Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng Lê Trọng Tấn và Thượng tướng Hoàng Cầm là những người có nhiều cái “đầu tiên” và nhiều điểm chung trong cuộc đời binh nghiệp của họ.
Những cái “đầu tiên” đáng tự hào
Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914 -1986) tham gia Việt Minh từ năm 1944. Năm 1949, Trung đoàn 209 chủ lực của Liên khu 10 chuyển thành trung đoàn trực thuộc Bộ, ông được bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên. Ngày 27/12/1950, Đại đoàn 312 (Đại đoàn Chiến Thắng) được thành lập, ông là Đại đoàn trưởng kiêm chính ủy đầu tiên, khi mới 36 tuổi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy là đơn vị đánh trận mở đầu thắng lợi vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954.
Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 24/10/1973, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng), binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam bao gồm cả Sư đoàn 312 của ông trước đây được thành lập. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn được chỉ định là Tư lệnh đầu tiên. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cánh quân phía Đông do Trung tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy là đơn vị đầu tiên tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt sống và buộc nội các bù nhìn Dương Văn Minh đầu hàng, kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mỹ.
Thượng tướng Hoàng Cầm |
Thượng tướng Hoàng Cầm (1920 -2013) trưởng thành từ một chiến sĩ. Trong Kháng chiến chống Pháp, trong một trận đánh ông bị thương vào cánh tay phải và ngất đi.
Vết thương nặng để lại di chứng là không thể cầm bút viết bằng tay phải mà phải viết bằng tay trái, ông trở thành người thương binh có số thẻ 01, số đầu tiên. Trong Kháng chiến chống Mỹ, ông là Sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 9, một trong những sư đoàn thành lập đầu tiên ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Khi Quân đoàn 4 mang tên Binh đoàn Cửu Long được thành lập ngày 20/7/1974, Thiếu tướng Hoàng Cầm là Tư lệnh đầu tiên.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời, Quân đoàn 4 đã có chiến công đầu là đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long ngày 6 -1-1975. Chiến công có ý nghĩa chiến lược quan trọng, không chỉ làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, mà còn giúp ta khẳng định Mỹ không còn khả năng tiếp tục can thiệp vào miền Nam, giúp Bộ Chính trị nhận rõ hơn thời cơ thuận lợi để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chung một chiến hào
Lê Trọng Tấn và Hoàng Cầm là hai vị tướng gắn bó với nhau bởi quan hệ cấp trên – cấp dưới trong suốt các cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950, Trung đoàn trưởng Lê Trọng Tấn chỉ huy Trung đoàn 209 chiến đấu tiêu diệt binh đoàn cơ động Charton của Pháp; trong thành phần của Trung đoàn 209 có Tiểu đoàn 130 mà Tiểu đoàn trưởng chính là Hoàng Cầm. Khi Lê Trọng Tấn trở thành Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 mà nòng cốt là Trung đoàn 209 thì Hoàng Cầm thay ông chỉ huy trung đoàn này.
Ngày 13/3/1954 quân ta mở màn cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bộ Chỉ huy chiến dịch sử dụng Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209 do Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm chỉ huy cùng Trung đoàn 141 đã khẩn trương vận động qua cầu Nậm Rốm chiếm lĩnh bàn đạp, từ đó đột phá tiêu diệt các cứ điểm 101A, 101B, 102. Tiểu đội trưởng Trần Can của Trung đoàn 209 là người cắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” đầu tiên trên trận địa phòng ngự của địch tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót thuộc Trung đoàn 141 đã hi sinh khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai khiến địch trong lô cốt không thể bắn ra được. 23h30, Him Lam bị tiêu diệt hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi để Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312, Trung đoàn 88 và Trung đoàn 36 của Đại đoàn 308 tiến công tiêu diệt các cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo vào ngày hôm sau, mở toang cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm.
Trong đợt tiến công cuối cùng, Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 506, 507, 508 và 509, quét sạch quân địch ở tả ngạn sông Nậm Rốm. 15h30 ngày 7/5/1954, quân ta bắt đầu tổng công kích. Trung đoàn 209 phát triển nhanh nhất, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ Vinh, Nhỏ, Lam, Hiếu thọc vào hầm De Castries, bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm hồi 16h20. Đến 17h30, đồng chí Lê Trọng Tấn báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bắt được De Castries cùng toàn bộ ban tham mưu của y.
Đại tướng Lê Trọng Tấn |
Kết thúc cuộc Kháng chiến chống Pháp, hai ông không còn trực tiếp ở bên cạnh nhau, nhưng vẫn gắn bó trên chiến trường đánh Mỹ. Hoàng Cầm, sau một thời gian chỉ huy Đại đoàn 312 của người thủ trưởng cũ để lại, từ năm 1964 được cử vào chiến trường miền Nam.
Trên cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9, ông chỉ huy những trận đánh và thắng Mỹ oanh liệt ở Bầu Bàng, Dầu Tiếng (1965), cuộc hành quân Junction City (1967)... Cuộc đời ông gắn bó với Quân đoàn 4, từ chiến dịch Đường 14 - Phước Long tới cửa ngõ Xuân Lộc, Long Khánh, cùng đại quân ta hội tụ ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 lịch sử. Sau ngày giải phóng, lúc cách mạng và nhân dân Campuchia yêu cầu, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 dưới sự chỉ huy của ông lại dũng mãnh tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sari ngày 7/1/1979.
Cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Hoàng Cầm gắn với những dấu mốc lịch sử quan trọng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Ông luôn ở tuyến đầu, ghi dấu chiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, ở đâu cũng là người xung kích, người chỉ huy kiên cường. Ông cũng để lại nhiều ấn tượng cho cán bộ và chiến sĩ của mình không chỉ bằng tài năng chỉ huy, lãnh đạo mà còn bằng đức tính giản dị, khiêm tốn của một người lính Bộ đội Cụ Hồ.
“Joukov của Việt Nam”
Người Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ đến đầu tiên sau lúc quân ta đánh chiếm dinh Độc Lập chính là tướng Lê Trọng Tấn. Ông viết ngay một bức điện vượt ra ngoài khuôn phép thông thường về quân sự: “Anh Tấn ơi! Phấn khởi quá!..”. Và người Anh Cả của quân đội đánh giá tướng Tấn xứng đáng “hai lần anh hùng” do đã chỉ huy quân bắt sống tướng De Castries ở Điện Biên Phủ năm 1954 và bắt sống nội các ngụy Sài Gòn 21 năm sau. |
Đại tướng Lê Trọng Tấn, sau khi “giao lại” Đại đoàn 312 cho người cán bộ cấp dưới yêu quý của mình, lần lượt đảm nhiệm các chức trách Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tổng Tham mưu trưởng...
Nhưng đáng nói hơn, ông là Tư lệnh của những chiến dịch lớn và quan trọng trên các chiến trường quyết định: Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Đường 9 Nam Lào, Mặt trận Trị Thiên; Tư lệnh chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Tư lệnh cánh quân duyên hải (do chính ông đề xuất thành lập) tiến vào Sài Gòn sớm nhất vào Mùa xuân 1975; Tư lệnh chiến dịch biên giới Tây Nam 1978 - 1979... 70 tuổi, Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn khoác áo lính ra trận.
Lê Trọng Tấn là vị tướng trận mạc, luôn có mặt ở những chiến trường gai góc và nóng bỏng nhất, có khả năng xoay chuyển cục diện trận đánh, trăm trận trăm thắng. Các nhà khoa học quân sự và quân đội các nước anh em kính nể, học tập ông về tài năng, đức độ và tầm chiến lược, chiến thuật, kiệt xuất. Các cán bộ, chiến sĩ yêu mến gọi ông là “Joukov của Việt Nam”, luôn đoàn kết, một lòng tin tưởng vào tài năng, đức độ, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán của ông.
Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo khi “xếp hạng” không chính thức các tướng lĩnh Việt Nam hiện đại đã đánh giá: “Tất nhiên đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ hai là tướng Lê Trọng Tấn…”.
Từ Kháng chiến chống Pháp, từ chiến hào Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thượng tướng Hoàng Cầm cùng nhiều tên tuổi lớn, nhiều tướng lĩnh tài ba khác của đất nước và quân đội ta đồng hành cùng toàn dân trong các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc. Tên tuổi cùng những võ công vang dội của họ được khắc chữ vàng vào lịch sử quân đội, lịch sử dân tộc. Và phần thưởng lớn nhất đối với họ là lòng yêu mến, sự kính trọng của mọi cán bộ, chiến sĩ, của người dân ở mọi miền đất nước.
Nguyên Phong
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận