Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo đánh giá yếu tố cản trở tiến độ giải cứu bé trai là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, về thiết bị điều động từ nơi xa đến nên mọi thứ không chủ động được.
Theo ghi nhận, hiện trường xảy ra sự việc cách đường dân sinh khoảng 500m (đường ven kênh An Phong - Mỹ Hòa, ấp 2, xã Phú Lợi). Con đường chính dẫn vào nơi xảy ra vụ việc toàn đất đá nham nhở, độ rộng mặt đường hẹp và bên bồi bên lở có nguy cơ sụt lún nếu phương tiện trọng tải lớn đi qua khiến xe chuyên dụng không thể tiếp cận.
Đoạn ống vách được đóng trên xuống mặt đất, bao bọc bên ngoài trụ bê tông nơi bé trai bị kẹt
Vì thế, các thiết bị chuyên dụng được vận chuyển thay thế bằng nhân lực khiêng vác, xe máy, ghe ven mương. Thêm vào đó, tại tuyến đường thủy vào hiện trường là kênh Rọc Sen, có luồng thủy hẹp và cạn nên sà lan và tàu thuyền qua lại gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng phải phát quang cỏ cây hai bên mới có không gian cho tàu thuyền ra vào hiện trường thuận tiện. Do đó, công đoạn di chuyển bị kéo dài thời gian.
Đến đêm 3/1, các đơn vị thi công vẫn tập trung thực hiện phương án mới bằng các biện pháp kỹ thuật đưa ống thép sâu xuống lòng đất, bao quanh ống trụ bê tông bé trai lọt vào.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, cho biết, đến đêm 3/1, việc rút cọc bê tông lên khỏi mặt đất vẫn chưa thực hiện được như tiến độ dự tính.
Trong quá trình thực hiện giải cứu bé trai 10 tuổi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, cho rằng, các đơn vị thi công, cứu hộ gặp nhiều khó khăn, do thiết bị, máy móc chuyển từ nơi khác đến; phần đất sâu sét, cứng,… dẫn đến thời gian giải cứu bé trai bị kéo dài.
Trước đó, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, từ 3h sáng 3/1, lực lượng cứu hộ đã đóng một đoạn ống vách xuống mặt đất, vị trí nằm bao bọc bên ngoài lòng cọc bê tông nơi bé trai bị kẹt lại.
Đoạn ống vách có chiều dài 19m, đường kính 1,5m được nhiều thiết bị, phương tiện hỗ trợ thực hiện đóng xuống mặt đất.
Dự kiến chiều nay sẽ hoàn thành đưa cọc bê tông lên. Khi đưa được ống lên mặt đất, đơn vị công binh của Quân khu 9 sẽ nội soi, thăm dò xem bé trai mắc kẹt đoạn nào trong ống, sau đó dùng cưa cắt ống đưa bé ra ngoài.
Hiện lực lượng cứu nạn cứu hộ đang sử dụng nhiều thiết bị, phương tiện chuyên dụng để tiến hành phương án cứu hộ nạn nhân trong thời gian sớm nhất.
“Đến gần 11h trưa 3/1, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục triển khai dùng mũi khoan guồng xoắn để làm tơi đất, giảm áp lực ma sát vào thành ống bê tông, đến thời điểm thích hợp sẽ dùng cẩu đưa ống bê tông lên mặt đất.
Thời điểm hiện tại công việc vẫn đang tiếp diễn, phía tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo để cứu hộ hữu hiệu, rút ngắn thời gian...", ông Bửu cho biết.
Như Báo Giao thông đưa tin, khoảng 11h45 ngày 31/12, em Thái Lý Hạo Nam (con trai anh Thái Văn Tấn Tài, ngụ ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) cùng 3 bạn chung xóm vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi để nhặt sắt.
Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận