Chất lượng sống

Cụ già 20 năm tự nguyện nhặt rác ở “hồ B52”

17/12/2017, 09:05

Đó là ông Đỗ Sáng Luyện, cư dân tại khu hồ Hữu Tiệp, người suốt hơn 20 năm qua lặn lội nhặt rác...

11

Ông Đỗ Sáng Luyện

Đó là ông Đỗ Sáng Luyện, cư dân tại khu hồ Hữu Tiệp, người suốt hơn 20 năm qua lặn lội nhặt rác xung quanh Khu di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp - nơi duy nhất lưu giữ xác máy bay B52 rơi ở nội thành Hà Nội.

Men theo con đường nhỏ nằm cạnh hồ Hữu Tiệp, đến ngõ 116, phường Ngọc Hà, hỏi “ông Luyện nhặt rác”, ai cũng biết. Người dân nơi đây thường quen gọi ông với cái tên thân mật “ông Luyện rác” hay “ông Luyện hồ B52”.

“Tôi vẫn nhớ những ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ đem pháo đài bay B52 đến ném bom Hà Nội, chưa kịp ném bom đã bị quân và dân ta bắn rơi. Một chiếc máy bay bị bắn hạ từ phía Tây Hà Nội, rơi ở phường Ngọc Hà khoảng khi chưa kịp cắt bom. Vì thế, sau khi máy bay rơi, quân dân ta thu được rất nhiều bom chưa nổ ngay tại hồ Hữu Tiệp. Đó là một kỉ niệm khó quên vì tôi đã được tận mắt chứng kiến một bộ phận máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, ngay chính nơi tôi sinh ra và lớn lên”, ông Luyện bồi hồi khi kể lại chiến tích oai hùng của dân tộc.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Luyện cho biết, hồ Hữu Tiệp là một chứng tích lịch sử quan trọng của đất nước, được nhiều khách du lịch ghé thăm. Điều đó khiến ông tự nhủ việc vớt rác hay làm sạch đường phố nơi đây là trách nhiệm của mình.

Bà Đỗ Thị Thơm, một người dân ở đây cho biết: “Ông ấy chịu khó lắm, cứ sáng ra là lại cầm gậy ra điều tiết giao thông, vì chỗ này ngõ nhỏ mà có nhiều trường học nên sáng hay tắc. Đến trưa, mọi người về hết ông lại đem chổi ra quét sạch đường từ ngõ trong ra ngõ ngoà. Đến 13h, 14h quét lại lần nữa”.

Năm nay tuổi đã ngoài 80, nhưng ông Luyện vẫn hàng ngày đều đặn 3 - 4 lần cầm vợt ra hồ vớt rác. Trên gương mặt người đàn ông ấy luôn nở nụ cười hãnh diện khi được hỏi về công việc tự nguyện của mình. “Nhớ những ngày đầu đi vớt rác, người dân nơi đây nói tôi bị điên. Họ bảo già rồi không ở nhà mà nghỉ ngơi lại chạy ra hồ vớt rác và quét dọn đường. Mỗi người có một cách hiểu và cách làm khác nhau, miễn sao việc mình làm không hại đến ai là được”, ông Luyện tâm sự.

Nhưng rồi hơn 20 năm qua, ai ai cũng quý mến ông và đặc biệt hơn, từ khi có ông Luyện dọn dẹp, tình trạng vứt rác, đổ rác thải, phế liệu không còn nữa. Đã có người dân đề nghị UBND phường cấp kinh phí hỗ trợ nhưng ông Luyện nhất quyết không nhận. Ông chia sẻ: “Tôi vớt rác không phải vì hoàn cảnh khó khăn. Việc giữ gìn di tích, môi trường là trách nhiệm của mỗi công dân. Với tôi, đó còn là một niềm vui. Tôi cảm thấy mình khỏe hơn, sống có ích hơn vì được hoạt động chân tay. Tuổi này mà cứ ngồi một chỗ có khi theo các cụ lâu rồi”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.