Bán đảo Sơn Trà hiện có đến 25 dự án |
Đây được xem là tiếng nói khá hiếm hoi thể hiện quan điểm chính thức của Đà Nẵng về “điểm nóng” Sơn Trà và vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia này đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Theo ông Thơ, không phải đến khi báo chí phản ánh, Đà Nẵng mới lên tiếng về vấn đề Sơn Trà. Bản thân chính quyền Đà Nẵng đã chủ động đề xuất Chính phủ rà soát lại quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Lãnh đạo thành phố luôn nghĩ phải tìm sự cân bằng hợp lý, tích cực giữa bảo tồn sinh thái về rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên với việc khai thác Sơn Trà nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan Thư kiến nghị của 17 cựu cán bộ trung, cao cấp nghỉ hưu tại Đà Nẵng gửi Tổng Bí thư cùng nhiều lãnh đạo T.Ư về quy hoạch Sơn Trà, ông Thơ cho biết, thành phố chưa nhận được kiến nghị nào từ các vị này. Không cho rằng các vị hưu trí mất lòng tin vào chính quyền nên mới kiến nghị vượt cấp, ông Thơ cho hay có thể các vị này thiếu thông tin việc phân cấp quản lý, chỉ nghĩ việc quyết định thuộc về T.Ư nên mới gửi thư ra Hà Nội. |
Ông Thơ cho biết, về mặt dư luận có nhiều luồng ý kiến đề nghị giữ nguyên trạng, nhưng chưa rõ giữ nguyên là như thế nào, bởi một số chủ đầu tư đã và đang xây dựng công trình trên Sơn Trà. Một quan điểm khác là tối đa hóa bảo tồn, giảm tối thiểu phát triển và quan điểm thứ ba là cân bằng cho phù hợp. Theo ông Thơ, tất cả quan điểm về Sơn Trà cần trên tinh thần khoa học, cầu thị và tích cực, không để yếu tố kinh tế lấn át, làm phương hại đến giá trị tự nhiên, hệ sinh thái của Sơn Trà. Thành phố cần thời gian để tính toán, đảm bảo đưa ra giải pháp hiệu quả, thỏa mãn nhất.
Cũng theo ông Thơ, sau nhiều cuộc họp, thành phố nghiêng về phía bảo tồn sinh thái, nhưng vẫn phải tính đến phát triển kinh tế. Đà Nẵng đang rà soát để báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8 và “giải bài toán này không đơn giản”. Đà Nẵng cam kết không vì giá trị kinh tế làm mất đi giá trị đặc sắc của Sơn Trà.
Thống kê từ Sở Xây dựng Đà Nẵng, trên bán đảo Sơn Trà hiện có đến 25 dự án, trong đó 18 dự án phát triển du lịch và diện tích đất (gồm đất giao 77ha, đất thuê 800ha và đất giao để quản lý hơn 500ha), tổng cộng là 1.400ha. Đa phần các dự án đều đã đóng tiền, lấy sổ từ 5 - 7 năm trước. Riêng, đất giao quản lý để trồng rừng là của thành phố, không giao cho ai nên thành phố đang tính thu hồi lại.
Theo ông Thơ, việc giải quyết cần có tình, có lý, thái độ thích hợp, khoa học chứ không nên cực đoan, nếu dừng dự án lúc này sẽ bị doanh nghiệp khởi kiện. Doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh bức xúc, áp lực tiền vay ngân hàng, trong khi dự án bị tạm dừng. Ông Thơ cho hay, đang chờ Bộ VH,TT&DL tổ chức một số hội thảo về Sơn Trà để Đà Nẵng được lắng nghe góp ý, kết hợp chính kiến của mình nhằm đưa ra giải pháp tối ưu nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận