Hội nghị báo chí toàn quốc 2017 đang diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: Phan Tư |
Có tình trạng các báo luông lỏng quản lý văn phòng đại diện
"Có văn phòng đại diện của một cơ quan báo chí tại TP.HCM cấp một loại thẻ hoạt động báo chí cho cả chủ quán nhậu để làm ăn". Đó là thông tin mà ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) nêu ra tại Hội nghị báo chí toàn quốc đang diễn ra tại TP.HCM sáng 26/12.
Ông Tuấn cho biết sự việc trên được phát hiện sau khi có phản ánh và Bộ đã phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM tiến hành kiểm tra.
Thực trạng quản lý hoạt động các cơ quan, văn phòng đại diện báo chí là một vấn đề đáng quan tâm hiện nay của nhiều địa phương, ông Tuấn nhấn mạnh.
Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2017 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị. Có hơn 650 đại biểu gồm đại điện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự hội nghị báo chí lớn nhất trong năm này. |
Theo thống kê, cả nước hiện có 849 cơ quan báo chí, tạp chí in; 195 cơ quan báo chí điện tử; 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.
Giám sát, phản biện xã hội hiệu quả
Tại hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT đánh giá những điểm nổi bật của báo chí trong năm qua là đã bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất ý chí trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Báo chí tuyên truyền đậm nét các Nghị quyết Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ Chính trị. Thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực.
Bên cạnh những mặt tích cực, ông Bảo cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế của báo chí. Đặc biệt là thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép vẫn tiếp diễn. Báo chí thông tin không đúng sự thật, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng, tiết lộ bí mật Nhà nước.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu lên những bất cập của báo chí hiện nay. Ảnh: Phan Tư |
Nhiều cơ quan báo chí đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái của xã hội. Chưa thực sự đề cao quy định tác nghiệp, quy trình biên tập còn có những sơ suất, thiếu sót, lỏng lẻo, thiếu nhạy cảm chính trị xã hội. Đặc biệt tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy định của pháp luật và các kết luận của cơ quan chức năng.
Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương và cả đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Có xu hướng gia tăng tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử.
Năm 2017, các cơ quan quản lý đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 55 trường hợp với tổng số tiền xử phạt gần 1,3 tỷ đồng. Thu hồi 1 giấy phép hoạt động báo chí, 1 giấy phép chuyên trang báo điện tử, đình bản tạm thời đối với 5 trường hợp. Thu hồi Thẻ nhà báo đối với 12 nhà báo do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật.
Báo chí đứng trước nguy cơ sụt giảm lượng người đọc
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị cũng đã nêu lên những vấn đề đặt ra trong tình hình báo chí hiện nay. Cụ thể, sự ra đời và phổ cập mạng internet đến nay đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thực sự. Hiện nay, bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể tạo ra ảnh hưởng như một “cơ quan truyền thông”, tự cung cấp thông tin bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh và được chia sẻ rộng rãi. Từ đó, hình thành nên một lực lượng "người đưa tin" hùng hậu trên mạng xã hội. Tận dụng ưu thế, tính năng chia sẻ, bình luận và lan truyền của truyền thông xã hội, nhiều cơ quan báo chí hiện lập các fanpage trên mạng xã hội để chuyển tải các bài viết trên báo chí theo cách tiếp cận mới.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc mạng xã hội khiến báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả. Cơ quan báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội hoặc ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo. Nguy cơ phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập. Khi những mạng xã hội lớn như Facebook dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ bị sụt giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác.
Thách thức tái cơ cấu
Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Kiên - Tổng biên tập Báo Giao thông đã có chia sẻ về kinh nghiệm tái cơ cấu tờ báo sau khi Bộ GTVT đi đầu thực hiện quy hoạch báo chí. Ông Kiên cho biết cuối tháng 3/2015, Bộ GTVT phê duyệt Đề án sắp xếp các cơ quan báo chí thuộc Bộ, nhập 2 tờ báo (Bạn đường và đường sắt), 5 tạp chí về Báo Giao thông.
Gần 60 nhân sự (phóng viên, ban biên tập, biên tập viên, họa sỹ…) được điều chuyển về làm việc tại Báo Giao thông. Các nhân sự không phải là những người làm công tác chuyên môn báo chí thì cơ quan chủ quản phải thu xếp công việc đồng thời giải quyết tài chính, nợ nần của các cơ quan báo chí dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Bá Kiên - Tổng biên tập Báo Giao thông chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Đề án sắp xếp lại các cơ quan báo chí trong ngành GTVT |
Thời điểm này, Báo Giao thông xin xuất bản thêm ấn phẩm Cuối tuần, tăng kỳ xuất bản để bố trí thêm công việc cho đội ngũ nhân sự của các báo chuyển về, đồng thời cân đối lại nội dung tờ báo đảm bảo nhiệm vụ truyền thông toàn diện các lĩnh vực hoạt động của ngành.
Song song với quá trình tái cơ cấu, Báo Giao thông xây dựng Đề án đổi mới toàn diện làm một tờ báo có bản sắc riêng, nội dung truyền thông về ngành GTVT và những vấn đề liên quan đến người tham gia giao thông là số 1. Những vấn đề ngoài ngành, Báo chỉ thông tin những sự kiện chính trị lớn của đất nước, những vấn đề đời sống dân sinh nóng hổi được người dân cả nước quan tâm.
Qua kinh nghiệm thực tế, ông Kiên chia sẻ công tác quy hoạch báo chí cần quyết tâm chính trị và sự quyết đoán của lãnh đạo cơ quan chủ quản và phải thực hiện từ chính yêu cầu và đòi hỏi của cơ quan chủ quản. Chỉ thực hiện sắp sếp và tái cơ cấu những cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả và để đảm bảo tính khả thi, nên chia nhỏ các giai đoạn thực hiện quy hoạch tương ứng với các nhóm đối tượng khác nhau.
Cần có gói kinh phí riêng để hỗ trợ người lao động tại các cơ quan báo chí là đối tượng phải sắp xếp, tinh giản. Bởi thực tế không phải cơ quan báo chí nào cũng đủ năng lực tài chính để giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện quy hoạch.
Về lâu dài, ông Kiên đề xuất cơ quan quản lý báo chí sớm đưa ra các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất và con người khi xem xét cấp phép hoạt động cơ quan báo chí. Tránh tình trạng sau khi xin được giấy phép hoạt động thì không đủ năng lực để tồn tại, dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực đối với người làm báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận