Chiều 5/7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục bàn về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP. Ảnh: Minh Nghĩa |
Trước thực trạng về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Thành phố, Đại biểu (ĐB) Đặng Thị Phương Linh cho biết, nỗ lực mang đến bữa ăn an toàn cho người dân của các ban ngành, đoàn thể trong thời gian qua có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa thể đáp ứng tất cả nhu cầu người dân đưa ra.
ĐB Linh cho biết, công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cử tri vẫn chưa thực sự an tâm. “Trong bức tranh ATTP hiện nay, người dân khó có thể làm người tiêu dùng thông minh. Bằng mắt thường, người dân không thể phân biệt thịt heo, trứng gà, rau... ở chợ, trong cửa hàng là thực phẩm đạt hay không đạt chuẩn. Như vậy, TP.HCM cần có giải pháp căn cơ từ đầu nguồn, tức là làm sao để nhà sản xuất thực hiện tốt công tác đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ĐB Linh nêu ý kiến. Từ đó, ĐB Linh đề xuất giải pháp chế tài nghiêm, kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học.
ĐB Nguyễn Mạnh Trí cho biết, người dân hoang mang trước tất cả các khâu, từ sản xuất ban đầu đến thu hoạch, giết mổ, bảo quản, chế biến. Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thông qua cách thức “test nhanh” không phải cơ sở xử phạt nhưng là bước đầu tiên giúp cơ quan chức năng nhận định tình hình, nâng tính răn đe. Tuy nhiên, một số nơi lúng túng về hướng xử lý sau khi “test”. ĐB Trí nêu: “Kết quả kiểm tra phải mất ít nhất 1, 2 ngày. Trong khi, thực phẩm tươi sống được tiêu thụ rất nhanh. Nhiều lúc kết quả xét nghiệm có thì thực phẩm đã đi khắp nơi. Chưa kể, chợ truyền thống và chợ đầu mối có quy mô, tính chất khác nhau. Theo đó, quy trình, phương án kiểm tra cũng không thể giống nhau”.
Nhiều ĐB ý kiến về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi được HĐND TP thông qua. Ảnh: Minh Nghĩa |
Còn ĐB Trần Quang Thắng cho rằng, tỷ lệ hơn 48% cơ sở thức ăn đường phố khi bị kiểm tra có vi phạm về ATTP là rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Từ đó, ĐB Thắng đề nghị cần ưu tiên kiểm soát đối với hoạt động này.
Theo báo cáo giám sát của HĐND TP, nhằm cải thiện ATTP đối với thức ăn đường phố, Sở Y tế đã phối hợp với UBND quận, huyện và phường xã tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP cho gần 23.200 người, khám sức khỏe cho hơn 18.800 người tham gia kinh doanh và phục vụ thức ăn đường phố. TPHCM còn xây dựng bốn phường điểm ở Q.4 (P.12), Q.3 (P.2), Q.Tân Phú (P.Tân Thành) và Q.Bình Tân (P.An Lạc A) kiểm soát về điều kiện ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài ra, một số quận, huyện tiếp tục xây dựng các phường, xã điểm kiểm soát ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố hoặc tuyến đường điểm không có thức ăn đường phố.
Báo cáo của UBND TP nhận xét, ý thức chấp hành các quy định về các quy định, điều kiện về ATTP của các cơ sở chưa cao, người dân vẫn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Thức ăn đường phố và của hàng ăn uống chưa đăng ký kinh doanh, thiếu quy hoạch gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và chưa kiểm soát tốt các điều kiện chế biến, nguyên liệu chế biến, phụ gia sử dụng, bảo quản…
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định khả năng bảo đảm ATTP của thức ăn đường phố là rất yếu nhưng giải pháp nào quản lý vẫn chưa rõ. “Ngoài ra, tại chợ đầu mối mà kinh doanh như thế thì sao mà quản lý được? Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm định lượng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, về hoá chất và kháng sinh trong sản phẩm động vật mà đã được đưa đi tiêu thụ đến khi có kết quả xét nghiệm thì thức ăn đã được người dân tiêu thụ rồi”, bà Tâm nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý VSATTP TP thông tin, hiện nay TP đã thành lập các đội quản lý ATTP, có phân về 3 chợ đầu mối với số lượng lớn. Đội ngũ thanh tra sẽ phối hợp với quận/huyện kiểm tra giám sát bất kì lúc nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận