Xã hội

Chủ động sắp xếp lại các cơ quan báo chí, không chờ quy hoạch

11/08/2017, 07:16

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết như trên tại Hội nghị Tập huấn công tác chủ quản báo chí...

6

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị tập huấn

Văn bản khiếu nại báo chí ngày càng tăng

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, thời gian qua, các cơ quan báo chí cơ bản đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước. Báo chí đã thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của người dân.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, thống kê gần đây cho thấy, các văn bản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại báo chí ngày càng tăng. Có tình trạng báo chí chỉ nghe một chiều rồi đăng tin, sau đó báo này chuyển thông tin cho báo kia, dẫn đến tình trạng sai có hệ thống, sai hàng loạt.

Theo thống kê, đến tháng 6/2017, cả nước có 832 cơ quan báo, tạp chí in; 150 cơ quan báo điện tử đã được cấp phép (trong đó 125 cơ quan báo in thực hiện loại hình điện tử), 67 đài phát thanh truyền hình địa phương. Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ; trên 35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí.

Đặc biệt, một số nhà báo, phóng viên của cơ quan báo chí có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam. Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng, có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo, giám sát cơ quan báo chí, không chỉ về việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí mà cả về hoạt động nghiệp vụ, đạo đức người làm báo. Ông Bảo cũng chỉ ra một khuyết điểm khác của báo chí, là việc thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ được quy định trong giấy phép.

“Đặc biệt là báo của một số hội nghề nghiệp, sinh ra tờ báo nhưng không phục vụ đúng đối tượng của mình”, ông Bảo nhấn mạnh và cho biết thêm, tới đây, sau khi Thủ tướng ký ban hành quy hoạch báo chí đến năm 2025, bộ có thể sẽ rà soát và cấp lại giấy phép cho các cơ quan báo chí. “Nếu không siết lại sẽ rơi vào tình trạng báo chí rất đông nhưng thông tin trùng lặp, không đáp ứng đa dạng đối tượng bạn đọc trong xã hội; cùng một thông tin nhưng rất nhiều báo đưa dù chẳng liên quan đối tượng độc giả chính của mình, trong khi có những vấn đề rất thiết thực với đối tượng phục vụ chính của mình thì lại không đưa”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nói.

Gánh nặng khi báo chí hoạt động không hiệu quả

Đề cập đến thực tế một số báo chí thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, nhân dân, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhận định, nguyên nhân trước hết có lẽ là việc lựa chọn lãnh đạo cơ quan báo chí của các cơ quan chủ quản chưa tốt. Không ít cơ quan chủ quản đã bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, không đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm theo quy định.

Cùng với đó, một số cơ quan chủ quản đề nghị thành lập cơ quan báo chí khi chưa đủ các điều kiện về trụ sở, trang thiết bị, nguồn tài chính, tổ chức, bộ máy... Tình trạng này diễn ra chủ yếu đối với báo của các hội, bản thân kinh phí của hội đã khó khăn, dẫn đến tình trạng xin ra tờ báo rồi khoán trắng cho cơ quan báo chí, rồi cơ quan báo chí lại bằng mọi cách để kiếm tiền, dẫn đến chuyện để phóng viên đi gây sức ép với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để kiếm tiền.

Trước thực tế ấy, trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí của cơ quan, đơn vị, ngành mình theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt, phải kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm, chương trình giải trí xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng hoặc để sai phạm kéo dài. “Các bộ, ngành chắc cũng thấy gánh nặng khi báo chí hoạt động không hiệu quả, khi xảy ra sai sót thì cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm liên đới. Tôi nghĩ các đồng chí nên chủ động sắp xếp lại cơ quan báo chí cho phù hợp, không chờ quy hoạch, thì các bước đi sẽ đảm bảo hiệu quả hơn”, ông Bảo lưu ý.

Ngoài ra, những vấn đề liên quan tới phóng viên thường trú, văn phòng đại diện hiện đang có rất nhiều nhức nhối nên cũng được lãnh đạo Bộ TT&TT nhắc nhở. “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan báo chí. Nhưng các cơ quan chủ quản cũng phải lưu ý, khi phóng viên thường trú có vấn đề thì cũng phải vào cuộc, không nên khoán trắng cho cơ quan báo chí”, ông Bảo lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.