Xe chở quá khổ, quá tải lưu thông đoạn qua xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn |
Hậu quả của tình trạng này khó đong đếm hết, ngoài làm giảm tuổi thọ cầu, đường, lãng phí vốn đầu tư còn khiến tài xế điều khiển phương tiện khó khăn hơn, dễ gây ra TNGT hơn.
Để cạnh tranh, một số chủ xe sẵn sàng nhận chở quá tải, thậm chí hạ giá cước vận tải để giành giật khách hàng. Khi lưu thông trên đường, ngoài việc buộc hạ tải, lái xe còn phải chịu các chế tài xử phạt về tiền, tước giấy phép lái xe, dù họ chỉ là người làm thuê. Trong khi chủ hàng là người được hưởng lợi trực tiếp từ việc chở quá tải, được giá rẻ, nhưng họ không chịu trách nhiệm gì khi xe bị xử lý chở quá tải. Điều này rõ ràng là bất cập lớn.
Sau gần 3 năm ráo riết vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương, xe quá tải đã giảm đến 90%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên nhiều tuyến đường và tại nhiều địa phương, xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại. Điều này cho thấy, bài toán chống xe chở hàng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những biện pháp xử lý lái xe chở quá tải chỉ giải quyết phần ngọn, chưa xử lý được tận gốc.
Để loại bỏ hoàn toàn vấn nạn quá tải, phải có những biện pháp mạnh hơn, trong đó nên quy định rõ ràng nghĩa vụ và quyền hạn cho từng khâu, từ công ty xếp dỡ, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải. Cần có nhiều bộ phận giúp cho lái xe không chở quả tải, đảm bảo an toàn trên đường và không bị xử phạt. Chủ hàng có trách nhiệm xác nhận, có nghĩa họ xác nhận trách nhiệm của mình trong việc đồng ý để lái xe chuyên chở loại hàng và lượng hàng như thế nào trong suốt hành trình và quy định rõ trong hợp đồng. Do đó, phải gắn trách nhiệm của chủ hàng vào việc bảo vệ kết cấu hạ tầng, vì chủ hàng là mắt xích kiếm lợi trực tiếp từ hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa nên không thể vô can.
Bên cạnh việc quy định trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng, phải quy định cơ chế phối hợp để kiểm tra, xử lý tình trạng xe chở quá tải. Nếu cá nhân, người đứng đầu đơn vị nào để xảy ra tình trạng xe chở quá tải gây tai nạn trên phạm vi đơn vị, địa phương mình quản lý, người đứng đầu phải bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật theo pháp luật hiện hành, kể cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, quy trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị quản lý nhà nước như: CSGT, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương. Nếu để xảy ra xe chở hàng quá tải trong phạm vi mình quản lý, người đứng đầu phải bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật. Như vậy, việc kiểm tra tải trọng xe sẽ được thực hiện ngay tại gốc là các điểm xuất phát hàng hóa, tránh tình trạng để xe quá tải lưu thông ra ngoài đường rồi mới kiểm tra xử phạt.
Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận