Paul Pogba quay lại M.U với mức giá lên tới 120 triệu euro
|
Chia rồi lại hợp
Chỉ còn một ngày nữa, kỳ chuyển nhượng mùa hè 2016 của bóng đá châu Âu sẽ chính thức khép lại. Đến thời điểm này, các đội bóng lớn đều cơ bản khóa sổ và rất khó để xảy ra những thương vụ “bom tấn” vào phút chót. Tuy nhiên, có một đề tài được bàn ra tán vào suốt thời gian qua, đó là việc nhiều đội bóng phải bỏ ra số tiền lớn để mua lại những cầu thủ từng bị mình hắt hủi. Tiêu biểu nhất là trường hợp Paul Pogba gia nhập M.U với mức giá lên tới 120 triệu euro. Tiền vệ người Pháp từng nằm trong biên chế đội trẻ Quỷ đỏ nhưng bị Sir Alex chê chưa đủ tầm chơi cho đội chủ sân Old Trafford. Chính bởi vậy, BLĐ M.U đã để Pogba ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do vào năm 2012. Tuy nhiên, sau bốn năm, Pogba đã khiến đội bóng cũ phải bỏ ra số tiền kỷ lục để “tái hôn”.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Mats Hummels trưởng thành từ lò đào tạo Bayern Munich. Mặc dù vậy, tới năm 2008, Hummels đã không được ký hợp đồng chuyên nghiệp và buộc phải dạt tới Dortmund với danh phận “hàng thải”. Chỉ có điều, những người đứng đầu Bayern chẳng thể ngờ rằng ở đội bóng vùng Ruhr, Hummels đã có những bước tiến thần kỳ để trở thành một trong những trung vệ hàng đầu thế giới. Kết quả, Bayern trong nỗ lực trở lại đỉnh cao tại Champions League đã phải nghiến răng bỏ ra 35 triệu euro để đưa Hummels về sân Alianz Arena.
Không mất quá nhiều như M.U hay Bayern nhưng Real Madrid cũng lỗ 10 triệu euro cho thương vụ Alvaro Morata. Cụ thể, năm 2014, Kền kền trắng để Morata tới Juventus với giá 20 triệu euro và vừa phải bỏ ra 30 triệu euro để mua chân sút do chính mình đào tạo. Cũng ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2016, Chelsea đã chuẩn bị tới 65 triệu euro để thuyết phục Everton nhả tiền đạo Romelu Lukaku, người trước đó bị bán đi với giá 30 triệu euro. Mặc dù vậy, vụ mua bán này bất thành bởi Everton thét giá cầu thủ người Bỉ tới 80 triệu euro.
Trong quá khứ, Barca cũng từng phải chi tới 40 triệu euro để “triệu hồi” Cesc Fabregas từ Arsenal về Nou Camp (hiện tại khoác áo Chelsea). Số tiền trên quá lớn so với mức giá 500 nghìn euro Arsenal phải bỏ ra để mua tiền vệ người Tây Ban Nha. Với những dẫn chứng trên, chúng ta thấy việc “tái hôn” trong bóng đá đôi khi phải trả bởi một cái giá cực kỳ đắt đỏ.
Sức ép thành tích
Simon Jones, cây viết chuyên về chuyển nhượng của tờ Dailymail đã chỉ ra nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chia rồi hợp trong bóng đá. Theo đó, sức ép thành tích đã khiến các đội bóng, đặc biệt các ông lớn mua sắm một cách ồ ạt dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa nhân sự. Thực tế, luận điểm mà Simon Jones đưa ra hoàn toàn chính xác bởi những vụ “tái hôn” tốn kém thường diễn ra ở các CLB lớn. Barca, Real, M.U, Chelsea hay Bayern… luôn bị sức ép thành tích đè nặng, và mùa này qua mùa khác, họ buộc họ phải lao vào thị trường chuyển nhượng để tìm kiếm tân binh đẳng cấp bổ sung sức mạnh.
Hồi năm 2012, để dọn chỗ cho Fabregas vào đội hình chính, Barca đã đẩy tài năng trẻ sáng giá Thiago Alcantara sang Bayern với mức giá bèo 20 triệu euro. Hay như Real, khi có James Rodriguez từ Monaco, Kền kền trắng buộc phải để Morata tới Juventus nếu không muốn trả lương hàng tháng rồi để tiền đạo này ngồi dự bị cả mùa. Trường hợp Lukaku cũng tương tự khi Chelsea chấp nhận bán đứt cho Everton vì đã có Diego Costa. Ngoài ra, nhu cầu được khẳng định giá trị bản thân cũng khiến nhiều cầu thủ trẻ nằng nặc đòi ra đi khi cơ hội đá chính bị thu nhỏ.
Ở chiều ngược lại, nhiều cầu thủ trẻ tiềm năng không được trọng dụng nhưng khi tới đội bóng mới lại gặp điều kiện phát triển thuận lợi nên phát huy hết được trình độ và giá “niêm yết” tăng chóng mặt cũng dễ hiểu. Pogba là người thừa ở M.U dưới thời Sir Alex nhưng anh tới Juventus đúng thời điểm đội bóng này mới trở lại Serie A, khả năng tài chính eo hẹp nên buộc phải trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ. Đó là tiền đề để tiền vệ người Pháp vươn mình thành một tiền vệ trung tâm hàng đầu. Fabregas may mắn khi HLV Arsene Wenger tin tưởng tuyệt đối và trưởng thành vượt bậc trước thời điểm trở lại Barca…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận