Văn hóa - Giải Trí

Cơ hội nào cho “ông lớn” nhạc số vào Việt Nam?

21/03/2018, 09:05

Thị trường nhạc số Việt bỗng trở nên rộn ràng khi Spotify - ứng dụng nghe nhạc trực tuyến lớn trên thế giới...

25

Sportify được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thói quen nghe nhạc miễn phí của nhiều người Việt

Khán giả sẵn sàng bỏ tiền mua nhạc

Năm 2012, chiến dịch thu phí tải nhạc “Nghe có ý thức” từng được khởi xướng với sự tham gia của nhiều đơn vị nhạc số như: Zing MP3, NhacCuaTui (NCT)… từng không mấy thành công. Thế nhưng, mới đây, khi Spotify vào Việt Nam, nhiều người rầm rộ khoe đã tải, đăng ký gói 59 nghìn đồng/tháng của Spotify.

Đây là điều khá bất ngờ khi thói quen nghe nhạc miễn phí đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người Việt. Điều gì có thể khiến nhiều người Việt sẵn sàng bỏ tiền nghe nhạc trên ứng dụng? Nhìn qua có thể thấy, Spotify cập nhật rất nhanh và đầy đủ những ca khúc và album mới nhất trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam. Ứng dụng có 2 gói dịch vụ dành cho người dùng là Premium (cao cấp) và Free (miễn phí). Người nghe sẽ phải bỏ ra 59 nghìn đồng/tháng nếu đăng ký gói Premium, nhưng sẽ được hưởng nhiều tính năng đặc biệt mà gói Free không có.

Anh Trung Tín (TP.HCM - sáng lập kênh Youtube nổi tiếng Hẻm Radio) cho biết, anh đã đăng ký gói Premium và nhận thấy gói có nhiều ưu điểm. Tính năng cao cấp của Spotify cho phép người nghe có thể điều khiển nhạc từ xa thông qua một thiết bị khác. Ngoài ra, người dùng có thể nghe nhạc mà không cần kết nối wifi, tiết kiệm dữ liệu, không bị chèn quảng cáo trong quá trình nghe nhạc và được nghe nhạc chất lượng cao. Hiện tại, Spotify có ba mức chất lượng âm thanh là 96Kbps, 160Kbps và 320Kbps. Trong đó, mức 320Kbps chỉ cho người dùng Premium. Trong khi đó, ứng dụng ở Việt Nam như Zing MP3 chỉ có hai mức là 128Kbps và 320Kbps, mức 320Kbps chỉ dành cho người dùng Zing VIP.

“Sự khác biệt của chúng tôi là nhấn mạnh vào tính cá nhân”, bà Sunita Kaur, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Spotify nhấn mạnh. Với thị trường âm nhạc Việt Nam, các chuyên gia âm nhạc của hãng này liên tục chọn lọc, cập nhật những ca khúc đa dạng cho playlist. Hiện tại, nhạc Việt đã có một số playlist tiêu biểu như: Top Hits Vietnam, V-Pop không thể thiếu, Tuyệt phẩm Bolero, Nhạc Hoa lời Việt, Jazz Việt, Hip-hop Việt… Spotify có vẻ đang có nhiều thuận lợi. Trên mạng xã hội, đã có những nhóm cộng đồng nghe nhạc Spotify được thành lập với hàng nghìn thành viên tham gia và bình luận, chia sẻ thường xuyên.

Khả năng lỗ cao của Spotify

Mặc dù khởi đầu tưởng như thuận lợi nhưng thực tế, Spotify cũng như thị trường nhạc số tại Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức. Lớn nhất vẫn là thói quen nghe nhạc của người Việt. Thậm chí, ngay khi mới ra mắt tại Việt Nam, trên một số diễn đàn đã có những bài viết hướng dẫn cách tạo tài khoản Premium trên Spotify miễn phí. Đây cũng là tình trạng mà Zing MP3 hay NCT từng gặp phải.

Ngay dưới app của Spotify, hàng loạt bình luận của người dùng về những nhược điểm của ứng dụng này đã được đưa ra. Theo đó, Spotify chỉ thanh toán qua thẻ tín dụng như Visa/Mastercard, điều này khiến dịch vụ khó tiếp cận tới phần đông người dùng Việt. Ngoài ra, ứng dụng cũng không có lời của các bài hát, không có Music Video. Dù khen ngợi những tính năng của ứng dụng này nhưng anh Trung Tín vẫn tiếc: “Hiện tại, chưa có nhạc theo mùa hoặc các ngày đặc biệt trong năm, chưa hỗ trợ nghe nhạc miễn phí qua 3G (không tính dung lượng)”.

Theo ông Đinh Nhất Quý, Giám đốc chiến lược của The Point Consulting Group, thị trường Việt có gần 100 triệu dân với hơn 50% sử dụng internet. Một nửa trong số đó thuộc độ tuổi lao động. Như thế có thể thấy, số lượng người dùng chia sẻ việc mua bản quyền trên Spotify là quá nhỏ và cũng chỉ theo xu hướng.

Ông Quý phân tích, thị trường luôn có 3 thành tố chính tham gia là: Cung, cầu và quản lý từ Nhà nước. Người Việt vẫn thích nghe những kiểu nhạc hội chợ, liên khúc remix, nhạc chế, nhất là ở nông thôn. Kho của Spotify không cung cấp những loại nhạc này. Về phần cung, kho nhạc Việt của hãng này không đa dạng bằng những trang nhạc như: Zing MP3, NCT… Những trang này có thị phần ở Việt Nam khá tốt. Họ phủ sóng thị trường rồi nên đã sớm bắt tay, hoặc thậm chí có thể độc quyền với nhiều nghệ sĩ Việt. Trong khi đó, các nghệ sĩ, phòng thu, nhà sản xuất ở Việt Nam có hoạt động khác với phương Tây nên sẽ khó làm việc được với Spotify. Nếu có làm cũng không độc quyền được. Chưa kể, Nhà nước chưa có những quy định nghiêm ngặt về bản quyền nội dung, cũng như bản quyền nội dung số.

“Spotify vào Việt Nam chắc chắn lỗ trong nhịp đầu. Dù có bản miễn phí nhưng doanh thu chính vẫn đến từ việc mua gói ứng dụng, trung bình toàn cầu tỉ lệ trả tiền khoảng 45%. Tỉ lệ này Việt Nam có lẽ chưa tới 10%. Nó đáng trân trọng vì tạo giá trị, góp phần từ từ thay đổi thói quen nghe và kinh doanh nhạc lậu. Kể cả doanh số của những nhà sản xuất phần cứng (loa, tai nghe, thiết bị âm thanh...) sẽ bứt lên nhờ ứng dụng này”, ông Quý khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.