Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và cử tri cả nước - Ảnh: TTXVN |
Ngay sau đó, tân Chủ tịch nước tiến hành nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội và có bài phát biểu trước Quốc hội và cử tri cả nước qua sóng phát thanh và truyền hình trực tiếp. Báo Giao thông trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu này.
"Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng |
Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như tôi vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước. Sau đây tôi xin có một vài ý kiến có tính chất báo cáo thêm, giãi bày tâm tư, tình cảm của mình trước sự kiện này để mong được các đồng chí và các vị cùng chia sẻ.
Chắc có đại biểu muốn biết, tâm trạng của tôi lúc này thế nào. Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình.
Đây là tâm tư, suy nghĩ thật lòng của tôi, cũng giống như tâm trạng của tôi cách đây hơn 12 năm, khi tôi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XI. Tôi nhớ hôm đó là vào ngày 26/6/2006, hồi 16h, Quốc hội bầu tôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Lúc ấy tôi cũng vừa mừng, vừa lo, phần lo là nhiều hơn, vì tôi chưa từng làm Chủ tịch Quốc hội bao giờ, chưa quen với công việc của Quốc hội (lúc bấy giờ tôi đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, phụ trách công tác lý luận của Đảng). Tôi lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không. Khi phát biểu trước Quốc hội, tôi đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều:
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay!
Và bây giờ đây, tâm trạng tôi cũng tương tự như thế, thậm chí có phần còn lo lắng hơn. Vì sao? Bởi vì 3 lý do: Một là tình hình đất nước bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản cũng đang có không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay; nhưng đất nước cũng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được; chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.
Hai là hiện nay cùng với giữ chức Chủ tịch nước, tôi vẫn đang gánh chức Tổng Bí thư của Đảng, công việc rất nhiều, lại đang phải chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ba là trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp; điều đó cũng không có gì lạ.
Vì vậy, tôi rất mong được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và đồng bào cảm thông, chia sẻ, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện; các cơ quan liên quan như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan tư pháp, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao, giúp cho tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Riêng về phần cá nhân, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định và Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã giao phó.
Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội, cảm ơn đồng bào, cử tri cả nước. Chúc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV của chúng ta thành công tốt đẹp!
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được QH bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 - Ảnh: TTXVN |
Trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Bí thư Tổng Bí thư chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, cùng Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chịu trách nhiệm trước toàn đảng và toàn dân về sự lãnh đạo trên mọi lĩnh vực công tác. Tổng Bí thư chủ trì công việc thường nhật của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Quân ủy T.Ư. Tổng Bí thư chỉ đạo tổ chức, quán triệt triển khai thực hiện sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quy chế thông báo của Đại hội Đảng, Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Tổng Bí thư thi hành thẩm tra việc tuân thủ Điều lệ Đảng, cương lĩnh chính trị, nghị quyết Đại hội Đảng... trong các tổ chức cơ quan của Đảng. Tổng Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Bí thư Quân ủy T.Ư, trực tiếp chỉ đạo những vấn đề về quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của T.Ư. Tổng Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. (Trích Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XII) |
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: 1. Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất; 2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; 3. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TAND Tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện KSND Tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá; 4. Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng Nhà nước, danh hiệu vinh dự Nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam; 5. Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; 6. Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước... Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ; có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. (Trích Hiến pháp năm 2013) |
Lần thứ ba có người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước Với việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước ngày 23/10, đây là lần thứ 3 nước ta có người đứng đầu Đảng, đồng thời là người đứng đầu Nhà nước. Trước đó, năm 1945, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, giữ chức vụ cao nhất trong Đảng. Đồng thời khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là Chủ tịch nước và giữ hai cương vị đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước đến tháng 9/1969. Tháng 7/1986, khi Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần, tại Hội nghị đặc biệt BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khi đó là ông Trường Chinh đã được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư và đảm nhiệm đến tháng 12/1986. Từ đó đến nay đã qua nhiều nhiệm kỳ, 4 chức danh chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội luôn được đảm nhận bởi 4 nhà lãnh đạo khác nhau. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận