Chủ tịch Quốc hội khoá XIV Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời nhiều câu hỏi của báo chí đặt ra tại buổi gặp gỡ sáng 23/7 |
Sáng 23/7, các lãnh đạo Quốc hội khoá XIV đã có buổi gặp gỡ báo chí dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đã thẳng thắn chia sẻ nhiều quan điểm về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong các hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng trả lời rất nhiều câu hỏi về các vấn đề "nóng" mà báo chí đặt ra.
Báo Giao thông lược ghi nội dung buổi trao đổi giữa Chủ tịch Quốc hội khoá XIV và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tránh tham nhũng ngay từ chủ trương
Trong phần phát biểu của mình, bà nói sẽ phát huy kinh nghiệm của những người tiền nhiệm. Vậy kinh nghiệm nào của người tiền nhiệm khoá XIII là ông Nguyễn Sinh Hùng khiến bà tâm đắc nhất?
Thời làm ở Bộ Tài chính cũng như khi nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng làm Phó Thủ tướng và tôi làm thành viên Chính phủ, tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm. Tôi thấy bản lĩnh chính trị và tính quyết đoán là hai yếu tố quan trọng nhất: Bản lĩnh chính trị khi đứng trước những quyết định hết sức khó khăn và tính quyết đoán khi thấy những vấn đề đó là đúng, nếu quyết đoán của mình sai thì sẵn sàng nhận trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt tay Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng |
Hiến pháp luôn ưu tiên quyền công dân nhưng đến nay, Luật biểu tình vẫn lùi vô thời hạn. Vậy khoá XIV, Quốc hội có trả món nợ Luật biểu tình cho dân không?
Hiện nay Luật biểu tình liên quan nhiều đến quyền công dân, mà tinh thần Hiến pháp luôn đề cao quyền này, việc lùi lại là để nghiên cứu một cách căn cơ, thấu đáo cho phù hợp với tình hình thực tiễn, ban hành ra sao để vừa phù hợp với dân nhưng vẫn đảm bảo lợi ích đất nước, phải hài hoà lợi ích chứ không thể coi nhẹ bên này hay bên kia cả.
Ban hành luật phải đảm bảo không gây rối loạn đất nước. Theo tinh thần đó, Luật biểu tình sẽ được Quốc hội nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy dân chủ của Quốc hội, Quốc hội cần tập trung vào nội dung gì?
Quốc hội là dân, do dân bầu ra, nói tiếng nói của dân, nghe được hơi thở, cuộc sống, tâm tư của dân. Tất cả phải trở thành cuộc thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, làm sao để 3 chức năng cơ bản của QH là lập pháp, giám sát, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước được làm thật tốt. Làm tốt những cái đó chính là dân chủ.
Trong phát biểu phiên khai mạc Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn các ĐBQH kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, bà sẽ tạo điều kiện thế nào cho các ĐBQH đấu tranh chống tham nhũng?
Khi tuyên thệ chúng tôi không nhắc đến quan liêu, tham nhũng, nhưng nói “Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân” chính là chống quan liêu, tham nhũng, rà soát chính sách cho phù hợp để không còn kẽ hở cho tham nhũng. Chúng ta cũng đang thực hiện chương trình cải cách hành chính cả về chính sách, con người và pháp luật. Luật ban hành rồi thì Quốc hội phải đi giám sát xem việc vận dụng luật có đúng hay không.
Trong việc quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước như khi thông qua chủ trương về dự án sân bay Long Thành, chúng tôi kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chủ trương. Đó là ngay từ đầu đặt ra những vấn đề: có nên làm hay không, ai làm, đền bù cho dân bao nhiêu, tác động đến dân thế nào… Chúng tôi tính hết, làm hết những việc đó đó là Quốc hội đã phòng tránh được tham những ngay từ khi lập chủ trương, còn sau đó là chức năng giám sát của các cơ quan liên quan.
Nợ công đang được Quốc hội kiểm soát
Nhiều người nhận định, có khả năng nợ công vượt giới hạn Quốc hội cho phép? Nếu điều này xảy ra ai chịu trách nhiệm? Bà sẽ làm gì để giảm nỗi lo của dân về nợ công?
Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ nợ công. Việc quyết định bội chi hàng năm bao nhiêu, trái phiếu bao nhiêu đều có Nghị quyết của QH, trước đây theo Nghị quyết của QH, nợ công không được quá 65%, trong kỳ họp thứ 10, QH đã thảo luận vấn đề này rất nhiều và quyết tâm kỳ này sẽ tính lại cách xác định nợ công cho đúng, kiểm soát chặt chẽ nợ công, có những báo cáo nợ công riêng cho Quốc hội thảo luận. Hiện nay nợ công vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Có an toàn hay không không phải trên hay dưới 65% mà là vấn đề đã vay thì đến thời hạn phải trả được, và vay để làm việc đó có hiệu quả hay không, đó mới là an toàn của nợ công.
Hiện nay nợ công đang có một vấn đề là chúng ta vẫn kiểm soát nợ công nhưng đến thời hạn trả nợ chúng ta lại khó khăn, không đủ nguồn lực, có tình trạng vay để đáo hạn, vay mới để trả nợ cũ. Chúng tôi sẽ cho thay đổi cơ cấu nợ trong nước và nợ nước ngoài, thay đổi vay ngắn hạn sang trung và dài hạn để giảm áp lực trả nợ…
Quốc hội sẽ kiểm soát tốt để đảm bảo Việt Nam không đi vào vết xe đổ của một số nước. Chúng ta vay để đầu tư phát triển là cần thiết nhưng nhất thiết sẽ kiểm sát nợ công. Khoá trước không làm được nhưng khoá này sẽ cố gắng đưa vào mức an toàn.
Quốc hội giám sát Formosa
Mới đây ĐBQH Trương Trọng Nghĩa từng đề xuất lập uỷ ban lâm thừoi điều tra Formosa, xin bà cho biết quan điểm cá nhân của mình?
Hiện nay chưa có chủ trương này. Để có kết luận về Formosa, Chính phủ đã rất cố gắng, huy động nhà khoa học trong và ngoài nước, điều tra thực địa để cuối cùng Formosa phải cúi đầu nhận lỗi, cam kết bồi thường và khắc phục sự cố. Đó là thắng lợi bước đầu của chúng ta. Dân nói là chậm nhưng không nhanh được đâu, phải có bằng hứng khoa học, có căn cứ họ mới nhận tội, đó là cả quá trình đấu tranh.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện giám sát. Bộ Chính trị đã nhiều phiên họp nghe báo cáo và chỉ đạo chặt chẽ, Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát bằng hình thức thích hợp chứ chưa nhất thiết phải thành lập uỷ ban lâm thời.
Rất đông các phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí tham dự buổi gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Chủ tịch nói đến sự trao đổi, gần gũi của ĐBQH với báo chí, nhưng trong vụ Formosa báo chí rất khó tiếp cận một vài ĐBQH, cụ thể là đồng chí Võ Kim Cự - nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Bà có quan điểm gì trước vấn đề như thế?
Vấn đề Formosa, bản thân chúng tôi biết cặn kẽ nguyên nhân, còn có những ĐBQH ở các địa phương khác có khi không biết được. Không phải ĐB nào cũng nắm được nguyên nhân sâu xa, xử lý tới đâu, như thế nào. Ông Võ Kim Cự tránh thì đó là quyền của ông Cự, nhưng sự việc xảy ra khi mình làm lãnh đạo thì mình phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, để báo chí thông tin kịp thời còn hơn cứ mập mờ, tránh né. Đừng có khoát tay từ chối báo chí nhìn không hay chút nào, hình ảnh đó đưa lên là làm mất hình ảnh của ĐBQH. Trong sinh hoạt của Quốc hội, tôi sẽ đề nghị các ĐBQH cung cấp thông tin chính xác, trung thực, khách quan. Còn phát biểu theo cảm nhận của mình là quyền của ĐBQH. Tôi sẽ gặp ông Võ Kim Cự trao đổi về việc này.
Dự kiến trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ nhận báo cáo của Chính phủ về tình trạng cá chết. Bà nghĩ gì về báo cáo này? Dự kiến Quốc hội có giám sát lại hoạt động của Formosa, đặc biệt việc giao đất 70 năm cho Formosa và trách nhiệm của những người liên quan hay không?
Thực ra Quốc hội đang giao uỷ ban KH-CN-MT giám sát độc lập riêng để có đánh giá, phản biện để có cơ sở đánh giá, không chỉ riêng Formosa mà còn giám sát việc thực hiện pháp luật về môi trường trong phát triển kinh tế. Giám sát thì phải nói trách nhiệm của ai, nếu không dân không nghe đâu.
Thời gian qua xảy ra nhiều câu chuyện về bổ nhiệm nhân sự, Quốc hội lần này có giám sát không?
Chúng tôi sẽ giám sát thực hiện công vụ, đạo đức công vụ, có khi đúng quy trình nhưng không đúng tiêu chuẩn thì giám sát sẽ chỉ ra. Như chúng tôi làm luật đúng quy trình như thực tế vẫn có luật chưa khả thi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quan điểm Việt Nam kiêm định lập trường trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo |
Kiên định lập trường bảo vệ chủ quyền biển đảo
Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ được tiếp tục thực hiện như thế nào tại Quốc hội khoá XIV?
Việt Nam nhất quán một quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi, đó là vấn đề thiêng liêng với mỗi một người dân Việt Nam.
Người Việt Nam hơn bất cứ đâu đều yêu chuộng hoà bình. Vậy nên khi Biển Đông có nhiều tranh chấp "5 nước 6 bên", phải có nhiều biện pháp đấu tranh hoà bình để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho người dân.
Việt Nam yêu cầu các nước không đe dọa vũ lực, sử dụng vũ lực. Đât nước chúng ta rất khôn khéo từ thời xưa cho đến bây giờ và vì thế, nơi này, nơi khác có vấn đề này, nọ nhưng môi trường hòa bình của đất nước chúng ta. Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu.
Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình. Muốn giữ được chủ quyền biển đảo mà vẫn giữ được nền hòa bình và Việt Nam tôn trọng luật pháp Quốc tế.
Do đó, chúng ta không phải là một bên của tranh chấp, một bên của vụ kiện Philippines với Trung Quốc nhưng việc phán quyết của Tòa có liên quan đến quyền, lợi ích của chúng ta thì chúng ta phải quan tâm.
Sau khi phán quyết của Tòa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng và Người phát ngôn nói gì phải có chủ trương, chứ không phải nói gì là nói. Thủ tướng chúng ta đi đâu, nói gì cũng là chủ trương của chúng ta. Chủ trương là nhất quán, quan điểm nhất quán.
Chúng ta hoan nghênh phán quyết cuối cùng và chúng ta đang chỉ đạo nghiên cứu, bởi nó dày lắm 600 - 700 trang chứ không phải rút ra 4 vấn đề chính. Chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ xem những lời lẽ trong phán quyết đó có động chạm đến lợi ích của Việt Nam thì phải lên tiếng.
Nhưng trước hết là chúng ta hoan nghênh và luôn tôn trọng Luật pháp Quốc tế, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức tham gia. Chúng ta bình tĩnh, nghiêm túc nhận xét, đánh giá, để xem phán quyết đó .
Việt Nam anh hùng khi 75 ngày đêm giàn khoan cắm ở vùng thềm lục địa của chúng ta thì lực lượng ít, tàu nhỏ nhưng chúng ta vẫn luôn lúc nào cũng có mặt, để đấu tranh thực địa. Thậm chí, vòi rồng phun, bị đâm vỡ, hỏng tàu thì về sửa rồi lại tiếp tục đấu tranh.
Trên đấu tranh chính trị, có ý kiến không dùng vũ lực. Quốc hội chúng ta gửi thư cho tất cả Quốc hội các nước đề nghị ủng hộ cho Việt Nam. Các đoàn ngoại giao Việt Nam chủ động, tăng thêm,vận động quốc tế ủng hộ. Chúng ta cũng đưa 40 nhà báo nước ngoài, Việt Nam đi ra thực địa quay phim.
Để một phút những hình ảnh về công tác đấu tranh đó lên được đài CNN tốn rất nhiều tiền, để một phút đưa lên các đài nhiều nước xem tốn rất nhiều tiền nhưng Việt Nam vẫn cố gắng làm thực hiện, bằng mọi phương thức hoà bình, theo luật quy định để bảo vệ chủ quyền. Về chủ quyền biển đảo Quốc hội khóa XIV sẽ không có gì khác so với khóa XIII.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận