng miễn thuế DFS, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; khu vực dịch vụ phòng chờ CIP, VIP, văn phòng, kho,…).
PHƯƠNG ÁN 9 - LẠC HỒNG
Phối cảnh |
Nội thất |
Ngoại thất |
1.Quy hoạch vị trí và giải pháp kết nối của nhà ga:
Phương án đề xuất quy hoạch mặt bằng tổng thể nhà ga để đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đậu tàu bay, sân đỗ ô tô, đường giao thông ra vào sân bay và các công trình lân cận, đảm bảo khai thác đồng bộ và đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không.
2.Ý tưởng, giải pháp thiết kế:
a) Ý tưởng thiết kế:
Tác giả lấy ý tưởng là đan kết không gian (thể hiện qua các nghiên cứu hình ảnh kết cấu, cây, nón, rổ) đưa vào thiết kế của phần mái trung tâm nhà ga (hình tròn) và vào thiết kế mặt bằng khu vực chức năng, 04 nhóm cột thép tại không gian sảnh chính và sảnh bên ngoài.
b) Giải pháp thiết kế:
- Giải pháp kết cấu: Phương án dự thi đề xuất hệ kết cấu chịu lực chính sử dụng vật liệu là BTCT và thép, giải pháp kết cấu như sau:
- Kết cấu phần thân: Sử dụng hệ kết cấu dầm sàn bê tông cốt thép hoặc sàn nấm.
- Kết cấu mái: Hệ kết cấu thép nhẹ; hệ cột đỡ mái tổ hợp từ 8 cột nhỏ đan kết với nhau hoặc hệ khung thép tổ hợp được cấu tạo bởi ba lớp giằng vào nhau tạo thành hệ khung cứng 6 cạnh.
- Giải pháp sử dụng vật liệu:
Sử dụng các chủng loại vật liệu chính cho công trình: hệ kết cấu BTCT, dàn thép, mái kim loại, vách kính bao che,… và một số giải pháp nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng cho công trình.
3.Quy mô, mặt bằng nhà ga:
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh. Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 3 tầng và một tầng hầm. Chiều cao công trình đến đỉnh mái là +32.5m. Tổng diện tích sàn là 394.728 m2, được thiết kế từ trên xuống như sau:
+ Tầng 3 (cao độ +12.5m): Có diện tích sàn 7.906m2;
+ Tầng 2 (cao độ +7.5m): Có diện tích sàn 175.148m2;
+ Tầng 1 (cao độ +0.00m): Có diện tích sàn 191,313m2;
+ Tầng hầm (cao độ -5.0m): Có diện tích sàn 20.361m2;
Phương án dự thi thể hiện sơ đồ quy trình hàng không (bao gồm quy trình khách đi quốc tế/quốc nội, quy trình khách đến quốc tế/quốc nội, khách nối chuyến, quy trình xử lý hành lý…) để đáp ứng công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm với mô hình an ninh soi chiếu tập trung.
Phương án dự thi bố trí các khu vực tiện ích của nhà ga hàng không theo đúng các quy chuẩn hiện hành (Khu vực kinh doanh hàng miễn thuế DFS, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; khu vực dịch vụ, phòng chờ CIP, VIP, văn phòng, kho…).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận