Chuyện dọc đường

Có nên giảm tốc độ tối đa trên cao tốc?

12/04/2018, 08:05

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn đề xuất điều chỉnh giảm tốc độ trên một số tuyến cao tốc hiện nay.

4

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Ảnh: Tạ Tôn

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I vừa được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đề xuất điều chỉnh giảm tốc độ trên một số tuyến cao tốc hiện nay.

Lý do được ông Tuấn đưa ra là để đảm bảo ATGT. Cụ thể, ông Tuấn đề xuất đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ giảm tốc độ tối đa từ 100km/h xuống 80km/h, đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình nên là 100km/h thay vì 120km/h. Sau này, khi các tuyến cao tốc hoàn thiện, tốc độ có thể nâng lên 120, 140, 160km/h.

Đề xuất này lập tức gây được sự chú ý của dư luận. Hầu hết người dân, tài xế cũng như hiệp hội vận tải cho rằng, việc kéo giảm tốc độ sẽ gây thiệt hại như giao thông ùn ứ, lãng phí thời gian, chi phí nhiên liệu tăng… Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, đầu tư hạ tầng giao thông để tạo điều kiện cho các loại phương tiện tăng tốc độ nhằm rút ngắn thời gian đi lại của người dân. Việc kéo giảm tốc độ là đi ngược với xu hướng trên nên cần phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ. “Nguyên nhân gây TNGT không chỉ do tốc độ, mà còn nhiều nguyên nhân khác. Không thể lấy lý do TNGT để rồi kéo giảm tốc độ xe lưu thông trên đường”, ông Thanh nêu quan điểm.

Nhiều lái xe cũng cho rằng, tốc độ trên các tuyến cao tốc ở Việt Nam chưa cao, chỉ dao động từ 60 - 120km/h. Xét theo quy định, tốc độ tối thiểu trên cao tốc cũng chỉ tương đương với các tuyến quốc lộ là 80km/h. Điều này có nghĩa, các phương tiện lưu thông trên cao tốc có nhiều lựa chọn, nếu không muốn lưu thông tốc độ tối đa, có thể lưu thông tốc độ tối thiểu để đảm bảo an toàn.

Anh Dương Anh Hào, lái xe cứu hộ 116 từng tham gia cứu hộ nhiều trường hợp trên cao tốc cho rằng, tốc độ quy định như hiện nay trên các tuyến cao tốc là hợp lý cho phương tiện lưu thông trên đường một chiều. Nếu giảm tốc độ, vận tốc sẽ tương đương với các tuyến quốc lộ là điều phi lý, khi đó xe đi với tốc độ thấp còn dễ xảy ra tai nạn hơn.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hùng (Phú Thọ) cho rằng, xe tốt, đường tốt mà bắt đi chậm là vô lý. Đường cao tốc lái xe đi mất tiền nên người tham gia giao thông có quyền đòi hỏi chất lượng tương ứng. “Chúng tôi thấy tốc độ hiện nay vẫn đảm bảo an toàn. Các vụ tai nạn có nhiều nguyên nhân không phải do tốc độ”, anh Hùng nói.

Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc Nguyễn Quốc Tùng cho rằng, tốc độ quy định hiện nay trên đường cao tốc là phù hợp với chất lượng của kết cấu hạ tầng giao thông và chất lượng phương tiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế còn một số người điều khiển phương tiện chưa nhận thức đúng các quy tắc khi lưu thông trên đường cao tốc.

Theo ông Tùng, quy định tốc độ trên đường cao tốc hiện đã theo các quy định về tốc độ thiết kế của tuyến đường. Khi quy định về tốc độ lưu thông, các cơ quan chức năng đã có những tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho phương tiện cũng như những rủi ro phát sinh. So với các nước phát triển, tốc độ 120km/h là rất bình thường, có những nước tốc độ trên đường cao tốc lên đến 140 km/h, thậm chí không giới hạn tốc độ. Đường cao tốc phải lưu thông với tốc độ cao, không thể tương đương với quốc lộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.