Điều tra

Chủ tịch xã làm chết người, chỉ bị án treo: Miễn bàn bản án có hiệu lực?

27/03/2019, 07:01

Ông Thụy gây tai nạn, nhờ người nhận tội thay chỉ bị 3 năm tù treo, bản án “nhẹ hều” khiến dư luận địa phương nghi vấn có bao che.

img
Chiếc xe gây tai nạn của bị cáo Phạm Văn Thụy

Đó là khẳng định của ông Ngô Thế Dự, Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên về bản án tuyên ông Phạm Văn Thụy, cựu Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) sau khi gây TNGT làm 4 học sinh thương vong, sau đó bỏ trốn khỏi hiện trường và nhờ người nhận tội thay chỉ bị 3 năm tù treo. Bản án “nhẹ hều” đang dậy sóng dư luận địa phương, nghi vấn bao che, chạy tội.

Hàng loạt khuất tất

Sau khi Báo Giao thông đăng bài viết “Kỳ lạ Chủ tịch xã làm chết người, nhờ nhận tội thay chỉ bị án treo” số ra ngày 18/2/2019 đã có rất nhiều ý kiến của độc giả bày tỏ quan điểm xung quanh việc này. Trong đó, có người cho rằng, đó là bản án thích đáng và hợp lý khi ông Thụy đã bồi thường cho người nhà nạn nhân. Nhưng số đông còn lại thì nhận định, bản án có “vấn đề” và chưa thỏa đáng. “Vô lý, đã gây tai nạn làm chết người lại còn bỏ trốn, thêm vào đó có hành vi chạy tội mà lại xử lý quá nhẹ. Phải chăng có dấu hiệu bao che ở đây?”, một độc giả bình luận.

Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự khi bỏ qua bước bắt buộc giám định thương tích của 3 nạn nhân bị thương trong vụ TNGT do ông Thụy gây ra. Nếu kết quả giám định tổn thương của tổng 3 nạn nhân là 201% thì hình phạt đối với ông Thụy phải phạt tù từ 7 -15 năm. Do bản án đã có hiệu lực pháp luật nên cần phải tiến hành thủ tục giám đốc thẩm để xem xét lại bản án này”.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Thế Dự, Viện trưởng VKS huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên), vụ án đã kết thúc điều tra, truy tố, tiến hành xét xử và bản án cũng đã có hiệu lực. Ngay từ đầu VKS đã đề nghị thẳng 3 năm án treo đối với ông Thụy, mà theo ông Dự thì bản án “phù hợp với tính chất, mức độ của vụ việc”. “Tất cả các tình tiết, nội dung, diễn biến, cân nhắc, nhận xét, quyết định như thế nào đã được phản ánh trong bản án”, ông Dự nói.

Khi PV đặt câu hỏi về việc VKS và TAND huyện Tiên Lữ khẳng định, ông Thụy không có tình tiết tăng nặng mặc dù bị cáo này bỏ mặc các nạn nhân và bỏ trốn khỏi hiện trường, thậm chí còn nhờ người nhận tội thay, ông Dự khẳng định: “Tình tiết tăng nặng gây tai nạn bỏ trốn đã được xác định là tình tiết định khung. Nên không còn tình tiết tăng nặng nào khác nữa”.

Với câu hỏi vì sao không bắt buộc đưa các nạn nhân bị thương đi giám định thương tích theo quy định, ông Dự cho rằng: “Nạn nhân và gia đình từ chối giám định và đó là quyền dân sự… Họ nhất quyết từ chối, nói không làm sao cả và đã bồi thường xong. Sao cứ phải đè sấp, đè ngửa người ta?”.

Ông Dự dẫn ví dụ: “Trong lúc nóng giận người ta chém nhau nhưng sau đó kìm chế, biết dại, biết sai nên lại xin nhau. Sao cứ ép đi giám định để bỏ tù? Luật quy định cho thỏa thuận, cho rút đơn phải đình chỉ. Vậy, cứ ép để làm gì? Người ta thỏa thuận, giữ ổn định tình làng nghĩa xóm, không khoét sâu thêm vào mâu thuẫn nữa. Như thế sẽ ổn định, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mà chính sách pháp luật quy định như vậy chứ chúng ta đừng xoáy vào tất cả những gì buộc phải làm. Làm xong xé to chuyện ra, mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân càng nặng nề hơn”.

Có ai thuê các anh bảo vệ họ đâu?

Tối 23/3/2018, Phạm Văn Thụy (lúc này là Chủ tịch xã Trung Nghĩa) điều khiển xe ô tô BKS 29A-105.65 chở theo 3 người đi trên QL38B. Khi đi đến địa phận thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, do không chú ý quan sát nên xe ô tô đã đi vào làn đường dành cho xe thô sơ và va chạm vào lan can chắn ở phía bên phải đường, tông trúng cháu Đoàn Trọng Hùng Anh (SN 2002), Nguyễn Đức Thuận (SN 2000) làm cháu Hùng Anh ngã ra đường, còn cháu Thuận bị va nhẹ vào tay trái. Ngay sau đó, xe ô tô tiếp tục đâm vào cháu Vũ Trọng Nam (SN 2000), Bùi Đăng Phát (SN 2001) đi bộ phía trước cùng chiều làm cháu Phát bật lên kính chắn gió và rơi xuống đường tử vong, còn cháu Nam bị văng ra phía bên trái đường, bị thương.
Ngay khi vụ tai nạn xảy ra, Báo Giao thông đã vào cuộc điều tra và phát hiện có việc ông Thụy nhờ người nhận tội thay. Tuy nhiên, sau đó người này chỉ bị phạt hành chính.

Khi PV đặt vấn đề người bị hại sẽ bị dẫn giải trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, vậy tại sao khi bản thân các nạn nhân và gia đình chỉ cần có đơn xin từ chối giám định thương tích, VKS, cơ quan điều tra lại dễ dàng bỏ qua bước điều tra quan trọng này, ông Dự dõng dạc nói: “Chúng tôi không có trách nhiệm trả lời các anh trong giai đoạn này. Bởi vì việc của chúng tôi đã truy tố, xét xử, đúng theo trình tự quy định pháp luật, bản án có hiệu lực… Anh không phải là người bảo vệ quyền lợi cho những người bị hại kia, anh chỉ tìm hiểu vậy thì anh tự đi tìm hiểu”(?).

“Người ta có thuê các anh không mà các anh đi bảo vệ quyền lợi cho người ta? Quyền lợi người ta đã được bảo đảm rồi thì thôi đi”, ông Dự tỏ ra bức xúc trước câu hỏi PV đặt ra.

Nói như ông Dự thì có thể hiểu, việc gia đình các nạn nhân đã nhận được tiền bồi thường từ phía ông Thụy đã đủ quyền lợi, mặc cho những đứa con của họ, có người đã ra đi mãi mãi và có người đang mang những vết sẹo đầy ám ảnh của vụ tai nạn mà cựu Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa đã gây ra?

Cũng liên quan đến vấn đề trên, Thiếu tá Phan Việt Anh, Phó trưởng Công an huyện Tiên Lữ khẳng định với PV rằng, cơ quan điều tra có ra quyết định trưng cầu giám định thương tích nhưng người nhà nạn nhân có đơn xin không giám định, việc này cũng đã được lập biên bản nhận đơn. Tuy nhiên, để xem lý do như thế nào thì phải rút hồ sơ kiểm tra lại.

“Trong quá trình điều tra luôn có sự giám sát của VKS. Khi có kết luận điều tra, VKS tiến hành truy tố và chuyển sang TAND xét xử, ra bản án. Do đó, đề nghị Báo Giao thông có công văn gửi một trong các cơ quan này để xem xét, kiểm tra”, Thiếu tá Việt Anh cho biết.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.