Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp cùng lãnh đạo Bộ GTVT, tỉnh Quảng Nam đến vận động người dân huyện Núi Thành GPMB để thực hiện dự án mở rộng QL1 (chụp tháng 7/2014) - Ảnh: Công Tú |
Hơn 10 tuổi, mẹ và chị gái hy sinh, tuổi thơ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nỗi ám ảnh với đói nghèo và chết chóc bởi bom đạn của kẻ thù. Hoàn cảnh ấy đã khiến cậu út Nguyễn Xuân Phúc từ nhỏ đã có ý chí mãnh liệt, tự lập vươn lên. Nhìn lại những vị trí công tác mà ông đã trải qua, đều có những dấu ấn khó quên...
“Cậu bé thép”
Cả buổi sáng hôm qua, người dân xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam râm ran chuyện xã mình có người được Quốc hội bầu làm Thủ tướng. “Thật vinh dự cho dòng họ, làng xã”, Trưởng tộc Nguyễn Văn - ông
Nguyễn Văn Thành (SN 1954), anh họ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ. Theo lời ông Thành, đặc thù xã Quế Phú nằm trong vùng địch chiếm đóng từ Vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) trở vào, nên thời đó cuộc sống người dân rất khó khăn, cơ cực. Thủ tướng là con út trong gia đình 4 chị em, cả nhà đều tham gia cách mạng và là gia đình chịu nhiều hi sinh, mất mát.
Ông Nguyễn Quốc Dũng (SN 1947, nguyên Viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng), anh trai của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tâm sự: “Ngày chú út Phúc mới sinh, bố tôi (ông Nguyễn Hiền, sinh năm 1918) đã phải ra Bắc tập kết. Ở nhà, mẹ và chị đầu tham gia cách mạng. Tôi thay cha, vừa làm công tác an ninh ở công an huyện, vừa lo chăm sóc, đùm bọc em gái kế Nguyễn Thị Thuyền (SN 1952) và chú út Phúc. Quê hương đầy tiếng bom đạn kẻ thù. Cảnh thiếu đói triền miên, phải lót dạ qua ngày bằng khoai sắn…”.
“Vất vả nhưng chú út rất ham học, sáng dạ, chăm ngoan” ông Dũng kể- Chừng 10 tuổi, trong lúc đi học về, chú út chạy vào giao thông hào tránh bom địch, bị quả rốc-két nổ trúng hai người đi phía trước chỉ cách chừng sải tay. Chú út thoát chết trong gang tấc”. Theo ông Dũng, căn nhà nhỏ của gia đình ít nhất 3 lần bị địch đốt phá. Cả nhà liên tục đón nhận tang thương. Tháng 4/1965, chị đầu đi du kích bị địch bắn chết. Chưa đầy năm sau, mẹ anh dũng hi sinh trước những đòn tra khảo của kẻ thù. Bố tập kết không thể về nhà chịu tang.
Ông Dũng một mình cáng đáng, vội đưa em gái và chú út lên núi lánh nạn trước những đợt truy sát gắt gao của địch. Hơn năm rưỡi, ông Dũng cuốc bộ 70-80km, gùi sắn gạo lên gửi người dân nuôi các em ăn học trước khi làm thủ tục chuyển út Phúc ra Bắc học tập (năm 1967). “Tận mắt chứng kiến biết bao mất mát hi sinh, tinh thần chú út rất rắn rỏi. Ngày đi ra Bắc, chú còn bé nhưng như một “cậu bé thép” đầy quyết tâm. Chú hứa học hành thật tốt để báo hiếu mẹ, chị, xây dựng, phát triển quê hương”, ông Dũng nói.
Sau đó, cậu học trò Nguyễn Xuân Phúc cùng hàng nghìn học sinh miền Nam ra Bắc học tập. Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, chàng sinh viên trẻ về nhận công tác đầu tiên tại BQL Kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng, trước khi giữ nhiều trọng trách ở tỉnh nhà. Ông Nguyễn Thượng (cháu gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chú họ) bộc bạch: “Chú Phúc là tấm gương cho các thế hệ con cháu về ý chí, vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, ham học và cống hiến”.
Đột phá tỉnh nghèo
Năm 1997, Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày tách tỉnh, từ giám đốc sở, ông Nguyễn Xuân Phúc được điều vào Quảng Nam làm Phó chủ tịch, kiêm Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Năm 2001, ông Phúc được bầu làm Chủ tịch tỉnh Quảng Nam. Khi đó, ông Vũ Ngọc Hoàng làm Bí thư tỉnh ủy. Một tỉnh mới tái lập, lại bị kẹt giữa hai địa phương có nhiều lợi thế hơn là Đà Nẵng và Quảng Ngãi, nên Quảng Nam đã nghèo, lại thêm khó.
Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai (Quảng Nam) chia sẻ: “Bàn đi tính lại, Quảng Nam chẳng có lợi thế gì, kể cả nông nghiệp, vì đất đai cằn cỗi. Khi đó, ông Phúc đưa ra quyết sách táo bạo, tập trung phát triển công nghiệp. Lấy đó làm đòn bẩy đưa Quảng Nam phát triển”.
“Những người viết bài này rất ấn tượng về những lần ông chủ trì họp Ủy ban ATGT Quốc gia (mỗi quý 1 lần), cuộc họp nào cũng có những chỉ đạo nóng, quyết liệt. Tỉnh nào để TNGT tăng, lập tức bị nhắc nhở, phê bình. Khi xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng, ông đều chỉ đạo khắc phục, xử lý kịp thời. Chỉ mới hôm 6/4, trước ngày được Quốc hội bầu làm Thủ tướng, ông vẫn có công điện chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý, khắc phục hậu quả vụ TNGT làm ba người chết ở Gia Lai.... |
KCN Điện Nam - Điện Ngọc được khởi công xây dựng sau những năm dày công “thai nghén”. Nhưng làm sao để thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư tại KCN? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Khi đó, đích thân dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh vào Nam mời gọi từng doanh nghiệp đầu tư. Hy vọng lóe lên khi Công ty Gạch Đồng Tâm Long An đồng ý đầu tư nhà máy. Sau đó là hàng loạt những doanh nghiệp khác “vì nể” ông Chủ tịch Phúc mà đầu tư vào mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này.
Theo ông Diện, năm 2002, ông Phúc lại mạnh dạn cho lập Đề án nghiên cứu thành lập KKT mở Chu Lai. Với mô hình KKT mở, đặt ra quá nhiều cơ chế mới, nên ban đầu không được Bộ Chính trị thông qua. Trong khi, Chính phủ cũng giải thể ban triển khai đề án. Nhưng ở địa phương, Chủ tịch Phúc vẫn kiên định mục tiêu, dày công nghiên cứu. Nhờ sự “đeo bám” này, tháng 6/2003, Bộ Chính trị cho triển khai KKT mở Chu Lai. Chỉ hơn tháng sau đó, ngày 25/7/2003 công bố KKT mở cũng là ngày khởi công dự án Nhà máy Sản xuất ô tô Trường Hải (THACO) tại Quảng Nam, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, khâm phục.
Ông Diện kể, thấy Trường Hải đầu tư vào KKT, ai cũng ngỡ ngàng, vì khi đó doanh nghiệp này đang hoạt động ổn định ở TP.HCM, Đồng Nai và là thương hiệu mạnh của công nghiệp sản xuất ô tô nội địa. Để mời được Trường Hải đầu tư, ông Phúc phải mất gần hai năm trời (2002-2003) trực tiếp ra vào, gặp gỡ nhiều lần để thuyết phục ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT THACO). “Quan điểm của ông Phúc rất rõ ràng. Mình không có lợi thế cạnh tranh, hạ tầng còn thua các tỉnh thì mình phải thu hút bằng chính việc tạo dựng niềm tin, sự cầu thị và cả cái tình của người xứ Quảng”, ông Diện nhớ lại.
Còn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải chia sẻ: “Thời điểm đó mà một ông chủ tịch tỉnh cùng đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh rất cầu thị, đi lại nhiều lần, đến cả nhà riêng mình mời gọi. Nói thật là hồi đó vì rất quý trọng anh Phúc, rất nể cái tình của người dân Quảng Nam tôi mới quyết định đầu tư nhà máy ở đây”. Cũng theo ông Dương, tuy Quảng Nam không nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng nhưng bù lại thời điểm đó tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách “đồng hành cùng doanh nghiệp”, và họ đồng hành thực sự.
Đúng như kỳ vọng, sự xuất hiện của Trường Hải ngay từ đầu đã tạo thêm sự hấp dẫn cho những thương hiệu khác vào đầu tư tại KKT. Ông Diện thống kê: “Hiện KKT giải tỏa hơn 2.000 ha, đã lấp đầy được 90% diện tích này. Gần 100 doanh nghiệp hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 18.000 lao động. Năm 2015, các doanh nghiệp KKT Chu Lai đã đóng góp ngân sách 10.450 tỷ đồng. Trong đó, riêng Trường Hải đóng góp vào ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Nhờ quyết sách của các thế hệ lãnh đạo, trực tiếp là Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Phúc thời đó đã tạo nền tảng, đà bứt phá ngoạn mục cho Quảng Nam bây giờ. Chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh đề ra thời kỳ đó, nay đã cho thành quả lớn. Nếu năm 1997, khi chia tách tỉnh, tổng thu ngân sách (thu nội địa, xuất nhập khẩu) chỉ khoảng 220 tỷ đồng thì nay con số này tăng gần 70 lần, đưa Quảng Nam gia nhập câu lạc bộ thu ngân sách 15.000 tỷ đồng, vượt cả kỳ vọng”.
Dấu ấn giao thông
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, dấu ấn của ông Phúc với địa phương rất toàn diện. Đặc biệt, bức tranh hạ tầng giao thông từ chỗ manh mún thời kỳ tách tỉnh đến nay cơ bản đồng bộ, hiện đại, hình hài tuyến đường huyết mạch thông suốt, từ đường ven biển đến đường miền núi. Như QL14D được ông Phúc quyết định đầu tư (năm 2003) với chiều dài toàn tuyến hơn 70 km, góp phần đánh thức cả vùng núi xa xôi Nam Giang- một trong những huyện khó khăn và đông người dân tộc thiểu số nhất tỉnh.
Ông Trần Thanh An, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam bộc bạch: “Thời kỳ mới tách tỉnh ngân sách rất khó khăn nhưng Chủ tịch Phúc vẫn tạo cơ chế ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông làm “đòn bẩy” phát triển kinh tế-xã hội”.
Kể từ năm 2011, khi được giao trọng trách mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, ông Nguyễn Xuân Phúc cùng với các cộng sự đã làm được việc tưởng như không thể. Bốn năm qua, TNGT liên tiếp giảm cả ba tiêu chí. Nếu như trước năm 2011, mỗi năm cả nước có hơn 12.000 người chết vì TNGT, thì kết thúc nhiệm kỳ, năm 2015 cả nước đã kéo giảm còn dưới 9.000 người chết.
Có được kết quả ấy, đành rằng là thành quả chung của cả hệ thống chính trị, nhưng rõ ràng phải có người lĩnh xướng, chịu trách nhiệm chính, đó là ông Phúc. Những người viết bài này rất ấn tượng về những lần ông chủ trì họp Ủy ban ATGT Quốc gia (mỗi quý 1 lần), cuộc họp nào cũng có những chỉ đạo nóng, quyết liệt. Tỉnh nào để TNGT tăng, lập tức bị nhắc nhở, phê bình. Khi xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng, ông đều chỉ đạo khắc phục, xử lý kịp thời. Chỉ mới hôm 6/4, trước ngày được Quốc hội bầu làm Thủ tướng, ông vẫn có công điện chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý, khắc phục hậu quả vụ TNGT làm ba người chết ở Gia Lai...
Nói về sự quyết liệt của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chia sẻ: “Ông Nguyễn Xuân Phúc đã để lại nhiều dấu ấn với ngành Giao thông. Khi Phó Thủ tướng được giao trọng trách “chỉ huy” phần việc khó khăn, phức tạp nhất là công tác GPMB đại dự án QL1, đường HCM qua Tây Nguyên (2014-2015), hàng quý, thậm chí, hàng tháng, ông Phúc chủ trì họp, thị sát trực tiếp tại những điểm nóng về GPMB để chỉ đạo, tháo gỡ. Nên các kiến nghị của dân, cơ quan liên quan đều được Phó Thủ tướng trực tiếp tháo gỡ kịp thời, hoặc giải thích cặn kẽ nên đa phần người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng. Rất ít địa phương phải áp dụng giải pháp cưỡng chế. Nhờ GPMB nhanh kỷ lục, mà hai đại dự án này đã về trước được tiến độ từ 12 - 18 tháng so với kế hoạch Quốc hội giao”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận