Một đoạn tuyến thuộc gói thầu PK2 do TCT Xây dựng Trường Sơn thi công đã khắc phục xong tình trạng hằn lún, đảm bảo phương tiện đi lại êm thuận, an toàn |
Không xuất hiện hằn lún trở lại
Thời gian qua, dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) xuất hiện tượng hằn lún vệt bánh xe (HLVBX). Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban QLDA2 (đại diện chủ đầu tư) và tinh thần vào cuộc khẩn trương của các nhà thầu, đến nay, tình trạng hằn lún trên tuyến đường này đã cơ bản được khống chế và khắc phục xong.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Việt Khoa, Phó tổng giám đốc Ban QLDA2 cho biết, sau hơn hai năm đưa vào khai thác toàn tuyến, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hiện tượng hằn lún xuất hiện cục bộ tại một số đoạn tuyến, tập trung chủ yếu tại hai gói thầu PK2 (liên danh nhà thầu TCT Xây dựng Trường Sơn - CIENCO8 - Vinaconex - TCT Thăng Long) và PK1B (liên danh TCT Xây dựng Trường Sơn - Vinaconex).
"Thời gian qua, Ban QLDA2 thường xuyên phối hợp, chỉ đạo các nhà thầu xác định nguyên nhân và sửa chữa các hư hỏng phát sinh trong quá trình khai thác tuyến đường. Tuy nhiên, theo báo cáo của đơn vị trực tiếp quản lý khai thác, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hiện vẫn chưa có hệ thống kiểm soát tải trọng phương tiện”. Ông Lưu Việt Khoa |
“Ngay sau khi phát hiện tình trạng này, chúng tôi đã phối hợp với đơn vị quản lý khai thác tuyến đường thường xuyên kiểm tra, theo dõi và yêu cầu các nhà thầu sửa chữa ngay các đoạn bị hằn lún sâu từ 2,5cm trở lên. Hiện nay, trên tuyến chỉ còn lại một số vị trí cục bộ tại nút giao Tân Lập, Sông Công đang được nhà thầu lên kế hoạch sửa chữa xong trước 15/10/2016”, ông Khoa nói và cho biết, đối với các đoạn chiều sâu vệt hằn lún dưới 2,5cm, Ban QLDA2 đã yêu cầu các nhà thầu cào bằng tạo phẳng và đưa ra phương án xử lý ngay khi chiều sâu hằn lún lớn hơn hoặc thi công lớp tạo phẳng theo công nghệ phủ mỏng khi mặt đường ổn định.
Chia sẻ thêm, đại diện đơn vị quản lý khai thác tuyến đường, ông Lại Huy Xuân, Phó tổng giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng CTGT 238 cho biết, kết quả đến nay, các nhà thầu đã tiến hành bù lún cục bộ một số vị trí tại đầu cống được 760m2, cào bóc và tạo phẳng 46.375m2, cào bóc và thảm lại 6.944m2. “Các nhà thầu đã cơ bản khắc phục xong tình trạng hằn lún trên tuyến. Những đoạn tuyến bị hằn lún sâu trên 2,5cm được cào bóc và thảm lại, sau nhiều tháng theo dõi không thấy hiện tượng hằn lún tái diễn”, ông Xuân khẳng định.
>>> Xem thêm video:
Nhà thầu chủ động sửa chữa
Chiều 3/10, trực tiếp khảo sát toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên suốt hành trình dài hơn 60km từ điểm đầu Km 0 (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) giao với QL1 đến Km 63+800 (nút giao Tân Lập, tỉnh Thái Nguyên), mặt đường không còn hiện tượng mấp mô, lượn sóng, các phương tiện lưu thông êm thuận và an toàn. Theo quan sát, những vị trí mặt đường bị hư hỏng đã được khắc phục, sửa chữa chủ yếu tập trung ở các đoạn tuyến từ Km 7+000 - Km 17+820, đoạn Yên Phong - Đông Anh (thuộc gói thầu PK1B) và Km 32+000 - Km 63+800, đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên (gói thầu PK2). Nhiều vị trí dù diện tích hư hỏng nhỏ chỉ vài m2 cũng đã được các nhà thầu xử lý dứt điểm. Chỉ tay về phía dải bê tông nhựa mới được thảm lại, ông Khoa nói: “Bất cứ hư hại nào dù nhỏ nhất, chúng tôi cũng kiên quyết yêu cầu nhà thầu phải khắc phục triệt để nhằm đảm bảo chất lượng cho công trình sau khi sửa chữa không để hằn lún trở lại”.
Theo ông Khoa, hiện nay, dự án đang trong thời gian bảo hành. Trường hợp nhà thầu không triển khai khắc phục theo quy định, chủ đầu tư sẽ sử dụng khoản bảo lãnh bảo hành (khoảng 300 tỷ đồng) để thuê đơn vị khác thực hiện theo quy định. “Tuy nhiên, thực tế tại dự án, các nhà thầu đều chủ động triển khai công tác khắc phục, sửa chữa các vị trí hư hỏng ngay khi có văn bản yêu cầu của Ban QLDA2, trong đó phải kể đến TCT Xây dựng Trường Sơn là đơn vị tích cực nhất trong quá trình khắc phục các hư hỏng xảy ra tại đoạn tuyến thuộc hai gói thầu PK2 và PK1B”, ông Khoa chia sẻ.
Thông tin với Báo Giao thông, ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Điều hành dự án (TCT Xây dựng Trường Sơn) cho biết, thực hiện chỉ đạo của chủ đầu tư, ngay từ đầu năm 2015, đơn vị đã tiến hành xử lý các vị trí bị hằn lún với chiều sâu trên 2,5cm bằng giải pháp cào bóc và thảm lại. Tiếp đó, đầu năm 2016, nhà thầu này cũng tiến hành cào bóc tạo phẳng đối với các vị trí bị hằn lún dưới 2,5cm tại gói thầu PK2. “Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị thi công thử nghiệm lớp phủ mỏng theo công nghệ TL-2000 đối với những đoạn bị hằn lún dưới 2,5cm đã được cào gọt, tạo phẳng. Sau khi kết quả thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ cho triển khai thi công đồng loạt để đảm bảo chất lượng mặt đường”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận