Dù giá xăng đã giảm nhiều lần và giảm sâu nhưng các hãng taxi vẫn cầm chừng, không chịu giảm giá (Giá cước hãng Taxi Group vẫn giữ nguyên từ tháng 9/2015) - Ảnh: Dương Linh |
Xăng dầu chiếm từ 30-40% giá thành cước vận tải, tuy nhiên sau liên tiếp những đợt giảm giá xăng dầu gần đây các doanh nghiệp (DN) vận tải chưa chịu điều chỉnh giá cước vẫn chậm khiến dư luận hoài nghi và bức xúc. Tới đây, nếu các DN không chịu giảm giá, các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xử phạt hoặc công khai danh tính lên phương tiện truyền thông để khách hàng “tẩy chay”.
Hành khách cần được đối xử công bằng
Theo tính toán của Bộ Tài chính, so với thời điểm giữa tháng 9, giá xăng đã giảm 8,6%, còn giá dầu diesel giảm 13,7%. Mức biến động giá xăng dầu hiện nay tác động tới giá thành vận tải đối với xe chạy xăng là 2 - 3% và dầu là 4,8 - 6,2%. Còn so với ngày 1/1, giá xăng hiện nay giảm 8,3%, còn dầu diesel 0,05S giảm 29,5%. Như vậy, mức giảm giá xăng giúp chi phí xe chạy xăng giảm tương ứng là 2-3%, xe chạy dầu 10-13%, tùy theo mức tiêu hao nhiêu liệu của xe.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng giảm sâu, việc điều chỉnh giá cước vận tải đòi hỏi sự chủ động của các đơn vị kinh doanh vận tải. “Để tính toán chính xác mức giảm giá cước vận tải bao nhiêu là phù hợp, cần có đánh giá tổng thể các chi phí cấu thành nên giá cước gồm: Chi phí lương, điện, nước, nhiên liệu, phí đường bộ… Trong đó, chi phí dành cho nhiên liệu chiếm 30 - 40% giá thành cước vận tải.
Ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ TCT Đường sắt VN: Từ đầu năm đến nay, các công ty vận tải đường sắt đã nhiều lần linh hoạt điều chỉnh giảm giá cước vận tải theo biến động giá nhiên liệu, xăng dầu. Trung bình cước vận tải hành khách giảm gần 20%, cước vận tải hàng hóa giảm hơn 20%. Riêng với vận tải hành khách, nếu khách hàng mua vé trước nhiều ngày, đi chặng dài còn được giảm đến 50%. |
Ông Tuấn cũng cho rằng, đến tháng 10, các DN kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đã kê khai giảm giá với mức phổ biến 3 - 5% tùy từng tuyến. Tuy nhiên, ngày 18/12, giá dầu diesel giảm sâu tới 1.250 đồng/lít. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT yêu cầu các DN kinh doanh vận tải kê khai lại và giảm giá cước vận tải tương xứng với mức giảm giá nhiên liệu.
Để chủ động trong công tác quản lý giá cước vận tải trên địa bàn và bình ổn giá, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt, Sở GTVT các địa phương yêu cầu các DN vận tải kê khai, rà soát, đánh giá lại mức tác động của tỷ lệ giảm giá xăng dầu tới giá cước vận tải để điều chỉnh hợp lý, đảm bảo công bằng với người tiêu dùng.
Bộ GTVT cũng vừa có Văn bản 16977 yêu cầu các Sở GTVT các địa phương tăng cường công tác quản lý giá cước và thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ trên địa bàn; Chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện ngay việc kê khai lại giá cước vận tải giảm phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Trong đó, phải kê khai rõ các yếu tố chi phí cấu thành giá cước vận tải (có chi phí nhiên liệu) để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý rà soát và kiểm tra, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Minh, PGĐ Sở GTVT TP HCM cho biết, sau khi nhận được văn bản của Bộ GTVT, Sở đang soạn thảo văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải xem xét điều chỉnh cho phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu. Trường hợp các đơn vị tăng giá vé cao so với quy định, Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, xử phạt và công khai danh tính lên phương tiện truyền thông để khách hàng “tẩy chay”.
Doanh nghiệp vẫn giảm nhỏ giọt
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thực tế từ giữa năm, nhiều DN cũng đã điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, đối với DN vận tải khách, nhất là taxi cần có độ trễ nhất định, không thể cứ xăng dầu giảm giá là bắt vận tải giảm giá theo vì sự ổn định của giá xăng dầu không cao. Trong khi để điều chỉnh giá cước, cần rất nhiều thủ tục kê khai, chi phí kiểm định lại đồng hồ, niêm yết giá cước mới…
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội sẽ tổ chức họp các thành viên và thống nhất mức giảm giá cước sau các đợt giảm giá xăng dầu vừa qua. Hầu hết các đơn vị taxi trên địa bàn đều giảm sâu với các chuyến đi trên 30 km và các chuyến đi hai chiều. Theo ông Nhân, từ tháng 9/2015 đến nay, xăng dầu có 5 đợt giảm và hai đợt tăng, với mức cân đối giảm 930 đồng/lít xăng. Trong khi đối với taxi, chi phí nhiên liệu chiếm 25% nên mức giảm giá xăng dầu này, cước taxi chỉ có thể giảm 200 - 250 đồng/km.
“Chúng tôi đang theo dõi diễn biến giá xăng dầu. Nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm 600 - 700 đồng/lít, giá cước taxi sẽ điều chỉnh giảm luôn 400 - 500 đồng/lít. Bởi chi phí thay đổi giá cước taxi rất tốn kém, ít nhất cũng 200.000 đồng/xe mỗi lần điều chỉnh”, ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Trần Minh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và du lịch Hiếu Minh Sơn cũng cho biết, thực tế đơn vị đã giảm 10 - 15% giá vé. Các tuyến Đà Nẵng - Giao Thủy (Nam Định), Thái Bình đã giảm từ 380.000 đồng/vé xuống 350.000 đồng/vé.
Còn ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) cũng cho rằng, hiện việc xây dựng giá cước là do các DN tự thực hiện dựa trên quy luật cạnh tranh của thị trường. Thị trường vận tải đường bộ đang có sự cạnh tranh khốc liệt nên DN nào có giá cước bất hợp lý, hành khách sẽ tẩy chay ngay. “Một vài ngày tới chúng tôi sẽ điều chỉnh giảm từ 5 - 6% giá cước taxi và giảm 5 nghìn đồng (khoảng 7%) đối với tuyến xe khách cố định Hải Phòng - Hà Nội”, ông Hải cho biết.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Tháng 9 và 10/2015, Liên Bộ GTVT - Tài chính đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải. Kết quả, tính đến cuối tháng 10/2015, cả 63 tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo, nhiều đơn vị vận tải đã chấp hành việc thực hiện kê khai, niêm yết, giảm giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Cụ thể: Đối với vận tải hành khách đường bộ, đã có 948 tuyến cố định, 33 tuyến xe buýt và 325 DN taxi giảm giá cước. Đối với hàng không, tất cả các hãng đã thực hiện giảm giá (Vietnam Airlines giảm từ 9% - 80% giá trần quy định, VietjetAir và Jetstar Pacific Airlines giảm từ 9% - 100% giá trần quy định). Đối với vận tải đường sắt, TCT Đường sắt VN đã điều chỉnh giảm giá vận tải hành khách các cung chặng có mật độ đi lại thấp, giảm giá đường dài và 3 lần điều chỉnh linh hoạt cước vận tải hàng hóa trong từng thời điểm. Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị vận tải chưa thực hiện nghiêm việc kê khai, niêm yết giá cước, chưa thực hiện điều chỉnh giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận