Nhóm người nhận là gia đình của nạn nhân Nguyễn Thị Yến đến buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long để phản đối |
Luật quy định người phạm tội phải bồi thường cho nạn nhân những thiệt hại về mặt vật chất trực tiếp do tội phạm gây ra. Tuy nhiên, có những vụ án mà cơ quan chức năng chưa hoặc không tìm được ra thủ phạm nên nạn nhân trong các vụ án đó không nhận được khoản bồi thường nào.
Gia đình nạn nhân gánh chịu thiệt hại “kép”
Chiều 25/4, TAND Tối cao tổ chức xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long (58 tuổi, ở huyện Tân Yên, Bắc Giang) là tử tù có 11 năm tù oan trong vụ án hiếp dâm, giết chết bé gái 5 tuổi gây chấn động cả nước xảy ra ngày 26/6/2005. Tuy nhiên, buổi xin lỗi này trở nên hỗn loạn khi một nhóm người tự xưng là người nhà nạn nhân đem di ảnh đến để phản đối. Nhóm người này liên tục hò hét yêu cầu hủy buổi lễ vì lý do chưa xác định ai là hung thủ gây ra vụ án và vì sao ông Long đã đi tù 11 năm lại được thả với kết luận án oan trong khi không có bằng chứng rõ ràng. Buổi xin lỗi kết thúc chóng vánh sau chưa đầy 5 phút, ông Long trở nên suy sụp sau đó. Đến ngày 8/5, ông Long tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu tiếp tục tổ chức xin lỗi công khai, vì cho rằng chưa được xin lỗi về tội hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên đến nay ông chưa nhận được phản hồi nào.
Sau sự việc hy hữu kể trên, đã có ý kiến cho rằng, rất có thể phản ứng của người nhà nạn nhân xuất phát từ việc cơ quan chức năng không tìm ra thủ phạm. Trong khi đó, người được cho là thủ phạm trước đó lại được xin lỗi công khai, được bồi thường, còn quyền lợi của gia đình nạn nhân không được đảm bảo khi họ cũng phải gánh chịu những thiệt hại.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, xét cho cùng, khi tội phạm xảy ra, sức khoẻ, tài sản, tính mạng của ai đó bị thiệt hại chính là do công tác quản lý Nhà nước còn yếu kém, vì thế Nhà nước phải có trách nhiệm liên đới. “Tới đây, nếu đưa được vấn đề này ra bàn thì có thể nghiên cứu, tính đến việc có thể quy định thêm một điều “trong trường hợp không bắt được người phạm tội thì Chính phủ sẽ có hỗ trợ cho người bị hại”. Quy định như vậy để mở đường cho Chính phủ có nghị định về việc này”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Khó vì “vướng” ngân sách
Trong khi đó, ông Bùi Văn Xuyền, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội lại băn khoăn: “Thực tế, nhiều vụ không bắt được tội phạm, không điều tra ra người gây thiệt hại, nếu lấy tiền ngân sách, hay dùng một khoản quỹ nào đó để bồi thường cho nạn nhân trong các vụ án đó là không khả thi và không đúng về mặt nguyên tắc, bởi trách nhiệm bồi thường thuộc về người gây ra tội”.
Thấy hỗn loạn, phải dừng xin lỗi người bị oan Liên quan đến cảnh hỗn loạn được cho là hy hữu xảy ra tại buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, buổi xin lỗi này đã không tiến hành theo trình tự thủ tục: Phải giữ an ninh trật tự, phải chuẩn bị và lường trước được các tình huống có thể xảy ra... “Nếu hỗn loạn xảy ra thì phải dừng lại, cố làm sẽ gây hình ảnh rất phản cảm như vừa qua, khiến người được xin lỗi cũng mệt mỏi, không thoải mái. Trong khi đó, vô hình trung gia đình nạn nhân cũng vi phạm vì hành vi gây rối trật tự công cộng”, luật sư Hậu nói và nhận xét, một buổi xin lỗi như vậy không trang nghiêm, không thực chất, chỉ là làm cho có. Luật sư Nguyễn Danh Huế cũng nhận xét, buổi xin lỗi diễn ra chiếu lệ, máy móc, không thành tâm. |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM thừa nhận nhiều nạn nhân trong các vụ án bị thiệt hại, nhưng ông cho rằng, nếu lấy ngân sách ra bồi thường cho thiệt hại do tổ chức, cá nhân khác gây ra là vô lý. “Tiền ngân sách là tiền của dân, muốn dùng tiền này vào việc bồi thường cho nạn nhân của tội phạm như đề xuất phải được đưa ra xin ý kiến Quốc hội và được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”, ông Hậu nói và nhấn mạnh nguyên tắc ai gây ra hậu quả thì phải bồi thường.
Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì cho rằng, vấn đề bồi thường cho người bị thiệt hại ai cũng muốn làm, nhưng thực tế ở nước ta sẽ rất khó thực hiện. Đơn cử như lâu nay có những vụ án oan đã xác định cụ thể do cơ quan tố tụng gây ra, đã chỉ đích danh cá nhân, tổ chức gây ra oan sai rồi nhưng việc bồi thường còn lắt léo hết năm này qua năm khác. Ông cũng cho hay: “Ở nước ngoài, một số nước họ có những quỹ giống như quỹ phúc lợi xã hội, hay ở một số nước cho phép các tổ chức xã hội dân sự tự do thành lập hội, họ được kêu gọi nguồn xã hội hoá và khi có quỹ đó thì họ chủ động hỗ trợ cho những người bị thiệt hại trong hội của họ, chứ Nhà nước không tham gia vào việc này”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) nêu quan điểm, trong lĩnh vực hình sự không quy định thời hạn truy tìm tội phạm nên không thể khẳng định không tìm ra được thủ phạm. Cũng chính vì thế không thể có hạn định để chốt thời gian bồi thường cho người bị hại trong các vụ án. “Mong muốn bồi thường cho người bị thiệt hại rất vô cùng, nhưng cái gì cũng phải trong khuôn khổ, trong giới hạn mà pháp luật đã quy định”, ông Hưng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận