Nhiều ý kiến lo ngại việc chồng chéo, lạm quyền nếu bổ sung quyền về điều tra, khởi tố cho ngành Thuế - Ảnh: Nguyễn Thắng |
Bộ Tài chính:
Không chồng chéo với điều tra chuyên sâu
Hiện cơ quan thuế chưa được giao quyền điều tra nên toàn bộ các vụ vi phạm về thuế có dấu hiệu hình sự đều chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán...
Trong khi đó, cơ quan công an, do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế, không trực tiếp quản lý thông tin về lĩnh vực này nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời, tác dụng răn đe ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế bị hạn chế.
Nhất là do đặc thù trong công tác điều tra các vụ án cần có thời gian và đảm bảo bí mật thông tin nên việc đối chiếu tiến độ vụ việc giữa hai ngành công an và thuế chưa được thực hiện thường xuyên và nếu việc này được tiến hành thì hai ngành cần có một nguồn lực, thời gian và chi phí lớn vì số lượng thông tin là rất lớn và địa bàn rộng, trải dài trên khắp cả nước.
Giai đoạn 2011-2015, cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an 16.087 trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, trong đó kiến nghị khởi tố 395 trường hợp (có chứng cứ rõ ràng). Với hồ sơ thông tin về tội phạm 15.692 còn lại, cơ quan công an chỉ coi là tin báo trong công tác phối hợp và đề nghị cơ quan thuế phân tích các trường hợp có dấu hiệu phạm tội, nhưng việc này chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, thu thập chứng cứ.
Việc điều tra quy định bổ sung trong Luật Quản lý thuế bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với các cơ quan chức năng khác.
Bộ Tư Pháp:
Phải nghiên cứu, đánh giá cụ thể
Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế mà thực hiện biện pháp áp giải người cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng và quy định cụ thể vi phạm pháp luật thuế ở mức độ nào thì được áp dụng biện pháp này. Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện theo đúng nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 732/QDD-TTg.
Theo đó, làm rõ mối quan hệ bộ phận điều tra thuế với cơ quan điều tra của Bộ liên quan và cơ quan tư pháp trước khi đề nghị bổ sung chính sách vào dự thảo luật. Việc giao thẩm quyền cho cơ quan thuế, công chức thuế khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự cần phải có đánh giá tác động về tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của công chức thuế trong hoạt động tố tụng và làm rõ phạm vi hoạt động điều tra thuế. Trong trường hợp bổ sung thẩm quyền của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì chính sách này tác động đến hệ thống pháp luật (đặc biệt là tố tụng hình sự) như thế nào cũng cần được đánh giá cụ thể.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu:
Tập trung quá nhiều quyền lực
Cho phép ngành Thuế được quyền thực hiện các biện pháp mang tính chất hình sự như điều tra, khởi tố là không hợp lý. Tổng cục Thuế hoặc một đơn vị của Bộ Tài chính điều tra về thuế thì điều tra là tốt, có quyền đưa ra mức phạt bằng tiền nhưng không có quyền thu giữ tài sản và bắt giữ người. Khi đụng tới tài sản và người phải ra tòa án. Đó là thông lệ của nhiều nước.
Cơ quan thuế có quyền thu thuế, ra giấy phạt những người trốn thuế, nhưng nếu đến bắt giữ tịch thu tài sản thì không phải chức năng của ngành Thuế. Nếu được quyền làm thế thì tập trung quá nhiều quyền lực cho họ, kể cả xử lý về mặt người. Tôi cho rằng, cơ quan thuế chỉ có thể đề nghị với Viện Kiểm sát nhân dân để tiến hành khởi tố. Ở nhiều nước, các cơ quan khác chỉ được khởi tố vụ việc về thương mại, còn khởi tố hình sự thì phải Viện Kiểm sát nhân dân.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền |
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Điều tra thì được, nhưng khởi tố là không ổn
Tôi đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính cho cơ quan thuế được quyền điều tra vì đây là công cụ tốt để quản lý thuế tốt hơn. Tuy nhiên, cơ quan thuế được cả quyền khởi tố thì không ổn. Khởi tố thuộc phạm vi tư pháp.
Thuế có thể được quyền giống như ngành Hải quan trong việc điều tra xác lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, tạm giữ hay được giữ người. Còn nếu muốn dùng biện pháp phong tỏa thì phải có lệnh của tòa. Trong trường hợp bắt quả tang hành vi vi phạm, cán bộ thuế hay thậm chí người dân cũng có quyền tạm giữ. Nếu sợ tài sản bị tẩu tán thì được niêm phong nhưng phải có thời hạn.
Tôi cho rằng, có thể trao quyền điều tra cho ngành Thuế nhưng kết quả điều ra phải được bên tư pháp giám sát, sau đó phải chuyển qua cơ quan công an. Một doanh nghiệp có thể phạm nhiều tội nên trước đây cũng đã có nhiều vụ việc mà phải nhiều bên cùng tham gia, các bên vào cuộc và giám sát lẫn nhau.
Luật Sư Trương Thanh Đức |
Luật Sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico:
Quy định ra sao để không lạm quyền
Cho cơ quan thuế điều tra là hoàn toàn hợp lý. Trong các khâu điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử thì Bộ Tài chính đề xuất ngành thuế được khởi tố, điều tra; điều tra cũng phải hợp tác hay đến giai đoạn nào đó phải chuyển qua cơ quan công an. Về nguyên lý đề xuất này không có gì phức tạp. Còn chuyên môn, thuế là một ngành đặc thù, chuyên sâu và cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế, liên quan tới ngân sách và chuyện mấu chốt của Nhà nước là thu thuế và phát hành công trái. Ngành Công an có nghiệp vụ điều tra nhưng nếu liên quan đến thuế thì còn nhiều cái khó, phức tạp, vẫn phải dựa vào kết luận của cơ quan thuế mới thực hiện được. Những ngành như kiểm lâm, hải quan cũng đã từng giao quyền rồi, với ngành Thuế giao quyền điều tra cũng hợp lý. Nhưng quan trọng là quy định thế nào, tập huấn trình độ ra sao để cho hiệu quả nhất, không sợ lạm quyền.
Theo Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. Theo đó, thẩm quyền của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế như: Xử lý vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp có căn cứ cho rằng, có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, trưởng đoàn kiểm tra, trưởng đoàn thanh tra, chi cục trưởng, Cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự. Dự kiến, Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thứ hai năm 2018); trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (kỳ họp thứ nhất năm 2019) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 hoặc từ ngày 1/7/2020. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận