Ảnh minh hoạ |
Vừa qua, có rất nhiều ý kiến xung quanh quy định của Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Theo quy định này, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Nếu quy định trong Dự thảo này được thông qua và trong trường hợp các doanh nghiệp lớn như Google, Facebook không tuân thủ, nhiều người cho rằng sẽ rất thiệt thòi cho sự phát triển của Internet nói riêng, kinh tế số Việt Nam nói chung.
Bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/11, trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, thực tế cũng có những tổ chức cá nhân lợi dụng các mạng để nói xấu chế độ, bôi nhọ, xuyên tạc chế độ. Và chính việc đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến việc quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước rất khó.
"Việc này rất dân chủ, công khai nhưng cũng phải đặt vấn đề quản lý Nhà nước, vấn đề an toàn an ninh quốc gia" - ông Dũng nói và lưu ý với mọi vấn đề, cần có cái nhìn hai mặt.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, phải có cơ quan quản lý Nhà nước là đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề này, không thể để tình trạng "anh ở đâu đó nói xấu chế độ xuyên tạc bôi nhọ, tạo ra ảnh hưởng không tốt tới tình hình an ninh đất nước".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận