Ông Nguyễn Viết Huy, Phó trưởng Ban PPP (Bộ GTVT) trả lời câu hỏi của PV tại buổi họp báo |
Thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn xã hội hóa
Chiều qua (9/12), Báo Giao thông, Ban Quản lý Đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) và Vụ Hợp tác quốc tế đã tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” sẽ được diễn ra vào ngày 12/12 tới. Gần 60 PV đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư, địa phương và ngành GTVT đã tham dự.
Chủ trì buổi họp báo, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, sau ba năm thực hiện Nghị quyết 13 về đột phá chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, ngành GTVT đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều công trình giao thông đã được hình thành theo hướng hiện đại, đồng bộ. Sau nhiều năm đất nước thống nhất, cuối năm 2015, chúng ta sẽ có một tuyến đường xuyên Bắc - Nam với bốn làn xe được thiết kế theo hướng hiện đại và đồng bộ. Đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cũng theo ông Kiên, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn nhưng thông qua chủ trương thu hút vốn xã hội hóa, Bộ GTVT đã huy động được nguồn vốn rất lớn đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện vẫn còn một số tồn tại trong công tác huy động vốn, tín dụng, cơ chế chính sách. Hơn nữa, các dự án xã hội hóa chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ. Các lĩnh vực khác như: Hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt vẫn còn ít và chưa thật sự hấp dẫn. Để tìm giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thu hút vốn ngoài ngân sách cho hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã giao cho Báo Giao thông phối hợp với Ban Quản lý các dự án đối tác công tư (PPP) và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) tổ chức hội thảo này”, ông Kiên nói.
“Tại hội thảo, các nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, những chính sách để thúc đẩy và thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực hạ tầng giao thông”, ông Kiên thông tin.
Cơ hội để nhà đầu tư tìm hiểu, xúc tiến đầu tư
Trả lời câu hỏi của các PV về việc Ban tổ chức Hội thảo có đưa ra danh mục các dự án kêu gọi đầu tư thay vì để các nhà đầu tư tự tìm kiếm và đề xuất với Bộ GTVT, ông Nguyễn Viết Huy, Phó trưởng Ban PPP cho biết: “Hội thảo tới, chúng tôi có tính đến phương án đưa ra danh mục để các nhà đầu tư tìm hiểu, lựa chọn. Tuy nhiên, vấn đề còn phụ thuộc vào năng lực của các nhà đầu tư đó có đủ mạnh hay không”.
Hội thảo sẽ diễn ra vào sáng 12/12 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Hội thảo dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng như: Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước VN, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự góp mặt của các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, nhà tài trợ lớn trên thế giới như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (EDCF), Ngân hàng Goldman Sacks (Mỹ), Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Ấn Độ (IL&FS), khoảng 20 ngân hàng thương mại, nhiều nhà đầu tư, nhà thầu, ban QLDA… |
Về câu hỏi sau năm 2015, khi hoàn thành nâng cấp QL1 bằng rất nhiều nguồn vốn khác nhau, số trạm cũng như mức phí sẽ tăng lên? Ông Huy cho biết, khoảng cách giữa các trạm đã được quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính là 70 km/trạm. Có thể số trạm sẽ tăng lên nhưng khoảng cách giữa các trạm vẫn theo đúng quy định. Về mức phí cũng phải thực hiện theo quy định của pháp luật và phải được sự đồng ý của liên Bộ Tài chính, GTVT nên không có chuyện nhà đầu tư muốn tăng phí thế nào cũng được.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bá Kiên bổ sung thêm, ngay cả những nước phát triển thì việc thu hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông cũng khá phổ biến và nhà đầu tư thu hồi vốn cũng thông qua việc thu phí. Trong khi đó, nước ta còn nghèo, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông ngày càng hạn hẹp. Vì thế, việc huy động vốn tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh các tuyến đường được đầu tư hiện đại mà người sử dụng phải trả phí, vẫn có tuyến đường cũ để người dân đi lại bình thường mà không mất phí.
Về câu hỏi tại sao Báo Giao thông được Bộ GTVT tín nhiệm giao tổ chức Hội thảo, ông Kiên cho biết: “Báo Giao thông là cơ quan ngôn luận của Bộ GTVT. Báo cũng đã từng tổ chức hội thảo về các vấn đề liên quan đến ngành GTVT. Báo Giao thông coi đây cũng là một nhiệm vụ chính trị. Khi chúng tôi đề xuất tổ chức hội thảo này đã được lãnh đạo Bộ đồng ý giao cho Báo, Ban PPP và Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức”.
Tiến Mạnh - Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận